“Chiến tranh vàng trắng”

Thứ ba, 20/01/2015 11:23

(Cadn.com.vn) - Một thỏa thuận thương mại tự do với Bắc Kinh qua đó giảm thuế đối với xuất khẩu các sản phẩm sữa có thể biến Canberra thành vùng đất của sữa và giúp thu lợi nhuận nhờ vào “cơn nghiện” sữa bột phương Tây của Trung Quốc.

“Cơn nghiện” sữa bột phương Tây

Sau vụ bê bối sữa nhiễm độc ở Trung Quốc năm 2008 giết chết 6 trẻ em và khiến 300.000 em khác bị nhiễm bệnh, người dân Trung Quốc chỉ tin tưởng vào các sản phẩm sữa của phương Tây. Nhu cầu cao gây ra tình trạng thiếu hụt và dẫn đến nạn buôn lậu sữa trái phép qua biên giới Trung Quốc. 

Nhưng một thỏa thuận thương mại tự do lớn (FTA) giữa Australia và Trung Quốc được ký kết hồi tháng 11-2014 đồng nghĩa với việc ngành công nghiệp sữa của Canberra chính là người chiến thắng tiếp theo. Theo thỏa thuận, việc cắt giảm thuế biến thị trường sữa của Australia trở nên hấp dẫn đến nỗi ngay cả người giàu nhất nhất nước này, trùm khai mỏ Gina Rinehart, cũng đầu tư vào ngành công nghiệp sản xuất sữa.

Mức thuế quan mà Trung Quốc áp đặt đối với các sản phẩm sữa của Australia hiện nằm trong khoảng từ 10-15%, nhưng sẽ được cắt giảm trong khoảng 4-11 năm, và mức thuế 15% đối với sữa công thức cho trẻ sơ sinh sẽ được loại bỏ trong vòng 4 năm. Việc cắt giảm này là một điều may mắn lớn đối với ngành công nghiệp vốn xuất khẩu thấp trong thập kỷ qua và bị tổn thương bởi cuộc “chiến tranh sữa” trong nước giữa các chuỗi siêu thị lớn.

Nông dân Australia lo ngại gia tăng sản xuất sẽ ảnh hưởng đến chất lượng. Ảnh: BBC

Cơn sốt “vàng trắng”

Cùng với các vụ bê bối sữa nhiễm độc, nhu cầu Trung Quốc đối với sữa bột và các sản phẩm từ sữa khác tăng cao xuất phát từ việc nới lỏng chính sách một con, khả năng chi tiêu của tầng lớp trung lưu ngày càng tăng của nước này và sự thay đổi hướng tới một chế độ ăn uống giàu protein. “Có một cơn sốt vàng trắng, nhu cầu và lợi ích của nó là chưa từng có”, chuyên gia McElhone nhận định.

Trên thực tế, doanh số bán hàng của sữa công thức tăng hơn 10 lần trong thập kỷ qua và dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong 3 năm tới, theo Cty nghiên cứu thị trường Euromonitor có trụ sở ở London. Một lon 900g sữa bột cho trẻ sơ sinh được bán với giá 20-25 AUD trong các siêu thị ở Australia. Chi phí thương mại và vận chuyển khiến giá hộp sữa tăng lên 100 AUD khi về tới Trung Quốc.

Giá trị xuất khẩu sữa của New Zealand sang Trung Quốc kể từ khi một thỏa thuận tự do thương mại được ký vào năm 2008 đã tăng gấp 10 lần hiện trị giá hơn 5 tỷ AUD. Tập đoàn Fonterra Cooperative của New Zealand, nước xuất khẩu sữa lớn nhất thế giới, ước tính thị trường sữa công thức cho trẻ sơ sinh của Trung Quốc sẽ tăng lên 31 tỷ AUD vào năm 2017 từ mức 17 tỷ AUD hiện nay.

Cơn sốt này nóng hầm hập đến nỗi “bà trùm khai mỏ” ở Australia Rinehart hợp tác với Trung Quốc đầu tư 500 triệu AUD vào nhà máy sữa Hope ở bang Queensland, cung cấp 30.000 tấn sữa bột trẻ em sang Trung Quốc bắt đầu từ năm 2016.

Quan ngại về chất lượng

Nông dân lo sợ danh tiếng nhà cung cấp sữa và sản phẩm sữa cao cấp của Australia có thể bị đe dọa bởi sự đầu tư của Trung Quốc, đặc biệt là nếu các hoạt động mới không đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất cao cấp của Australia.

Chris Gleeson, Chủ tịch nhóm vận động Sức mạnh Nông dân, cho biết Australia có “tiêu chuẩn số một trên thế giới và chúng tôi không muốn mất đi ưu thế đó”. Dairy Australia hoan nghênh việc đầu tư nước ngoài, nhưng khẳng định các doanh nghiệp phải đề cao danh tiếng và các tiêu chuẩn của Australia về an toàn thực phẩm.

An Bình
(Theo BBC)