Chinh phục Sa Mù
(Cadn.com.vn) - Con đường đèo Sa Mù quanh co dài gần 40km nối từ Hướng Phùng ra tận Hướng Việt (vùng phía bắc H.Hướng Hóa, Quảng Trị) khiến dân "phượt" mê mệt trước cảnh hùng vĩ của núi rừng, đặc biệt, sương mù ôm lấy núi, vây lấy đèo càng tạo nên một sự khác biệt, huyền ảo của vùng phía Tây Quảng Trị. Từ độ cao hơn 1.000m của đỉnh núi ấy, những kỹ sư Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH - CN tỉnh Quảng Trị miệt mài lặng thầm làm một việc lạ lùng đối với đồng bào Vân Kiều - Pa Cô nơi đây. Đó là gieo trồng hoa, loại hoa tượng trưng cho sự kiêu hãnh mang tên ly ly Sorbonne và Concador với mục tiêu lớn lao mở ra cơ hội phát triển kinh tế cho đồng bào miền núi trên rẻo cao này.
Tháng 9 - 2016, UBND tỉnh Quảng Trị quyết định phê duyệt triển khai Đề tài "Xây dựng mô hình trồng hoa ly ly thương phẩm tại Hướng Phùng" do Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH - CN tỉnh Quảng Trị chủ trì, chủ nhiệm đề tài là cán bộ Bùi Thị Tân Diệu. Thời gian thực hiện trong 12 tháng, không dài nhưng sẽ đủ để những kỹ sư mẫn cán mang lại nhiều hy vọng cho đồng bào đang khát khao làm giàu, chuyển đổi trên vùng núi có nền khí hậu mang sắc thái á nhiệt đới này. Hoa ly ly là loại hoa ưa lạnh, chính vì thế vùng núi Bắc Hướng Hóa, trong đó có Hướng Phùng sẽ là miền đất lý tưởng khi có nền nhiệt ban ngày bình quân không quá 22 độ C, ban đêm dưới 15 độ C. Với 300m2 diện tích thí điểm ở 2 độ cao trên 1.000 m và gần 800m tại Trung đoàn 52, Đoàn KTQP 337 và Khu bảo tồn thiên nhiên bắc Hướng Hóa, các cán bộ trung tâm đã dày công cắm núi, chăm bẵm hàng ngàn chậu hoa trong những nhà màn rộng lớn với hệ thống phun sương...cùng các thiết bị kỹ thuật hiện đại. Mặc dù nắm vững "thiên thời, địa lợi", kỹ thuật song các cán bộ không hề chủ quan, bởi mục tiêu là cho ra sản phẩm chất lượng cao và mỗi năm có thể xuất 4 đợt hoa phục vụ các dịp lễ lớn quanh năm không phải là điều dễ dàng. Trước đó, Trung tâm cũng đã cử 4 cán bộ đi đào tạo kỹ thuật trồng hoa ly tại Lâm Đồng và đưa 6 kỹ thuật viên thường trực tại vùng Bắc Hướng Hóa làm nòng cốt xây dựng, phát triển mô hình. Ngày đêm, họ bám sát vườn hoa, cần mẫn, sáng tạo và làm chủ quy trình trồng, chăm sóc, điều tiết quá trình sinh trưởng, phát triển hoa phù hợp vùng bắc Hướng Hóa.
Hoa ly trồng thí điểm tại Hướng Phùng có cánh dày, thân cao và lâu tàn. |
Nếu đợt hoa đầu tiên nở đúng vào dịp 20-10-2016 chỉ 1.000 cây thì và đợt thứ 2 đã đạt 5.000 cây chào Tết Nguyên đán 2017 vừa qua. Trước hàng ngàn cây hoa ly với 2 sắc màu vàng, hồng, cánh dày, thân cao khoe sắc trên đỉnh Sa Mù, đôi vợ chồng trẻ Hồ Văn Thái, bản Doa Cũ, xã Hướng Phùng đã không giấu được sự ngỡ ngàng, xuýt xoa: "Đây là loài hoa đắt tiền, "khó tính", ai ngờ trên Sa Mù lại trồng được, bà con ai cũng mừng cái bụng, hy vọng từ đây có thể chuyển đổi cây trồng này, tăng thêm thu nhập". Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH - CN tỉnh, trong thời gian triển khai đề án cũng đã thực hiện tập huấn kỹ thuật cho 50 lượt người dân địa phương về trồng hoa ly thương phẩm, trong đó có không ít đồng bào Vân Kiều - Pa Cô. "Ở đây là vựa cà-phê lớn nhất tỉnh, nhưng nếu trồng thêm được hoa ly, quanh năm cho thu nhập ổn định không những giúp cho nông dân Hướng Phùng phát triển kinh tế mà còn là để người tiêu dùng Quảng Trị có thêm cơ hội mua hoa giá thành rẻ hơn so với việc phải nhập hoa ngoại tỉnh. Chúng tôi thấy rất tương lai. Tuy nhiên, vấn đề là kỹ thuật, kinh nghiệm, đặc biệt khi người dân chưa đủ kinh phí đầu tư nhà màn, thiết bị hiện đại thì áp dụng phương pháp như thế nào...", ông Hồ Xuân Sinh, một người dân trồng hoa ở Hướng Phùng bày tỏ...
Mô hình trồng hoa ly thương phẩm thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân Hướng Phùng. |
Đề án vẫn chưa kết thúc nhưng đã thấy rõ bước đầu kết quả của mô hình. Ông Đào Ngọc Hoàng, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm cho rằng với điều kiện, khí hậu tại vùng bắc Hướng Hóa thì không chỉ hoa ly thương phẩm mà còn nhiều loài hoa khác rất phù hợp. Đó là hoa tuy líp, hoa lan hồ điệp...đều là những loài hoa được người tiêu dùng ưa thích và có hiệu quả kinh tế cao... Có thể nói rằng, thí điểm trồng hoa ly là bước nhấn chinh phục Sa Mù tiến tới mở toang cánh cửa lợi thế của vùng bắc Hướng Hóa. Biết đâu sẽ có một chợ hoa trên đỉnh núi, tấp nập và nhộn nhịp mai này...
Bài, ảnh: Bảo Hà