Chiếc nhẫn vàng của người nữ anh hùng
(Cadn.com.vn) - Đến thăm nhà liệt sĩ, Anh hùng LLVTND Huỳnh Thị Trà ở xã Bình Đông, Bình Sơn (Quảng Ngãi), chúng tôi không khỏi bất ngờ khi anh Huỳnh Tấn Trình, người gọi nữ anh hùng bằng cô ruột lấy từ trong tủ ra chiếc nhẫn vàng và giới thiệu: "Đây là kỷ vật của cô Trà, được tìm thấy bên hài cốt của cô. Bà nội trao cho tôi trước khi bà mất cách đây 4 năm". Anh Trình còn nhiệt tình giới thiệu những người đã tìm kỷ vật cho gia đình anh. Nhờ thế mà chúng tôi khám phá được nhiều điều chưa biết về người con gái đã làm rạng danh quê hương Núi Ấn, Sông Trà.
Bà Nguyễn Thị Xuân Mai, nguyên là biệt động TX Quảng Ngãi, xúc động kể: "Huỳnh Thị Trà còn có tên Huỳnh Thị Thanh Trà. Trà sinh năm 1947, người nhỏ nhắn, da trắng, tóc để dài, đánh giặc gan góc không ai bằng. Cô ấy và Ngô Thị Tuyết là những tay súng bắn tỉa nổi tiếng của xã, cả hai đều là Dũng sĩ diệt Mỹ khi còn tuổi thiếu niên. Thời đó đã có bài hát về du kích Bình Đông trong đó có nhắc đến Trà. Từ du kích xã, Trà được điều lên làm Thị đội phó, Thị ủy viên, phụ trách biệt động Quảng Ngãi. Trà đã tham gia và chỉ huy hơn 200 trận đánh trên địa bàn vành đai và trung tâm thị xã. Bản thân cô ấy diệt và làm bị thương hơn 200 tên, có nhiều lính Mỹ, ác ôn và sĩ quan địch. Trà được phong Anh hùng từ rất sớm, năm 1994, là nữ anh hùng duy nhất của Quảng Ngãi lúc bấy giờ. Khi Trà hy sinh tôi đang ở cánh quân khác. Người biết rõ nhất là đồng chí Mai Lương, nguyên Phó Bí thư Thị ủy năm đó''.
Ông Mai Lương, tuổi xấp xỉ 80 nhưng rất minh mẫn. Ông tìm trong chiếc rương con của mình cuốn sổ nhỏ bằng bàn tay, đã cũ, chậm rãi lật từng trang, đến ngày 16-1-1970 (nhằm mồng 9 tháng Chạp âm lịch) thì dừng lại, nghẹn ngào: "Đây là ngày hy sinh của Thanh Trà, lúc mới 23 tuổi. Tôi có xem một số tài liệu viết về cô ấy hy sinh năm 1971 là không đúng. Trước đó theo sự phân công của Thị ủy, đồng chí Trà về phụ trách khu lõm xã Nghĩa Dõng, đây là vùng cài răng lược của ta. Sáng hôm ấy, vào khoảng 9 giờ, bất ngờ có 2 đại đội cảnh sát dã chiến và bảo an bao vây nhà bà Bùi Thị Sĩ, nơi Trà và 4 đồng chí của mình đang trú ẩn. Xác định nếu không đánh phủ đầu, địch sẽ làm sập hầm, Trà lên phương án nhanh, sau đó xông ra trước tiên, dùng súng ngắn và lựu đạn tấn công địch, ghìm chân chúng bảo vệ các đồng chí mình chạy thoát. Trận đánh diễn ra quyết liệt, giằng co mấy giờ liền, tổ công tác đã tiêu diệt được 22 tên địch. Trà và đồng chí Năm hy sinh".
![]() |
Gia đình liệt sĩ Huỳnh Thị Trà trong lễ mừng thượng thọ bà Hồ Thị Biên, |
Nhiều năm cùng bà Hồ Thị Biên- mẹ Anh hùng Huỳnh Thị Trà- tìm kiếm cất bốc hài cốt Trà, ông Nguyễn Hữu Đức, ở xã Bình Thạnh, Bình Sơn nhớ lại: "Nhà chị Trà toàn chị em gái (người anh trai duy nhất đã mất). Tôi là rể, nhận trách nhiệm cùng mẹ Biên lo mồ yên mả đẹp cho chị vợ mình. Hồi ấy cơ sở báo về, sau khi chị Trà hy sinh, bọn địch lôi xác phơi nắng trên đường cái. Bà Hồng, ở thôn 4 xã Nghĩa Dõng đã bí mật chôn cất chị ấy ở gò đất phía sau nhà. Sau này, tất cả mồ mả ở khu vực đó đều được quy tập về nghĩa trang xã. Chị Trà cũng có tên trong đó. Năm 1986, thị xã có ý định dời phần mộ của chị về Nghĩa trang Núi Bút theo tiêu chuẩn Thị ủy viên của chị ấy, có mời mẹ tôi về chứng kiến. Nhưng với linh cảm của người mẹ, bà nhất định không chịu cho cất bốc phần mộ ở nghĩa trang xã. Bà nói rằng, chắc chắn hài cốt của chị Trà vẫn còn ở chỗ cũ. Bà Hồng, người trực tiếp chôn cất chị Trà thì đã mất, vùng đất này sau nhiều năm đã thay đổi vậy mà mẹ tôi vẫn dẫn cả đoàn quy tập về đúng nơi chôn cất xưa kia. Chỉ chừng chục nhát cuốc là đã phát hiện hài cốt của chị Trà. Khi thấy cái túi nhỏ bằng vải ni-lông to chừng 4 ngón tay bên phần xương chậu của hài cốt, mẹ tôi gần như ngất đi. Bởi đây là chiếc túi bà đã tự khâu cho con gái trong một đêm khuya. Bà nói: "Nếu có chiếc nhẫn vàng nữa mà tôi cho nó phòng thân trước khi thoát ly thì chắc chắn đó là hài cốt của Trà''. Quả thật như thế, trong chiếc túi, cùng với gương, lược, kẹp tóc là chiếc nhẫn vàng ta độ 5 phân (nửa chỉ). Các anh ở Ban quy tập đã giao chiếc nhẫn cho mẹ tôi, còn các kỷ vật khác đem về bảo tàng. Mẹ tôi giữ chiếc nhẫn bên mình suốt cả chục năm. Có lẽ việc tìm kiếm được hài cốt con gái tiếp thêm sức mạnh cho bà sống đến 90 tuổi. Trong buổi mừng thượng thọ bà, giữa con cháu đông đảo, trao tận tay chiếc nhẫn vàng cho cháu nội Huỳnh Tấn Trình và nói: "Đây là chiếc nhẫn vàng của cô Trà con. Nó đã theo cô của con trên từng trận đánh cho đến ngày cô hy sinh. Con giữ lấy làm kỷ niệm, thay nội thờ phụng cô con cho chu toàn". Con cháu nghe bà nói, ai cũng khóc. Năm sau thì bà đi...".
Hơn 40 năm kể từ ngày Huỳnh Thị Trà ngã xuống, nhưng hình ảnh cô gái nhỏ nhắn với mái tóc dài và nụ cười luôn tươi tắn vẫn không bao giờ phai trong ký ức của đồng đội và người thân. Và chiếc nhẫn vàng đã làm cho câu chuyện về người nữ anh hùng thêm kỳ diệu và gần gũi như thế đấy.
Bài, ảnh: Hồng Vân