Chính phủ Mỹ “mở cửa” - Chờ đến bao giờ?

Thứ bảy, 05/01/2019 11:16

Chính phủ Mỹ đã đóng cửa một phần trong gần 2 tuần qua sau khi Quốc hội và Tổng thống Donald Trump không đạt được thỏa thuận về dự luật ngân sách phục vụ hoạt động của chính phủ trong năm tài   khóa 2019.

Bảng thông báo đóng cửa của bảo tàng và Vườn thú Quốc gia ở Washington và lời xin lỗi vì sự việc này.   Ảnh: EPA

Điều này gây ảnh hưởng lớn ở mọi ngõ ngách trên khắp nước Mỹ. Hàng trăm ngàn nhân viên chính phủ buộc phải nghỉ phép hoặc làm không lương. Lo lắng nhất là các nhà thầu vì việc chính phủ đóng cửa sẽ gây hệ quả nghiêm trọng cho họ hơn nữa. Trong khi đó, các doanh nghiệp lo ngại, động thái này sẽ khiến mọi việc bị chậm trễ. Và khách du lịch ở Washington đã nhận thấy ảnh hưởng khi các điểm vui chơi, công viên quốc gia và bảo tàng đóng kín cửa vì không có tiền.

Và vấn đề đặt ra là thảm cảnh này có thể phải kéo dài.

Cảnh báo của Tổng thống Trump

Hạ viện Mỹ, nơi các nghị sĩ đảng Dân chủ chiếm đa số, ngày 3-1 (ngày 4-1, giờ Việt Nam) đã thông qua dự thảo nhằm chấm dứt việc đóng cửa một phần chính phủ, đồng thời cấp ngân sách cho Bộ An ninh Nội địa đến ngày 8-2.

Theo những dự thảo này, các Bộ Ngoại giao, Thương mại, Nông nghiệp, Lao động, Tài chính và các cơ quan khác sẽ được cấp ngân sách cho đến ngày 30-9, thời điểm kết thúc tài khóa hiện tại. Tuy nhiên, khó khăn ở đây là dự thảo này không bao gồm giải pháp cấp kinh phí xây bức tường biên giới với Mexico mà Tổng thống Donald Trump đề xuất. Hiện chưa rõ liệu Thượng viện do đảng Cộng hòa đứng đầu, dưới sự điều hành của thủ lĩnh phe đa số Mitch McConnell, có thông qua dự thảo này hay không và liệu Tổng thống Trump có ký ban hành cả 2 văn kiện này thành luật hay không. Khả năng Thượng viện, do đảng Cộng hòa kiểm soát, sẽ không thông qua dự thảo này bởi trước đó, Donald Stewart, người phát ngôn của ông McConnell cho biết, các nghị sĩ Cộng hòa tại Thượng viện sẽ không hành động nếu không có sự ủng hộ của Tổng thống Trump.

Ông chủ Nhà Trắng cũng có khả năng phủ quyết cách giải quyết này nếu Quốc hội không bổ sung thêm bất kỳ khoản tiền nào cho bức tường dọc biên giới Mỹ-Mexico được chủ nhân Nhà Trắng đề xuất. Trước đó, trong tuyên bố hôm 3-1, ông chủ Nhà Trắng cảnh báo, chính phủ liên bang Mỹ có thể sẽ tiếp tục phải đóng cửa trong thời gian dài, nếu yêu cầu về ngân sách xây tường biên giới của ông không được đáp ứng.

Vướng mắc “bức tường biên giới”

Bất đồng về dự luật ngân sách mới, vấn đề khiến chính phủ Mỹ đóng cửa, chủ yếu xoay quanh khoản chi 5,6 tỷ USD cho việc bức tường biên giới với Mexico. Đảng Dân chủ phản đối việc xây dựng bức tường này, trong khi Tổng thống Trump khẳng định đây là kế hoạch đảm bảo an ninh và giúp ngăn chặn di dân vào Mỹ bất hợp pháp.

Cho đến nay, ông Trump vẫn tiếp tục yêu cầu chi tiền cho kế hoạch xây tường tại biên giới với Mexico. Phát biểu tại một phiên họp nội các, ông Trump khẳng định “sẽ mất nhiều thời gian” để phá vỡ được thế bế tắc hiện nay. Ông Trump nhấn mạnh: “Đây là một vấn đề quá quan trọng để chúng ta có thể phớt lờ. 5,6 tỷ USD chỉ là một khoản tiền nhỏ và chúng ta đang nói đến vấn đề an ninh quốc gia. Tôi cho rằng người dân Mỹ nghĩ tôi đang làm đúng”. Ông Trump cũng cho biết thêm ông đã bỏ cả kỳ nghỉ Giáng sinh ở Florida, một tuyên bố dường như “ngầm” khẳng định quyết tâm bảo vệ đến cùng quan điểm của mình trong vấn đề này. Trước đó, trên mạng xã hội Twitter, ông Trump viết rằng: “An ninh biên giới, “chuyện” bức tường và đóng cửa chính phủ không phải là nơi bà Nancy Pelosi muốn bắt đầu nhiệm kỳ trên cương vị Chủ tịch Hạ viện! Hãy tạo ra một thỏa thuận?”. Cũng tại thời điểm này, ông Trump miêu tả sự phản đối của các nghị sĩ về vấn đề bức tường biên giới là cho phép “mở cửa biên giới và tất cả các tội ác, tội phạm ma túy do việc mở cửa biên giới mang lại!”.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, việc bức tường biên giới của Tổng thống Trump khiến chính phủ liên bang của Mỹ phải đóng cửa không nằm trong bất kỳ chiến lược được chuẩn bị từ trước nào nhằm hạn chế làn sóng di cư bất hợp pháp, mà là một biểu tượng mạnh mẽ theo cảm tính đối với nền tảng chính trị của ông Trump. “Ông Trump là nhà lãnh đạo Mỹ đầu tiên đưa bức tường này trở thành một vấn đề cốt lõi, một biểu tượng trong chương trình nghị sự của mình”, một chuyên gia nhận định.

Quốc hội Mỹ có thể nhất trí về các chính sách để hạn chế di cư bất hợp pháp và sàng lọc kỹ hơn đối với người tị nạn đồng thời đưa ra những hạn chế đối với người di cư bất hợp pháp - ông Trump có thể gọi đây là một chiến thắng trong việc mặc cả, trong đó mối đe dọa khi xây bức tường này chỉ là một quân bài mặc cả đắt đỏ, vốn có thể không cần thiết. 

KHẢ ANH