Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ với bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay
(Cadn.com.vn) - LỜI TÒA SOẠN: Trong những ngày tháng 5 lịch sử này, đông đảo đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài, bạn bè năm châu đang dành sự quan tâm đến kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 – 7-5-2014), một trong những sự kiện lịch sử mang tính thời đại sâu sắc, ẩn chứa trong đó vô vàn nhân tố tạo nên những câu hỏi lớn cho giới sử học suốt hơn nửa thế kỷ qua. Hòa chung hào khí Điện Biên những ngày này, đồng thời mong muốn góp phần nhìn sâu vào sự kiện “vang dội năm châu, chấn động địa cầu” 60 năm trước, ngõ hầu tìm kiếm bài học kinh nghiệm trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay, Báo Công an TP Đà Nẵng trân trọng giới thiệu bài viết của Thượng tá – Tiến sĩ Nguyễn Văn Sáu, Phó Chủ nhiệm Chính trị Vùng 3 Hải quân.
Chiến dịch Điện Biên Phủ đã huy động được sức mạnh to lớn của toàn dân tộc. Trong ảnh: Các lực lượng chi viện cho chiến trường Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu |
Lịch sử chống ngoại xâm đã tác động sâu sắc đến toàn bộ tiến trình lịch sử và đời sống văn hóa xã hội của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Nhiều bản sắc, giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam được hình thành, tôi luyện và phát huy cao độ trong cuộc chiến đấu vì độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã kế thừa, nhân rộng và phát huy lên tầm cao mới. Đó là ý chí tự lực, tự cường, truyền thống đoàn kết toàn dân tộc và tư tưởng nghệ thuật quân sự sáng tạo, độc đáo Việt Nam.
Việt Nam là quốc gia đa dân tộc,lãnh thổ Việt Nam trải dài; văn hóa Việt Nam mang tính đa dạng, phong phú không chỉ trong cấu trúc tộc người mà còn có sự khác biệt giữa các vùng địa văn hóa. Tuy nhiên, trong sự đa dạng đó lại có sự thống nhất chung do yêu cầu của nền sản xuất nông nghiệp lúa nước và chống ngoại xâm. Trước họa xâm lược, đã thành truyền thống, thành bản sắc văn hóa, dân tộc Việt Nam đã cố kết lại đặt lên hàng đầu lợi ích chung cao nhất là độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia mà lịch sử không thể phủ nhận được.
Tư tưởng nghệ thuật quân sự Việt Nam là một bộ phận cấu thành văn hóa Việt Nam, kết tinh nhiều giá trị, trí tuệ và đạo lý Việt Nam. Tư tưởng nghệ thuật quân sự Việt Nam là kết quả tổng kết kinh nghiệm với đặc điểm và thực tiễn đánh giặc của dân tộc Việt Nam. Tư tưởng, nghệ thuật quân sự đó là tư tưởng, nghệ thuật quân sự của một nước nhỏ, điều kiện kinh tế, quân sự có hạn, lại phải chống lại sự xâm lược của những cường quốc lớn có thực lực kinh tế, quân sự mạnh. Đó là tư tưởng “tránh cái hăng hái lúc ban mai”, là nghệ thuật “lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều”; là “vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước góp sức”; đề cao chủ nghĩa nhân văn, nhân đạo cao cả “lấy đại nghĩa thắng hung tàn”; là nghệ thuật phát động và kết thúc chiến tranh đúng lúc.
Đó cũng là xây dựng và sử dụng LLVT ba thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích), thực hiện đánh du kích, đánh nhỏ, đánh tiêu hao tiến lên đánh chính quy với những chiến dịch lớn... Tất cả những kinh nghiệm chống ngoại xâm của cha ông, kết hợp với tư tưởng quân sự tiên tiến của thời đại là cơ sở để hình thành tư tưởng nghệ thuật quân sự Việt Nam, do đó đã bổ sung và làm sâu sắc thêm bản sắc văn hóa Việt Nam.
Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã phát huy được tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam. Dựa vào quy luật chung của đấu tranh vũ trang và chiến tranh cách mạng, căn cứ vào điều kiện cụ thể của đất nước, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thành công trong việc huy động sức mạnh toàn dân, vũ trang toàn dân tiến hành chiến tranh nhân dân chống xâm lược. Sự nỗ lực, tinh thần quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ được thể hiện trong toàn quốc từ vùng địch tạm chiếm đến vùng tự do, từ hậu phương đến tiền tuyến, trên cả mặt trận chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Ở hậu phương, hàng triệu nông dân đã dốc sức chi viện cho tiền tuyến đánh thắng.
Nhờ vậy, chúng ta đã huy động hàng chục vạn dân công vận chuyển hàng chục nghìn tấn nhu yếu phẩm, hàng chục nghìn tấn gạo, thực phẩm; hàng nghìn tấn vũ khí, đạn dược phục vụ chiến dịch. Các lực lượng chiến đấu và phục vụ cho chiến đấu như: Thanh niên xung phong, Dân công hỏa tuyến, các Đội vận tải tiền phương... được xây dựng và trưởng thành là những lực lượng quan trọng cho Điện Biên Phủ đánh thắng. Thực tế lịch sử đó đã chứng minh cho chân lý đúng đắn: Trong thời đại hiện nay, các cuộc chiến tranh chính nghĩa chống xâm lược của một dân tộc biết lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều, lấy thô sơ thắng hiện đại trên nền sức mạnh làm chủ của toàn dân, có nghệ thuật quân sự độc đáo phù hợp với điều kiện lịch sử, sẽ đánh thắng mọi cuộc chiến tranh xâm lược do các thế lực thù địch gây ra.
Trận Điện Biên Phủ là trận quyết chiến chiến lược của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong chiến dịch này, nghệ thuật truyền thống “Tận dân vi binh” với nét nổi bật là chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều, tiến công địch bằng sức mạnh tổng hợp được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh phát triển lên tầm cao mới thể hiện bản sắc văn hóa, truyền thống quân sự Việt Nam. Đó là đấu tranh vũ trang kết hợp chặt chẽ giữa lực lượng toàn dân và lực lượng vũ trang, giữa lực lượng quân sự và lực lượng chính trị. Đó là cuộc tiến công không chỉ đơn thuần về mặt quân sự mà là cuộc tiến công toàn diện bằng bạo lực cách mạng vào quân địch.
Lực lượng tiến hành không chỉ có ba thứ quân mà còn có lực lượng chính trị của toàn dân, thực hiện đánh địch trên cả ba vùng chiến lược, đánh địch toàn diện cả về quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, ngoại giao... Đó cũng là cuộc tiến công bằng sức mạnh tổng hợp của những nhân tố tạo lên sức mạnh của dân tộc và sức mạnh của thời đại gắn kết chặt chẽ với nhau đánh thắng kẻ thù.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ còn thể hiện đậm nét trong cách đánh với tư tưởng “lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều”, thực hiện đánh hiểm, đánh đau, đạt hiệu quả tiêu diệt địch cao nhất theo phương châm “đánh chắc, tiến chắc”. Trong tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, quân viễn chinh Pháp rõ ràng có ưu thế tuyệt đối về lực lượng, về vũ khí, trang bị kỹ thuật. Vì vậy, cách đánh của ta là tiến công từng bộ phận quân địch, phá vỡ từng mảng trong hệ thống phòng ngự của chúng, tiến lên tiêu diệt toàn bộ quân địch trong toàn bộ cứ điểm. Đây là sự sáng tạo tư tưởng tiến công, từ tiến công cục bộ, bộ phận đến toàn bộ. Cách đánh thông minh, sáng tạo đó đã loại bỏ được ưu thế tuyệt đối về lực lượng và vũ khí trang bị hiện đại của quân Pháp.
Ngày nay toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang đẩy mạnh công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Trong khi thế lực thù địch đang ra sức lợi dụng hội nhập kinh tế quốc tế để áp đặt các giá trị văn hóa của chúng, thực hiện tham vọng đồng hóa về văn hóa các dân tộc trên thế giới. Vì vậy, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trở thành một nhiệm vụ trọng yếu trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc, một yêu cầu cơ bản trong bảo vệ độc lập chủ quyền quốc gia.
Do đó, mỗi người dân phải nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc, từ đó vận dụng và thực hiện sáng tạo trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh; bảo vệ và giữ gìn những giá trị cơ bản, cốt lõi, những truyền thống, tập quán tốt đẹp của phẩm chất, cốt cách Việt Nam, đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại làm giàu thêm bản sắc và tính tiên tiến của nền văn hóa Việt Nam.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ bắt nguồn một cách logic từ tiến trình phát triển của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, mà ở đó, tính chính nghĩa, tài nghệ chỉ đạo, trí thông minh, lòng yêu nước, bản sắc văn hóa của con người Việt Nam được tỏa sáng và phát huy tác dụng. Trong khi đó quân đội viễn chinh Pháp không những sai lầm về chiến lược, chiến thuật mà quan trọng hơn đó là cuộc chiến tranh phi nghĩa, do đó không thể phát huy được mọi tiềm năng để đối phó với chiến tranh nhân dân của dân tộc Việt Nam có bề dày lịch sử văn hóa. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là hệ quả của yếu tố đó, do đó nó trở thành một tất yếu lịch sử. Bản sắc văn hóa đó ngày nay cần được bảo vệ và phát huy trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Nguyễn Văn Sáu