Chiều ấy, chiều nay...
(Cadn.com.vn) - Chiều nay, đúng 41 năm sau, thêm một lần tôi trở lại bên bờ sông Hàn, đứng trước ngôi nhà, nơi ngày ấy là cơ quan của Tổng lãnh sự Mỹ tại Đà Nẵng để nhìn ngắm quang cảnh đổi thay và nhớ lại ngày hôm qua. Ngước đầu nhìn lên tòa cao ốc, như hai ngọn tháp bạc vút lên cao quá tầm nhìn, lóng lánh màu đá trắng, lộng lẫy màu mây trời. Tòa cao ốc mang tên Indochina Riveside Towers, số 74-Bạch Đằng - Đà Nẵng, chiếm trọn một góc phố với ba mặt tiền trên các đường lớn Trần Phú, Bạch Đằng và Phan Đình Phùng...
Mít-tinh mừng Ngày giải phóng TP Đà Nẵng. Ảnh: T.L |
Chiều ấy, một chiếc xe Falcon trờ tới, chạy thẳng vào tòa nhà Lãnh sự Mỹ - ngôi nhà mà người Đà Nẵng gọi là nhà của CIA - ngôi nhà từng mang số 54-Bạch Đằng, cách chợ Hàn 10 cái nhà, cách Tòa Thị chính Đà Nẵng (sau này, có thời gian dài là cơ quan của UBND TP Đà Nẵng) chừng 500m, nguyên là nhà của Nghĩa Lợi, một thương gia giàu có của Đà Nẵng ngày ấy, cho Lãnh sự Mỹ thuê làm cơ quan. Mấy phút sau, chiếc Falcon chạy đến, đậu trước cổng tòa nhà này. Độ một giờ sau, một chiếc trực thăng hạ xuống trước cổng tòa nhà, bên bờ sông Hàn. Một người đàn ông xách chiếc cặp đen đi ra, bước lên trực thăng... Sau đó vài tiếng đồng hồ, khi màn đêm buông xuống, những ụn khói từ trong khu vực tòa nhà bắt đầu bốc lên. Người Đà Nẵng phán đoán nhiều điều...
Mỹ đốt Tòa Lãnh sự, CIA hủy tài liệu... những tin lạ tai, nghe sốc này lan nhanh như điện trong những người dân Đà Nẵng. Người háo hức, hồi hộp, người lo lắng, rối bời. Tòa Lãnh sự Mỹ ở Đà Nẵng thời ấy là chỗ dựa vật chất và tinh thần của những người dựa và tin vào Mỹ, vì vậy, khi tòa nhà này lặng lẽ bốc cháy, khói ùn lên vừa âm ỉ, vừa dữ dội, thì họ xem như Mỹ đã rút chạy khỏi Đà Nẵng. Niềm hy vọng mong manh trụ lại Đà Nẵng để đương đầu với quân giải phóng bỗng tan vào đám khói mù mịt như không chịu rời khỏi thành phố đang chen chúc hàng triệu người, hơn một nửa là ‘‘người tỵ nạn".
Nửa đêm 27-3, có cơ sở nội ứng của Binh vận Quảng Đà, 4.000 tân binh Sài Gòn ở trung tâm huấn luyện Hòa Cầm đã nổi dậy thoát ra. Một số chạy về quê nhà ở Hòa Vang, Duy Xuyên, Điện Bàn, một số tràn xuống phố, số thì vứt áo quần lính lo thoát thân, số hung hăng thì vơ vét, cướp của, làm cho cảnh náo loạn càng thêm nóng bỏng. Sáng 28-3, từng ụn khói đen ùn lên trên núi Bồ Bồ - ngọn núi thấp cách TP Đà Nẵng mươi cây số chim bay, sau đó, thấy từng tốp lính Sài Gòn xuống núi. Cảnh tàn binh tả tơi báo hiệu ngày tàn của chế độ Sài Gòn lan nhanh. Dọc Quốc lộ 1, từ cầu Bà Rén ra cầu Câu Lâu, Vĩnh Điện, lính Sài Gòn rã ngũ tan tác, chạy vào thành phố, chạy ra cảng Tiên Sa...
Hồi ký của tướng Tham mưu trưởng Sài Gòn Cao Văn Viên viết: “Ngày 27-3, máy bay phản lực dành cho thương mại của Hoa Kỳ đầu tiên đến để đưa người đi sơ tán. Cùng lúc đó, sân bay bị bao vây bởi đám đông điên cuồng, bao gồm những người đào ngũ, những người ngăn cản lực lượng bảo vệ nhận chìm các lính gác tràn ngập đường băng, tấn công phi đoàn. Người ta di chuyển điên cuồng để tìm hiểu về sự cứu trợ và lối thoát. Tất cả các đường phố chật cứng, xe cộ thì không thể di chuyển... Sự hỗn loạn và mất trật tự thì không thể mô tả được. Nạn đói, cướp và bạo lực tràn lan khắp nơi".
Nhân dân Đà Nẵng vui mừng khi lá cờ cách mạng tung bay trên nóc tòa nhà thị chính |
Ngày 28-3, mờ sáng, pháo của quân giải phóng bắn uy hiếp vào Sân bay quân sự Đà Nẵng và ven bán đảo Sơn Trà. Tối 28 - 3, Sư đoàn 3 Sài Gòn ở Tây Nam Đà Nẵng tan rã. Ngô Quang Trưởng gọi được cho Nguyễn Văn Thiệu, đề nghị: “Cho tôi một sự linh động”. Thiệu không trả lời, vì biết linh động là bỏ chạy. Ở sở chỉ huy của tướng Ngô Quang Trưởng, Francis và hai người Anh thấy Trưởng đang hủy bỏ tài liệu, hồ sơ và bản đồ. Phần lớn bộ tham mưu của Trưởng đã đào ngũ. 3 người phương Tây giúp Trưởng đốt tài liệu rồi cùng lên máy bay trực thăng bay ra Bộ Tư lệnh Hải quân ở Tiên Sa.
Frank Sneep - sĩ quan tình báo CIA ở Sài Gòn, trong "Sự tháo chạy tán loạn" mô tả: “Ngày 28-3, mới bình minh ở bến tàu, dòng người sợ hãi đông nghịt. Những tấm gỗ xám lâu ngày kêu răng rắc dưới sức nặng của hàng nghìn người chen lấn, xô đẩy nhau... Cơ quan CIA vội vã tản cư, cả nhân viên đều mang máy radio cực mật xuống xuồng máy. Trên bờ, lính Nùng xông vào trụ sở tìm kiếm, vơ vét những gì CIA để lại. Tàu Contender đậu ngoài biển, 15 ngàn lính Sài Gòn chen chúc trên boong. Một số đánh nhau, một số bắn những người dân đứng trên tàu, một tên lính Sài Gòn uy hiếp một phụ nữ, một tên khác gí súng vào chồng chị ta. Người Mỹ đã đuổi phần lớn lính Sài Gòn xuống tàu Contender. Ron Hawarer - một sĩ quan tình báo Mỹ nói với Fran Sneep: Thôi, không đếm số người đã chết nữa. Tôi đã thấy hơn một nghìn người rơi xuống nước rồi”.
Tại sân bay Nước Mặn, máy bay chở sĩ quan Mỹ và binh lính di tản vừa lăn bánh trên đường băng thì hàng trăm binh lính khác đổ xô đến, bám lấy cánh, lấy càng như muốn giữ máy bay lại để báo thù cho việc bỏ rơi họ. Tổng lãnh sự Mỹ tại Đà Nẵng Francis chạy đến thét mắng, chửi bới, thậm chí đánh những người lính cố tình khiêu khích để lính Sài Gòn quay lại đánh ông ta và máy bay được thừa cơ cất cánh. Francis có thể bị giết nhưng ông ta lanh trí giả vờ chết. Bọn lính sợ, lùi lại, trở về chỗ cũ. Hai người Đức và một người Anh vội chạy đến nâng Tổng lãnh sự dậy. Francis bị đánh và ngất đi, chỉ bị thương ở cổ, tuy vậy, hai năm sau ngày Sài Gòn thất thủ, ông vẫn còn khó chịu.
Trong khi Nguyễn Văn Thiệu vừa la vừa chửi Mỹ, vừa "ngộ nghĩnh" ra lệnh cho tướng Ngô Quang Trưởng hãy chiếm lấy đầu cầu Delattre phía bên Bán đảo Sơn Trà để phản kích giữ lấy Quận I, quyết tử không để Đà Nẵng rơi vào tay Cộng sản, thì, theo Fran Sneep, trong hồi ký Decent Interval: "Sáng 29 - 3 - 1975, trời mưa bay và lạnh, biển động hơn trước... không rõ giờ này tướng Ngô Quang Trưởng, từng được coi là ưu tú nhất của quân đội Việt Nam Cộng hòa, đang bơi và trôi giữa những con sóng nguy hiểm ngoài khơi Đà Nẵng. Ông không phải là người bơi giỏi, người ta phải vớt ông đưa lên tàu. Trưởng ở trên tàu những ngày sau đó. Đằng xa, lính còn lại là lính của sư đoàn mà Trưởng từng tự hào, đang cướp, phá, đốt... Hàng trăm ngàn tên lính khác bị bao vây như đàn chuột”.
Từ Dinh Độc lập, trong khi Thiệu đang nóng ruột, nóng gan chờ phái đoàn của tướng Mỹ Westmoreland sang quan sát ở Sài Gòn để báo cho Nhà Trắng “xem xét khả năng và hành động có thể ủng hộ Thiệu”, thì Tổng thống Mỹ Gerald Ford đang ung dung nghỉ mát ở Palm Springs. Nghe tin Đà Nẵng thất thủ, Ford tuyên bố: “Việc mất thành phố Đà Nẵng là một thảm họa của loài người”. Còn Henry Kissinger, một cáo già của Nhà Trắng, từng lật lọng ở Hội nghị Paris tìm giải pháp hòa bình cho Việt Nam, cho máy bay B.52 thả bom Hà Nội... thì chua chát: “Sao họ không chết đi cho sớm hơn. Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là cứ để họ sống vất vưởng”. Họ đã ‘‘sống vất vưởng’’ như thế nào trong những khu tị nạn, trên đất Mỹ, thì người Mỹ rõ hơn ai hết. Còn ở Đà Nẵng, nơi Tổng lãnh sự Francis đã ra lệnh châm lửa thiêu hủy tài liệu, sau ngày tiếp quản, được người Đà Nẵng chọn làm nhà ‘‘Trưng bày chứng tích tội ác của đế quốc Mỹ" và hiện nay được thành phố giao cho nhà đầu tư Indochina Capital.
Tòa cao ốc là một trong những công trình của Đà Nẵng biểu hiện của đổi mới, hợp tác và phát triển. Bên trái tòa cao ốc, cách con đường Phan Đình Phùng, là một biệt thự sơn màu vàng, khiêm tốn, lặng lẽ khuất trong những tán lá xanh của các cây cổ thụ, có địa chỉ 72 (trước đây là 52-Bạch Đằng). Nguyên là nơi làm việc của một ngân hàng phát triển, được đại tu lại vì đã quá xuống cấp... Khi tiếp quản Đà Nẵng ngày 29 - 3 - 1975, Chủ tịch Ủy ban Quân quản Hồ Nghinh đã bố trí nhà làm nơi làm việc của văn phòng Tỉnh ủy Quảng Đà. Và từ ấy, trở thành cơ quan của Tỉnh ủy Quảng Nam- Đà Nẵng rồi Thành ủy Đà Nẵng ngày nay.
Nhiều người đã chạy tán loạn và đi trót lọt trong những ngày ấy, dù tá túc trong các trại tị nạn, được định cư ở Mỹ và nhiều nơi trên thế giới, đã lần lượt trở về thăm lại Đà Nẵng, gặp lại người thân, ngỡ ngàng và rung động trước cảnh đổi thay ngoài sức tưởng tượng. Nhiều người đã tham gia, đóng góp vào cuộc sống lao động phát triển trong bình an và hòa hợp dân tộc. Nhắc lại đôi điều của hôm qua để cảm nhận về cái giá của độc lập, tự do, để cùng tự hào về những đổi thay kỳ lạ của thành phố, của quê hương.
Hồ Duy Lệ