Chính phủ họp thường kỳ tháng 2: Phấn đấu tăng trưởng GDP khoảng 7%

Thứ ba, 01/03/2016 07:41

(Cadn.com.vn) - Ngày 29-2, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp Phiên thường kỳ tháng 2; xem xét toàn diện tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015; đánh giá tình hình kinh tế xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2016.

Bổ nhiệm lại 3 Thứ trưởng

Thủ tướng Chính phủ vừa ký các quyết định bổ nhiệm lại 2 Thứ trưởng Bộ TT&TT các ông Nguyễn Minh Hồng và Nguyễn Thành Hưng; bổ nhiệm lại ông Lê Hoài Trung giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Thủ tướng Chính phủ cũng ký quyết định bổ nhiệm ông Trần Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tài chính kiêm giữ chức Ủy viên Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội thay ông Trần Xuân Hà.

TTXVN

Kinh tế 2015 tăng trưởng cao nhất 8 năm qua

Báo cáo bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 tại Phiên họp cho thấy, đến hết năm 2015, tăng trưởng GDP cả năm đạt khoảng 6,68%, mức tăng cao nhất kể từ năm 2008, cao hơn con số đã báo cáo Quốc hội (khoảng 6,5%) và cao hơn mục tiêu đề ra là 6,2%; trong đó, dẫn đầu tỷ lệ tăng trưởng năm 2015 là khu vực kinh tế liên quan đến công nghiệp và xây dựng với mức tăng 9,2%, cao hơn nhiều so với mức tăng của năm 2014 (7,14%).

Về kết quả thu chi Ngân sách Nhà nước năm 2015, sự giảm sâu, liên tục của giá dầu thô đã không ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, mặc dù năm 2015 giá dầu thô giảm sâu từ 100USD/thùng xuống khoảng 56USD/thùng, song cả năm thu Ngân sách Nhà nước vẫn đạt mức 996,87 ngàn tỷ đồng, tăng 85,77 ngàn tỷ đồng (9,4%) so với dự toán, cao hơn mức đã báo cáo Quốc hội.

Phân tích cụ thể hơn, mặc dù thu từ Ngân sách Trung ương giảm 2,26 ngàn tỷ đồng nhưng thu Ngân sách địa phương tăng mạnh ở mức 76,4 ngàn tỷ đồng. Nguồn thu lớn nhất của ngân sách năm vừa qua vẫn là thu nội địa với tổng thu 740 ngàn tỷ đồng. Thu từ dầu thô chỉ đạt 67,5 ngàn tỷ đồng, giảm 35,49 ngàn tỷ đồng so với dự toán. Có 5 địa phương hụt thu cân đối Ngân sách địa phương. Bội chi Ngân sách Nhà nước năm 2015 khoảng 6,1% GDP. Nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia được cơ cấu lại một bước và trong giới hạn theo quy định của pháp luật.

Số liệu thống kê cuối cùng đã cho thấy có 12/14 chỉ tiêu Quốc hội giao đã đạt và vượt kế hoạch. Hai chỉ tiêu chưa đạt là tỷ lệ che phủ rừng và chỉ tiêu tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu. So với ước thực hiện đã báo cáo Chính phủ, có 5 chỉ tiêu đạt cao hơn, 2 chỉ tiêu đạt thấp hơn.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại phiên họp.

Phấn đấu nâng chỉ tiêu

Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp, đánh giá tổng quan tình hình KT-XH 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, thành tích quan trọng nhất là mức tăng trưởng GDP đạt 6,68%, cao hơn mức báo cáo trước Quốc hội trong bối cảnh diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, nhất là sự sụt giảm mạnh của giá dầu. Định hướng phấn đấu của Chính phủ trong năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gợi ý các thành viên Chính phủ nỗ lực phấn đấu nâng chỉ tiêu từ 6,7% lên mức khoảng 7% trong năm 2016 trên cơ sở đà phục hồi kinh tế đất nước năm 2015 và những năm vừa qua.

Về tình hình 2 tháng đầu năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá mặc dù là thời điểm diễn ra Tết Nguyên đán Bính Thân, có thời gian nghỉ dài tới 9 ngày nhưng tình hình kinh tế - xã hội đất nước tiếp tục đạt nhiều kết quả khả quan trên mọi lĩnh vực, nhất là kinh tế dịch vụ. Nhìn nhận kết quả công tác cải thiện môi trường đầu tư, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, mặc dù đã có kết quả bước đầu nhưng còn chưa nhất quán, thủ tục hành chính còn rất phiền hà, khó khăn. Từ thực trạng này, Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục duy trì, chú trọng hơn nữa nhiệm vụ cải cách thể chế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng thông thoáng, thuận lợi, tận dụng tốt các hiệp định thương mại vừa được ký kết để tăng cường thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.

Đáng chú ý, nhấn mạnh đến nguồn vốn ODA 22 tỷ USD đã được các nhà tài trợ cam kết tài trợ cho Việt Nam, Thủ tướng chỉ rõ, đây là nguồn lực, lợi thế hết sức quan trọng và cũng là ưu thế của Việt Nam trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế toàn cầu. “Cần nỗ lực hơn nữa, quyết liệt đôn đốc đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn ODA, tận dụng tối đa nguồn vốn vay ưu đãi, dài hạn này để dồn lực thúc đẩy kinh tế - xã hội trong nước”, Thủ tướng chỉ đạo.

Phân tích sâu những khó khăn của nền kinh tế, với những dự báo bất lợi của tình hình thế giới thời gian tới như sự giảm sút tăng trưởng GDP, thương mại toàn cầu và nhất là sự xuống dốc của giá dầu thô, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, cơ quan nghiên cứu tổng hợp, các chuyên gia cần hết sức lưu ý, bám sát, tham mưu, đề xuất Chính phủ để có những chủ trương, giải pháp ứng phó kịp thời. “Hạn chế thấp nhất khó khăn thách thức, thậm chí biến thách thức thành cơ hội phát triển, cố gắng giành thế chủ động trong mọi tình huống, đặc biệt là việc tận dụng các hiệp định thương mại để đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng việc đưa hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

* Cũng trong ngày, Chính phủ đã nghe Thượng tướng Tô Lâm, Thứ trưởng Bộ Công an trình bày Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp tục áp dụng Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ cho đến khi có Luật. Kể từ khi Hiến pháp 2013 có hiệu lực thi hành thì các quy định trong Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã không còn phù hợp với quy định của Hiến pháp về đảm bảo quyền con người, quyền công dân.

Vì vậy, để đảm bảo việc trang bị, quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ cho phù hợp với quy định của Hiến pháp, Bộ Công an đề nghị Chính phủ xây dựng dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp tục áp dụng Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ cho đến khi có luật. Nội dung này cũng nhận được các ý kiến đồng thuận của các thành viên Chính phủ, dự kiến sẽ được Chính phủ trình tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội Khóa XIII sẽ khai mạc vào ngày 21-3 tới.

Cũng tại Phiên họp này, các thành viên Chính phủ cũng nghe báo cáo và thống nhất các giải pháp ứng phó với tình hình xâm nhập mặn tại đồng bằng Sông Cửu Long.

Thu Thủy – TTXVN