Chiến dịch đổ lỗi

Thứ hai, 10/09/2018 09:48

Cuộc đàm phán hòa bình giữa chính phủ Yemen và các phiến quân Shiite được lên kế hoạch trong cuối tuần này tại Geneva, Thụy Sĩ cuối cùng đã không diễn ra sau khi phái đoàn Houthis không đến thành phố này. Theo các nguồn tin, dự định tổ chức hòa đàm về Yemen sụp đổ sau 3 ngày chờ đợi phái đoàn của Phong trào Houthi. Và hy vọng cho một nền hòa bình cho Yemen một lần nữa lại vụt tắt.

LHQ đang nối lại những nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc chiến tại Yemen bằng một kế hoạch hòa bình kêu gọi phiến quân Houthi thân Iran và chính phủ được quốc tế công nhận do Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hậu thuẫn, hợp tác về một thỏa thuận hòa bình dưới một cơ quan cầm quyền chuyển tiếp.  Các cuộc tham vấn giữa Houthi và chính phủ Yemen do LHQ dàn xếp tại Geneva đúng ra bắt đầu vào ngày 6-9.

Đây là lần đầu tiên trong 2 năm qua, hai bên đã có ý định ngồi lại với nhau và cố gắng chấm dứt cuộc nội chiến đã trở thành cuộc chiến ủy nhiệm giữa các ông lớn trong khu vực, mà nói cụ thể hơn là giữa hai kẻ thù truyền kiếp Saudi Arabia và Iran. Cuộc chiến đã tạo ra một thảm họa nhân đạo ở đất nước nghèo khổ, với hàng ngàn người bị giết và hàng triệu người phải di tản. 3/4 trong số 28 triệu người của đất nước cần viện trợ để ngăn chặn nạn đói và bệnh tật, và một nửa trong số đó cần sự hỗ trợ khẩn cấp để sinh tồn. Nhưng theo các nguồn tin, khi hy vọng đang nhen nhóm, đại diện của Houthi đã không có mặt.

Giờ đây, cùng với thời gian, mọi con mắt đang đổ dồn về Houthi, phe vốn bị chỉ trích nặng nề trong những ngày qua do đã không đến Geneva. Tuy nhiên, thủ lĩnh Houthi Abdul Malik al-Houthi đã phản bác bằng cáo buộc rằng, chính liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu đã ngăn chặn phái đoàn của phiến quân tới tham dự bàn hòa đàm tại Geneva. Trong bài phát biểu được phát sóng trên kênh truyền hình Al-Masirah của Houthi, thủ lĩnh Abdul Malik al-Houthi tuyên bố điều kiện duy nhất của phiến quân là “đến Geneva và trở về một cách an toàn”.

Trước tình hình khó khăn này, đặc phái viên LHQ về Yemen, Martin Griffiths khẳng định việc phiến quân Houthi không có mặt tại Geneva tham gia cuộc đàm phán đầu tiên trong vòng 3 năm không có nghĩa là tiến trình hòa bình rơi vào bế tắc. Ông Griffiths cam kết sẽ thúc đẩy việc này thông qua ngoại giao, trong đó, ông dự định sẽ đến đất nước bị chiến tranh tàn phá này trong vòng vài ngày tới và sẽ tổ chức các cuộc đàm phán với các phiến quân Houthi tại thủ đô Sanaa của Yemen và tại Muscat, Oman.

THANH VĂN