Chiêu trò lừa đảo xuất khẩu lao động của hai kẻ thất nghiệp
Ngày 15-12, Cơ quan CSĐT Công an huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) cho biết, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Thanh Thúy (1987, trú xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) về hành vi: "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Thời gian qua, Công an huyện Kỳ Anh nhận được nhiều đơn thư trình báo của các bị hại trên địa bàn về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức làm hồ sơ và đóng tiền cọc để đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại Dubai. Sau khi vào cuộc điều tra, xác minh củng cố hồ sơ phạm tội, Cơ quan CSĐT Công an huyện Kỳ Anh đã bắt giữ Nguyễn Thị Thanh Thúy (1987, trú xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre).
Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Thị Thanh Thúy khai do không có việc làm ổn định, không có khả năng đưa người đi XKLĐ sang Dubai nhưng do cần tiền tiêu xài cá nhân nên Thúy nảy sinh ý định lừa đảo. Theo đó, Thúy lên mạng xã hội đăng thông tin giả mạo rằng mình đang ở Dubai và làm quản lý một siêu thị kinh doanh trái cây; siêu thị này đang cần tuyển người làm ở nhiều vị trí như: lái máy vận chuyển, đứng quầy bán, sắp xếp, phân loại trái cây…
Bên cạnh đó, Thúy cũng “nổ” rằng mình có khả năng làm hồ sơ thủ tục để đưa người Việt Nam sang Dubai làm việc với mức lương trung bình từ 3.500 USD đến 4.000USD/tháng. Với những thông tin "ảo" đầy hấp dẫn được đưa ra, nhiều bị hại đã mắc bẫy, chuyển tiền đặt cọc cho Thúy để xin làm thủ tục xuất cảnh. Bằng thủ đoạn trên, Nguyễn Thị Thanh Thúy đã lừa đảo 25 bị hại, chiếm đoạt tổng số tiền gần 900 triệu đồng.
Cũng với thủ đoạn lừa đảo tương tự, trước đó, Trần Hữu Đạt (1991, trú phường Ba Đình, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) đã bị Cơ quan CSĐT Công an huyện Kỳ Anh khởi tố bị can đối với về hành vi: "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Theo kết quả điều tra ban đầu, dù không có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng do Cục Quản lý lao động ngoài nước cấp, nhưng Trần Hữu Đạt vẫn nhận tiền để làm thủ tục xin cấp Visa cho những công dân có nhu cầu đi XKLĐ qua Hungary. Theo đó, từ tháng 10 đến tháng 11- 2023, anh N.Đ.H (trú tại xã Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh), anh B.T.Q (trú huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) và anh N.Đ.H (trú xã Lâm Hợp, huyện Kỳ Anh) lần lượt liên hệ trao đổi nhờ Trần Hữu Đạt giúp làm hồ sơ đi XKLĐ sang Hungary.
Dù không có khả năng làm thủ tục xin cấp Visa, nhưng do đang cần tiền để trả nợ và tiêu xài cá nhân nên Đạt vẫn đưa ra các thông tin gian dối để nhằm chiếm đoạt tiền của các bị hại. Cả tin, các bị hại đã nhiều lần chuyển tiền cho Trần Hữu Đạt để làm hồ sơ theo yêu cầu của Đạt. Đạt đã chiếm đoạt hơn 1,1 tỷ đồng của các bị hại sử dụng vào mục đích cá nhân.
Từ hai vụ việc trên, Công an huyện Kỳ Anh khuyến cáo người dân khi có nhu cầu đi XKLĐ cần nâng cao cảnh giác, tuyệt đối không giao dịch, liên hệ với các doanh nghiệp, cá nhân không có chức năng hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài cần liên hệ trực tiếp với các doanh nghiệp có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và tìm hiểu thật cẩn trọng các thông tin có liên quan; tránh các cạm bẫy "chi phí thấp", "việc nhẹ lương cao" do các đối tượng lừa đảo giăng sẵn để rồi tiền mất, nợ nần chồng chất.
X.SƠN
Dòng sự kiện:Cảnh giác với tội phạm lừa đảo, trộm cắp
Cảnh báo thủ đoạn giả mạo Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa đảo
Nữ phó phòng lừa đảo hơn 23 tỷ đồng bằng chiêu góp vốn buôn đồ thanh lý
Kịp thời ngăn chặn một người dân chuyển tiền cho đối tượng lừa đảo
Công an quận Thanh Khê truy bắt nhanh đối tượng trộm đột nhập trong ngày đầu ra quân tấn công trấn áp tội phạm
Dính bẫy lừa của nhân viên điện lực giả