Chiến thuật rời rạc, tương lai bất định
(Cadn.com.vn) - Vai trò của quân đội Mỹ tại Syria đã tăng vọt kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức. Nhưng ngay cả khi cuộc chiến đang leo thang, Nhà Trắng vẫn hiếm khi công bố về các mục tiêu của họ, hoặc thông báo về kế hoạch lâu dài và chiến lược cho cuộc chiến ở quốc gia Trung Đông này. Hành động leo thang gần đây nhất của Lầu Năm Góc là việc bắn hạ chiến đấu cơ của quân đội chính phủ Syria ở gần thủ đô tự xưng của nhóm IS – Raqqa. Đây là nơi mà nhiều nhóm phiến quân đã tham chiến ngày càng dữ dội.
Mỹ-Nga bùng lên những mâu thuẫn gay gắt xung quanh vụ việc này. Moscow phản ứng mạnh mẽ, cảnh báo Washington không sử dụng vũ lực nhằm vào quân chính phủ Syria. Nga cũng cảnh báo sẽ nhắm mục tiêu vào bất kỳ vật thể bay nào trên vùng trời các khu vực Syria, nơi các lực lượng không quân nước này hoạt động. Nga thậm chí tuyên bố sẽ chấm dứt hoạt động đường dây nóng ngăn ngừa va chạm với Mỹ sau vụ việc này.
Mỹ đang nỗ lực xoa dịu tình hình. Trên thực tế, Lầu Năm Góc đã 2 lần cố tình nhắm vào lực lượng quân đội của Tổng thống Syria Bashar Assad và mở 3 cuộc không kích khác chống lại cái mà họ gọi là chế độ “chuyên chế” - một sự đảo ngược mạnh mẽ quan điểm đối với ông Assad mà Mỹ đã đưa ra trong những tuần đầu nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump.
Bất chấp sự thay đổi đó, giới chức Mỹ không nêu rõ các mục tiêu đầy đủ của chính sách tại Syria hoặc các giới hạn của nó. Có thể thấy, ngay bây giờ những gì Mỹ có ở Syria là một chính sách mơ hồ. Đó chính là nhược điểm khiến Washington dễ bị “tấn công”.
Syria và các đồng minh của họ sẽ tiếp tục chiến đấu để giành lại vùng lãnh thổ của mình. Rõ ràng, sự leo thang thù địch giữa các phe đang hoạt động ở quốc gia Trung Đông này không giúp ích gì cho ai. Nhóm IS hiện vẫn kiểm soát nhiều lãnh thổ ở đông Syria. Bạo lực gia tăng ở khu vực Raqqa và miền đông Syria cho thấy những khó khăn mà chính quyền ông Trump phải đối mặt khi thực hiện các nhiệm vụ đôi khi mâu thuẫn nhau: chống lại IS, điều phối và bảo vệ các nhóm nổi dậy Syria đang cố lật đổ chính phủ và chống lại ảnh hưởng của Iran và Nga.
Vấn đề này không phải là mới. Chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama từng bị chỉ trích vì thiếu một chiến lược chặt chẽ về Syria. Nhưng khó khăn của ông Trump càng nhân lên khi sự hiện diện quân sự của Mỹ ở quốc gia Trung Đông này leo thang liên tục. Một chiến thuật rời rạc của ông Trump ở Syria đẩy Mỹ và cả vấn đề Syria vào một tương lai vô định hơn nữa.
THANH VĂN