Chiến thắng kép
(Cadn.com.vn) - Pháp đã đánh bại Nhật và Đức, giành hợp đồng trị giá 50 tỷ AUD (40 tỷ USD) đóng hạm đội 12 tàu ngầm mới cho Australia. Đây rõ ràng là một trong những hợp đồng quốc phòng béo bở nhất thế giới hiện nay.
Trong tuyên bố hôm 26-4 khi đến thăm cơ sở đóng tàu ngầm tại Adelaide, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull chính thức công bố Pháp là quốc gia thắng thầu hợp đồng đáng mơ ước này. Thông báo của Thủ tướng Turnbull giúp khép lại nhiều năm ồn ào trong việc Australia lên kế hoạch thay thế các tàu ngầm lớp Collins chạy bằng điện và dầu diesel, dự kiến ngừng sử dụng vào năm 2026.
Hợp đồng đóng mới 12 tàu ngầm cho hải quân Australia có tổng kinh phí lên đến 38,6 tỷ USD, trong đó bao gồm cả chi phí bảo trì và quản lý. Ngay sau khi thông báo gói thầu này, cả ba nhà thầu gồm Tập đoàn Mitsubishi của Nhật; Tập đoàn ThyssenKrupp AG của Đức và Tập đoàn DCNS của Pháp đã tham gia và cạnh tranh quyết liệt. Trong đó, Paris đề xuất phiên bản tàu ngầm hạt nhân Barracuda thông thường. Tokyo muốn đóng tàu lớp Soryu có trọng tải 4.000 tấn được trang bị hệ thống tàng hình. Trong khi đó, Berlin chào hàng bằng loại tàu ngầm đa nhiệm hai tầng HDW lớp 216, chạy bằng diesel-điện. Và cuối cùng người Pháp đã chiến thắng.
Chiến thắng này nhấn mạnh nỗ lực của Paris trong việc phát triển ngành công nghiệp quân sự hấp dẫn và tạo lực đẩy để Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát triển khả năng xuất khẩu quốc phòng như là một phần của chương trình nghị sự an ninh cơ bắp hơn. Bởi trên thực tế, Mitsubishi của Nhật đi tiên phong trong nỗ lực giành hợp đồng này, nhưng việc thiếu kinh nghiệm trong giao dịch quốc phòng toàn cầu đã khiến họ thất bại. Dưới thời cựu Thủ tướng Tony Abbott, người muốn chọn bên đóng tàu không có đối thủ cạnh tranh, Nhật gần như chắc chắn có được hợp đồng này, nhờ mối quan hệ cá nhân gần gũi giữa ông Abe với ông Abbott và sự ủng hộ ngầm của Mỹ. Khi ông Abbott bị ông Turnbull “lật đổ” trong cuộc đảo chính trong nội bộ đảng, liên tiếp bùng nổ những lời chỉ trích nhắm vào nhà thầu Nhật. Và cơ hội được trao cho Pháp.
Australia đang gia tăng chi tiêu quốc phòng, tìm kiếm để bảo vệ lợi ích chiến lược và thương mại trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh đang vật lộn với sức mạnh đang lên của Trung Quốc. Vì vậy, đây không chỉ là một chiến thắng trên mặt trận kinh tế, mà còn mang ý nghĩa chính trị. Giới quan sát dự đoán Canberra sẽ có quyết định cuối cùng về gói thầu này vào cuối năm nay, nhưng canh bạc mà ông Turnbull đặt vào cuộc tổng tuyển cử vào ngày 2-7 tới khiến quá trình này được tăng tốc. Hợp đồng này sẽ có ảnh hưởng đến hàng ngàn việc làm trong ngành công nghiệp đóng tàu ở Nam Australia - nơi có những lá phiếu cử tri quan trọng để quyết định liệu chính phủ của ông Turnbull có cơ hội tái cử hay không.
Thanh Văn