Chiến dịch tấn công mafia ở Trùng Khánh của Trung Quốc

Thứ bảy, 02/01/2010 00:00

(Cadn.com.vn) - Trong xu thế mở cửa và phát triển, năm 1997, Trùng Khánh được chính phủ Trung Quốc nâng cấp trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (cấp tương đương với tỉnh hay khu tự trị).

Với một diện tích bằng 3 nước Châu Âu là Bỉ, Hà Lan và Luxembourg gộp lại và với dân số 32 triệu người, Trùng Khánh có quy chế tự trị giống như Bắc Kinh và Thiên Tân. Thành phố cảng Trùng Khánh với lợi thế vị trí địa lý đã nhanh chóng trở thành một trung tâm phát triển ở miền Tây Trung Quốc. Đi đôi với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, mặt trái của sự bùng nổ đó là tình trạng tội phạm hoạt động theo băng nhóm xã hội đen gia tăng một cách chóng mặt.

Để tranh giành quyền lực, thâu tóm các lĩnh vực kinh tế nhiều lợi nhuận, những băng nhóm mafia này bắt đầu tìm mọi cách để có được “ô bảo trợ” thông qua việc hối lộ, thao túng quan chức chính quyền mà đặc biệt là các quan chức chịu trách nhiệm thực thi pháp luật. Một số mafia điển hình như Dương Thiên Khánh, Lưu Thành Hổ, Lưu Chung Vĩnh là ba tên cầm đầu băng tội phạm khét tiếng hơn 1.000 người ở Trùng Khánh.

Từ năm 2005 khi quận Du Bắc của Trùng Khánh phát triển thành khu cảng lớn, Dương Thiên Khánh cũng bắt đầu thu nạp những phần tử bất hảo ở địa phương để tác oai tác quái, chiếm đoạt tài sản, đâm thuê chém mướn, tàng trữ vũ khí trái phép... làm ít nhất 5 người chết và hàng chục người bị thương. Nổi cộm nhất là vụ giết Lương Ích Bình - chủ một tụ điểm vui chơi giải trí ở quận Bắc Trùng Khánh. Chủ tụ điểm này đã bị chém gần 20 nhát khi vừa ra khỏi nhà.

Cơ quan An ninh Trùng Khánh phát hiện vụ án là do băng máu lạnh của Dương Thiên Khánh thực hiện do cạnh tranh làm ăn. Nhân vật thứ hai nổi tiếng trong băng nhóm của Khánh là Lưu Chung Vĩnh, trùm khai thác than trái phép ở quận Nam Xuyên. Hắn ngang nhiên dùng thế lực ngầm chiếm đoạt các mỏ than nhỏ và tổ chức khai thác chui khiến 3 công nhân thiệt mạng. Hễ ai đụng đến quyền lợi kinh tế của y trong khu vực là ngay lập tức sẽ lãnh hậu quả từ những trận trả thù tàn nhẫn. 

Còn “bà trùm” Tạ Tài Bình từng là nhân viên thuế quận Ba Nam những năm 1990, nổi tiếng là cứng rắn. Sau khi khu Ba Nam được mở rộng phát triển, Tài Bình ra mở nhà hàng. Sau đó, nhờ sự giúp đỡ của người anh chồng là phó giám đốc Sở Công an Trùng Khánh, Bình được điều về sở thuế vụ thành phố đến năm 2000 thì bỏ việc nhà nước. Cùng năm đó, Bình bị cơ quan công an bắt vì tội đánh bạc. Con đường trở thành trùm băng nhóm xã hội đen của Bình bắt đầu từ canh bạc đỏ đen khi ấy. Nhật báo Phương Nam cho biết, Bình đã cầm đầu băng tội phạm hơn 20 tên và làm chủ khoảng 20 sòng bạc trên địa bàn Trùng Khánh. Sòng bạc của Bình đã thu về gần 300.000 USD trước khi bị phát hiện. Đặc biệt, Tài Bình còn nuôi một đội nhân tình nhân ngãi trẻ gồm 16 thanh niên đáng tuổi con để phục vụ cho y thị.

Năm 2007, sau khi nhận cương vị Bí thư Trùng Khánh, ông Bạc Hy Lai đã đặt ra mục tiêu là một “Trùng Khánh thanh bình”. Tháng 6-2008, ông bổ nhiệm Vương Lập Quân từ tỉnh Liêu Ninh vào vị trí Giám đốc Sở Công an Trùng Khánh. Đây là nhân vật được mệnh danh ở Trung Quốc là “Khắc tinh của mafia”. Và cũng từ đó, cuộc chiến của Vương Lập Quân với tội phạm mafia đã nhanh chóng bắt đầu… Một loạt vụ án vô cùng nghiêm trọng đã được điều tra khởi tố trong năm 2008 khiến chính quyền Trùng Khánh quyết định cần mạnh tay trấn áp các hoạt động tội phạm băng nhóm ở thành phố. Hàng loạt các chiến dịch được âm thầm tiến hành.

 Tạ Tài Bình và đồng bọn ngồi chờ xét xử. Ảnh: THX

Đỉnh điểm là trong tháng  8-2008, Giám đốc Sở Tư pháp Văn Cường bị cách chức do bị nghi ngờ có quan hệ “thân mật” với nhiều trùm mafia. Theo Nhật báo Trung Quốc, Văn Cường đã lợi dụng chức quyền để bảo kê và biến một bộ phận Sở Công an Trùng Khánh thành một đội bảo kê cho mọi hoạt động phạm pháp của em dâu. Đến khi trở thành giám đốc Sở Tư pháp, Văn Cường trở thành chiếc ô lớn cho các băng nhóm như Dương Thiên Khánh. Ngoài ra 14 quan chức khác trong ngành kiểm sát, công an và 10 luật sư cũng dính líu đến các băng nhóm xã hội đen ở Trùng Khánh. Số quan chức này cũng đã bị bắt, cách chức và khởi tố.

Theo báo chí Trung Quốc, chỉ tính từ ngày 10-7 đến 30-9-2008, Sở Công an Trùng Khánh đã mở các chiến dịch truy quét tội phạm lớn, xử lý 32.771 vụ án và bắt giữ gần 10.000 đối tượng. Đồng thời hơn 50 quan chức đã bị bắt giam vì can tội tham nhũng, nhận hối lộ từ mafia. Trong giai đoạn đó, các trại giam ở Trùng Khánh rơi vào tình trạng…chen chúc, quá tải bởi tội phạm bị bắt giữ quá nhiều! Tiếp đó, Vương Lập Quân cùng hơn 1.000 nhân viên đã mở những cuộc truy quét bất ngờ nhằm vào các cơ sở sản xuất vũ khí lậu ở khu vực giáp ranh của Trùng Khánh với Hồ Nam và Quý Châu. Chiến dịch thành công mỹ mãn khi cảnh sát Trung Quốc triệt phá được 4 “nhà máy” và hơn 10 điểm sản xuất vũ khí lậu thu giữa hàng ngàn vũ khí, đạn dược các loại.

Tuy nhiên, theo báo chí Trung Quốc, tất cả mới chỉ là bước khởi đầu của chiến dịch truy quét tội phạm do Vương Lập Quân khởi xướng. Trước khi tới Trùng Khánh, Vương Lập Quân đã nổi danh là “hổ vuốt sắt vùng Đông Bắc” bởi những quyết tâm không khoan nhượng chống tội phạm tại Liêu Ninh. Ở Trùng Khánh hơn một năm, Vương Lập Quân đã có biệt danh mới là “Người nghiện việc”!

Từ những thành công đó, trong suốt năm 2009, Vương Lập Quân cùng lực lượng cảnh sát, an ninh Trung Quốc tiếp tục chiến dịch truy lùng mafia ở Trùng Khánh và mở rộng ra một số địa bàn có liên quan. Theo các báo nước ngoài, kết thúc chiến dịch tấn công mafia Trùng Khánh trong năm 2009, lực lượng công an đã tiếp tục điều tra khám phá hàng ngàn vụ án các loại, bắt giam thêm 3.000 người, gần 800 người bị thẩm vấn và hơn 300 người bị truy tố trước các tòa án hình sự và hành chính vì phạm các tội như: tống tiến, hối lộ, sử dụng vũ lực và tổ chức những sòng bài bất hợp pháp.

Các quan chức Trùng Khánh cho hay, chiến dịch tấn công vào mafia ở đây vẫn tiếp tục cho đến khi đạt mục tiêu là một “Trùng Khánh thanh bình” như Bí thư  Bạc Hy Lai  đặt ra.

Lê Diệu Nguyên