Chiến lược năng lượng của Nhật Bản: Một tương lai bấp bênh

Thứ ba, 17/07/2018 11:16

Nhật Bản khẳng định vai trò của năng lượng tái tạo và hạt nhân trong Kế hoạch Năng lượng Chiến lược lần thứ 5 vừa được Nội các thông qua. Tuy nhiên, kế hoạch này không mấy khả thi.

Một nhà máy nhiệt điện chạy bằng than ở Isogo, Nhật Bản.   Ảnh: ABC

Nội các của Nhật đã phê duyệt Kế hoạch Năng lượng Chiến lược lần thứ 5 của quốc gia sau khi nhận được bản dự thảo cuối cùng của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI).

Kế hoạch này là rất quan trọng vì nó đưa ra cách tiếp cận của chính phủ đối với chính sách năng lượng trong tương lai và được coi là một trong những tài liệu quan trọng cho thấy định hướng của chính phủ đối với thị trường năng lượng và nguồn cung cấp năng lượng của quốc gia. Kế hoạch này được các Cty tư nhân và dân sự cả trong và ngoài nước theo dõi chặt chẽ. Chính phủ Nhật luôn đánh giá lại và ban hành kế hoạch năng lượng chiến lược ít nhất 3 năm một lần. Đây không phải là công cụ pháp lý ràng buộc mà đã trở thành một công cụ chính sách thực tế. Nó cũng phục vụ như là một tín hiệu thị trường nhằm đảm bảo  sự chắc chắn lâu dài cho những người tham gia vào thị trường năng lượng, xóa tan nỗi sợ hãi về sự thay đổi chính sách đột ngột.

Năng lượng hỗn hợp trong tương lai

Một yếu tố quan trọng của chiến lược năng lượng là dự đoán tỷ lệ các nguồn cung năng lượng trong tương lai của chính phủ. Theo kế hoạch, METI duy trì cùng tỷ lệ nguồn năng lượng vào năm 2030 như đã nêu trong kế hoạch năng lượng chiến lược vào năm 2013 và trong triển vọng cung và cầu năng lượng dài hạn được ban hành vào năm 2015. Theo đó, năng lượng tái tạo chiếm 22-24% và hạt nhân từ 20-22%.

Trong khi các tỷ lệ vẫn giữ nguyên, điều mới mẻ là các nguồn năng lượng tái tạo lần đầu tiên được xem là “nguồn cung cấp điện chính”. Một số người coi đây là một sự thay đổi lớn trong chính sách của chính phủ, khi tuyên bố trong tương lai năng lượng tái tạo giữ vai trò như một nguồn năng lượng cơ bản chứ không còn là nguồn năng lượng phụ trợ. Hiện tại, năng lượng tái tạo ở Nhật Bản chiếm 15% tổng năng lượng trong năm 2017, tăng từ 10,7% vào năm 2010. Những người ủng hộ năng lượng tái tạo cho rằng chính phủ cần nỗ lực nhiều hơn để mở rộng mục tiêu 20-22% vào năm 2030, bởi mục tiêu năng lượng tái tạo của Tokyo hiện thấp hơn đáng kể so với các nước G7 khác.

Thách thức của điện hạt nhân và than

Kế hoạch của chính phủ Nhật cho thấy năng lượng hạt nhân vẫn đóng vai trò quan trọng trong thị trường năng lượng cũng như là một phương pháp quan trọng để đáp ứng các cam kết về môi trường của nước này. Tuy nhiên việc nối lại và mở rộng ngành công nghiệp điện hạt nhân ở Nhật Bản vẫn còn gây tranh cãi.

Theo các dự báo nhu cầu năng lượng, để đạt được mức đề xuất tỷ lệ hạt nhân trong tổng thể năng lượng, rõ ràng là các lò phản ứng hạt nhân mới sẽ cần phải được xây dựng ngoài các lò phản ứng hiện đang được khởi động lại. Phản đối năng lượng hạt nhân vẫn mạnh mẽ bất chấp những nỗ lực tái thiết kể từ sau trận động đất và sóng thần hồi năm 2011. Các trường hợp được đệ trình liên quan đến hầu hết các nhà máy điện hạt nhân, khi người dân và các nhóm phản đối vẫn đệ đơn lên tòa án yêu cầu ngăn chặn các quyết định khởi động lại các lò phản ứng. Ngoài các phong trào cơ sở, thống đốc nhiều tỉnh cũng công khai phản đối kế hoạch của chính phủ trong việc khởi động lại các lò phản ứng trong một nỗ lực nhằm có được sự ủng hộ của người dân khi mùa bầu cử địa phương bắt đầu.

Rõ ràng, mức độ phản đối này khiến kế hoạch sử dụng hỗn hợp nhiều nguồn năng lượng mà chính phủ đề xuất đứng trước nguy cơ không thể thực hiện được. Trong một môi trường không chắc chắn về tương lai của ngành công nghiệp hạt nhân, các nhà khai thác cũng cảm thấy hoài nghi. Sau thảm họa Fukushima, các lò phản ứng hạt nhân đã bị đóng cửa và nhiều Cty điện hạt nhân đã chuyển sang các nhà máy nhiệt điện than có quy mô lớn để bù đắp sự thiếu hụt. Kết quả là, khi tỷ trọng điện hạt nhân giảm từ 28,6% trong năm 2010 xuống còn con số 0 trong năm 2014, nhiệt điện từ than tăng từ 25% lên 31%.

Tuy nhiên, xu hướng này mâu thuẫn với kế hoạch giảm điện từ than từ 30% hiện tại xuống còn 26% tổng sản lượng năng lượng. Đây cũng là xu hướng của các nền kinh tế lớn khác trên thế giới như Anh, dự định đóng cửa tất cả các nhà máy điện chạy bằng than vào năm 2025 và Pháp, một cường quốc điện hạt nhân trước đây, dự định ngừng phát điện than vào năm 2021. Tương tự như ngành công nghiệp hạt nhân, tính khả thi của việc sản xuất năng lượng từ than tăng đang được đặt câu hỏi. Các nhóm bảo vệ môi trường sử dụng Hiệp định Paris để phản đối và các nhóm công dân địa phương đã chống lại việc xây dựng các nhà máy điện than mới.

Nhìn chung, Kế hoạch Năng lượng Chiến lược lần thứ 5 được đưa ra nhằm đảm bảo sự chắc chắn của thị trường năng lượng, nhưng nó lại đặt ra nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời.

AN BÌNH