Chính phủ sẽ làm hết sức mình để doanh nghiệp phát triển
(Cadn.com.vn) - Ngày 28-4, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2014. Đây là Hội nghị quan trọng nhằm tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Tham dự Hội nghị có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Nguyễn Xuân Phúc, Hoàng Trung Hải, Vũ Văn Ninh; lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương.
Tình hình vẫn rất khó khăn
Hơn 300 kiến nghị gửi tới Thủ tướng Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết, VCCI đã tập hợp và báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ hơn 300 kiến nghị cụ thể của cộng đồng doanh nghiệp trong cả nước. Tại Hội nghị, ông Vũ Tiến Lộc đã trình bày những nhóm kiến nghị chính của doanh nghiệp liên quan đến hệ thống pháp luật về kinh doanh, kiến nghị cần tiếp tục đổi mới để bảo đảm quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng của doanh nghiệp. |
Theo báo cáo tổng quan về tình hình doanh nghiệp (DN) và nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2014-2015, năm 2013, dấu hiệu kinh tế phục hồi và một số khó khăn vĩ mô đã giảm bớt, giúp cho số lượng DN thành lập mới có dấu hiệu tăng trở lại, tăng 10% so với năm 2012.
Trong quý I-2014, cả nước có hơn 18 nghìn DN đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký gần 98 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 17% về số DN và 23% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2013. Tuy nhiên, cũng trong quý I-2014 vẫn còn gần 17 nghìn DN gặp khó khăn phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động; tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung tình hình sản xuất kinh doanh của DN vẫn gặp nhiều khó khăn, phục hồi tăng trưởng ở mức thấp và thiếu bền vững.
Tình hình khó khăn những năm gần đây cũng khiến quy mô đăng ký bình quân của một DN có xu hướng giảm. Năm 2011, bình quân 1 DN đăng ký với 6,63 tỷ đồng, nhưng đã giảm xuống 5,13 tỷ đồng năm 2013.
Về đóng góp trong GDP, DN Việt Nam đã có nhiều bước tiến đáng kể sau khi Luật Doanh nghiệp năm 2005 ra đời. Về tỷ trọng trong cơ cấu GDP, DN ngoài Nhà nước luôn chiếm tỷ trọng cao nhất, ở mức 48-49% GDP toàn xã hội giai đoạn 2009-2012.
Tỷ trọng DN Nhà nước chiếm thứ 2 nhưng đang có xu hướng giảm dần theo chương trình cổ phần hóa của Chính phủ, tỷ trọng GDP của khu vực DN Nhà nước giảm từ 37,72% năm 2009 xuống 32,57% năm 2012. Cuối cùng là khu vực DN FDI, chiếm tỷ trọng thấp nhất, tương đối ổn định ở mức 17-18% trong giai đoạn 2009-2012.
Mặc dù DN Việt Nam có những chuyển biến tích cực thời gian qua nhưng sự phát triển còn nhiều hạn chế, trong đó nổi lên quy mô DN vẫn chủ yếu là nhỏ và vừa; hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN ngoài Nhà nước còn thấp, cần được cải thiện; thị trường trong nước phát triển chậm, nguy cơ mất thị phần gia tăng; khả năng hấp thụ vốn, DN khó tiếp cận vốn...
Báo cáo cũng chỉ ra một số định hướng, giải pháp phát triển DN trong thời gian tới, như tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ trình và ban hành Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); tháo gỡ khó khăn, cải thiện tình trạng tiếp cận vốn, tín dụng cho DN; hình thành hàng rào kỹ thuật bảo vệ thị trường trong nước, kiểm soát chuỗi phân phối bảo đảm đầu ra cho DN; cải thiện môi trường đầu tư thông qua hình thành và hoàn thiện cơ chế một cửa 3 khâu đầu tư, xây dựng và đất đai; hỗ trợ DN đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực cho DN; thay đổi tư duy trong thực hiện chính sách trợ giúp phát triển DN từ phân tán, cắt khúc sang đồng bộ và có trọng tâm, trọng điểm...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các DN tham dự Hội nghị. |
Chính phủ sẽ làm hết sức
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương, đánh giá cao sự phấn đấu, nỗ lực và những đóng góp hết sức quan trọng của cộng đồng DN đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển KT-XH thời gian qua. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cùng cộng đồng DN, các hiệp hội chung sức, chung lòng thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm.
Khẳng định Chính phủ sẽ tiếp tục ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ DN, Thủ tướng cũng đề nghị các DN phải hết sức nỗ lực vươn lên, trong đó cần đặc biệt lưu ý tái cơ cấu trong điều kiện hội nhập, cạnh tranh để hoạt động hiệu quả hơn, năng suất lao động cao hơn, chi phí thấp hơn, sức cạnh tranh cao hơn.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các DN, hiệp hội phối hợp tốt với các cơ quan chức năng trong hoạt động phòng chống buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, bởi đây là những hành động theo Thủ tướng là “phá hoại sản xuất ghê gớm”, đồng thời mong muốn DN đóng góp tích cực vào hoạt động tìm kiếm, mở rộng thị trường trong nước và nước ngoài; quan tâm xây dựng văn hóa DN, nhất là văn hóa ứng xử với người lao động và nghiêm túc thực hiện các chính sách, quy định của Nhà nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thêm một lần nữa khẳng định: “Chính phủ sẽ làm hết sức mình, tạo điều kiện thuận lợi nhất để cộng đồng DN với tư cách là lực lượng sản xuất chủ yếu của nền kinh tế phát triển, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh. Điều này vừa để cho DN thành công, vừa để đóng góp vào tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội chung của đất nước; rất mong cộng đồng DN nỗ lực phát huy những kết quả, thành tựu đạt được, ra sức khắc phục những khó khăn, thách thức để thành công”.
Thủ tướng cũng cho biết sau Hội nghị này, Văn phòng Chính phủ sẽ chuyển tất cả các kiến nghị của cộng đồng DN đến từng bộ, ngành liên quan để xử lý. Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng theo thẩm quyền, nhiệm vụ được giao xem xét xử lý, trả lời tất cả các kiến nghị của DN trên tinh thần hết sức ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh hiệu quả, bền vững; giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp các ý kiến, kiến nghị tại Hội nghị, dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ để giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ cần thiết theo chức trách của mình nhằm tạo mọi thuận lợi cho cộng đồng DN tiếp tục phát triển.
P.V – T.T