Chiến dịch tiêu hủy vật nuôi trong Thế chiến II
(Cadn.com.vn) - Vào thời điểm bắt đầu Thế chiến II, chính phủ Anh đưa ra quyết định kêu gọi mọi người tiêu hủy vật nuôi trong nước. Khoảng 750.000 vật nuôi bị giết chỉ một tuần. Thực hư vụ việc này như thế nào?
750.000 VẬT NUÔI BỊ GIẾT
Kế hoạch tiêu hủy được đưa ra sau chiến dịch thông tin công cộng và gây ra phản ứng bất thường cho công chúng Anh.
Vào mùa hè năm 1939, ngay trước khi Thế chiến II bùng nổ, Ủy ban Cảnh báo Động vật (NARPAC) được thành lập. Họ soạn thảo thông báo có tên “Tư vấn cho chủ sở hữu động vật” nêu rõ: "Nếu có thể, hãy gửi hoặc đưa vật nuôi trong gia đình bạn đến nước khác khẩn cấp. Nếu không thể đưa chúng tới các nước láng giềng, hãy sẵn lòng để chúng được đưa đi tiêu hủy". Lời khuyên này được in ở hầu hết các tờ báo và được công bố trên BBC.
Đó là “một thảm kịch quốc gia”, Clare Campbell, tác giả của cuốn sách “Chiến tranh của Bonzo: Động vật dưới làn đạn 1939-1945”, cho biết. Ngay sau khi chiến tranh bùng nổ vào ngày 3-9-1939, nhiều người mang vật nuôi đến các cơ sở thú y và các trung tâm dành cho động vật. "Các tổ chức từ thiện động vật và bác sĩ thú y đều phản đối việc giết hại vật nuôi", nhà sử học Hilda Kean nói. Trung tâm Chó và mèo Battersea mở cửa vào năm 1860 và tồn tại qua cả hai cuộc chiến. Battersea thực sự khuyến cáo chống lại hành động và quản lý Edward Healey-Tutt yêu cầu mọi người không quá vội vàng.
Nhưng Arthur Banks, nhân viên NARPAC "buồn bã tuyên bố rằng nhiệm vụ chính của họ là tiêu hủy vật nuôi”. Trong vài ngày đầu cuộc chiến, bệnh viện và trạm xá PDSA bị choáng ngợp bởi người dân mang vật nuôi đến tiêu hủy. Người sáng lập PDSA Maria Dickin báo cáo: “Cán bộ kỹ thuật được kêu gọi thực hiện nhiệm vụ không mấy vui vẻ này sẽ không bao giờ quên thảm kịch của những ngày đó". Vào thời điểm đó, nhiều dòng tưởng nhớ của những người chủ dành các con vật yêu quý cũng tràn ngập trên các tờ báo.
Nhiều người hưởng ứng lời kêu gọi của chính phủ, đem vật nuôi đi tiêu hủy. Ảnh: BBC |
NỖ LỰC CỨU VẬT NUÔI
Vụ đánh bom đầu tiên tại London vào tháng 9-1940 một lần nữa nhắc nhở các chủ sở hữu nhanh chóng đem vật nuôi đi tiêu hủy. Nhiều người hoảng sợ, nhưng nhiều người khác cố gắng lấy lại bình tĩnh. “Đây là một quyết định rất bi thảm. Không nên làm điều này nếu không cần thiết”, Susan Day đưa ra lời kêu gọi trên tờ Daily Mirror.
Nhưng lời kêu gọi của chính phủ gieo một hạt giống mạnh mẽ. "Mọi người đã nghe lời khuyên của chính phủ và 750.000 vật nuôi bị giết chỉ trong một tuần. Đó là bi kịch thực sự, một thảm họa", tác giả Campbell, cho biết. Sử gia Hilda Kean nói rằng đây là một cách khác cho thấy cuộc chiến đã bắt đầu. Đó là một trong những điều người ta phải làm gì khi chiến tranh đến - sơ tán trẻ em, tháo rèm cửa, giết chó mèo. Lúc đó, không có khẩu phần ăn cho chó và mèo.
Nhưng nhiều chủ sở hữu đã không làm như vậy. Pauline Cotton, 5 tuổi và sống ở Dagenham vào thời điểm đó, nhớ rằng mình gia đình cô xếp hàng tại chợ Blacks ở Barking để mua thịt ngựa nuôi mèo. Mặc dù chỉ có 4 nhân viên, Battersea đã nuôi và chăm sóc cho 145.000 con chó trong suốt cuộc chiến. Trước tình trạng lộn xộn này, một số người cố gắng hết sức để can thiệp.
Nữ công tước xứ Hamilton – vốn là một người giàu có và yêu mèo – vội vã từ Scotland tới London để cứu những con chó và mèo khỏi bị chết đói hoặc bị bắn chết. “Nữ công tước thành lập một khu bảo tồn động vật và cử nhân viên đến London để cứu động vật. Hàng trăm và hàng trăm vật nuôi được đưa về nhà ở St John Wood”, nhà sử học Kean, cho biết.
Nhưng mọi người vẫn lo lắng về mối đe dọa của các vụ đánh bom và thiếu hụt thực phẩm. Họ cảm thấy “xa xỉ” khi nuôi một con vật trong lúc chiến tranh đang xảy ra.
An Bình
(Theo BBC)