Chiến lược nhỏ giọt !
(Cadn.com.vn) - Quân đội Mỹ đang từng bước nhỏ giọt trở lại Iraq trong nỗ lực giúp chính quyền Baghdad tiêu diệt tận gốc tổ chức cực đoan mới nổi IS. Nhưng một số chuyên gia nghi ngờ việc triển khai quân của Lầu Năm Góc sẽ càng tạo ra sự khác biệt đáng kể trong cuộc chiến chống các chiến binh.
Các chiến binh cực đoan trong những tháng gần đây đang từng bước giành quyền kiểm soát phần lớn lãnh thổ rộng lớn ở miền bắc Iraq và Syria trong nỗ lực thiết lập nhà nước dựa trên luật Hồi giáo cực đoan. Nhóm này đã chặt đầu 2 nhà báo Mỹ, công dân Anh và cho đăng những đoạn băng về các vụ giết người khủng khiếp trên phương tiện truyền thông xã hội vốn gây rúng động toàn thế giới. Trong đoạn băng mới công bố hôm 16-11, IS tuyên bố đã hành quyết nhân viên cứu trợ người Mỹ Peter Kassig nhằm cảnh báo Washington.
Bước tiến vượt bậc của nhóm IS như thức tỉnh và cảnh báo người Mỹ về cơn ác mộng tồi tệ hôm 11-9-2001 khi các vụ tấn công nhắm vào "trái tim" Washington và New York. IS đe dọa sẽ "treo cờ của Thánh Allah trong Nhà Trắng. Và Mỹ trong những tháng gần đây cùng với liên quân các nước phương Tây mở cuộc không kích nhằm vào các chiến binh. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, các cuộc không kích là không đủ mạnh để có thể tiêu diệt tận gốc IS đúng như tuyên bố của Tổng thống Barack Obama.
Ông chủ Nhà Trắng hồi cuối tuần trước tuyên bố triển khai thêm 1.500 quân đến Iraq, song tất cả chỉ hoạt động với tư cách chuyên gia. Đây là lần đầu tiên sau khoảng 3 năm sau khi chính ông Obama tuyên bố rút quân khỏi Iraq, một số lượng lớn quân Mỹ có mặt tại quốc gia Nam Á này. Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại, động thái này có thể ảnh hưởng đáng kể đến tất cả chiến lược quân sự của Mỹ hiện tại.
Cựu cố vấn cao cấp của Nhà Trắng tại Iraq Rick Brennan cho rằng, việc triển khai quân như thế này là không đủ để đẩy lùi hoặc tiêu diệt những kẻ khủng bố IS. "Việc khởi động trên mặt đất chỉ có chuyên gia cố vấn. Và vào thời điểm này, lực lượng an ninh Iraq không có khả năng mở bất kỳ kiểu tấn công quy mô lớn nào", ông nói đồng thời nhận định, việc triển khai quân đội Mỹ hiện tại và đào tạo quân đội Iraq sẽ mất vài tháng. Vì vậy, phải mất ít nhất 1 năm trước khi các lực lượng an ninh Iraq có thể thực hiện bất kỳ thúc đẩy cuộc tấn công thực sự chống IS.
Thật vậy, khi các lực lượng Mỹ và NATO đang chuẩn bị rút lui, chỉ có một nửa lực lượng Iraq sẵn sàng chiến đấu, một nửa lực lượng quân đội còn lại chỉ là "túi rỗng" bởi nhiều nguyên nhân, bao gồm lãnh đạo yếu kém, thiết bị, hậu cần không đủ, thiếu đào tạo… Rõ ràng, IS trong thời gian tới sẽ tiếp tục chăm chỉ chiến đấu. Tuy nhiên, nếu Mỹ tiếp tục gửi quân kiểu này, quân đội Iraq và quân người Kurd ở Iraq, sẽ có xu hướng chùn bước và ỷ lại thay vì chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu.
Washington và Baghdad cần thuyết phục các bộ tộc ít cực đoan ở Iraq cùng tham chiến với mình. Bởi nếu không thành công, Lầu Năm Góc sẽ lại phải mất hàng chục ngàn binh sĩ để một mình tiêu diệt IS tại Iraq. Cuộc chiến sẽ kéo theo nhiều hệ lụy. Và rồi thường dân Iraq cuối cùng là đối tượng sẽ phải chịu thiệt hại nặng nề nhất.
Thanh Văn