Chính quyền, nhân dân phải đồng hành, hỗ trợ lực lượng PCCC

Thứ năm, 14/03/2019 13:00

Ngày 13-3, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng có buổi làm việc với UBND TP về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018 trên địa bàn TP Đà Nẵng”. Tham dự buổi làm việc có ông Nguyễn Bá Sơn, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố, Trưởng Đoàn giám sát chuyên đề; ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP cùng đại diện các quận, huyện và các đơn vị liên quan của thành phố.

Đoàn ĐBQH làm việc với UBND TP về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018.

Rất nhiều bất cập trong công tác PCCC

Tại buổi làm việc, Đại tá Trần Đình Chung, Phó Giám đốc CATP đã báo cáo tình hình việc thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC giai đoạn 2014-2018 trên thành phố. Theo đó, TP Đà Nẵng có hơn 10.000 cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ lớn nhỏ, trong đó có 3.074 cơ sở thuộc diện quản lý nhà nước về PCCC. Hàng năm, trên địa bàn thành phố xảy ra trên 80 vụ cháy. Lực lượng  PCCC đã duy trì công tác thường trực sẵn sàng chiến đấu 24/24 nê 100% các vụ cháy xảy ra đều được tiếp nhận xử lý. Trong 5 năm đã tiếp nhận 1.266 sự cố cháy, trong đó tổ chức chữa cháy 830 vụ đạt kết quả tốt, 436 vụ còn lại được lực lượng tại chỗ kịp thời dập tắt. Các công tác khác như tuyên truyền; thẩm duyệt, nghiệm thu PCCC; phong trào toàn dân PCCC; xây dựng, củng cố, huấn luyện PCCC cho lực lượng cơ sở, dân phòng ở các cơ quan, doanh nghiệp và khu dân cư đã có những chuyển biến tích cực; việc mua sắm trang thiết bị và nhận thức của quần chúng nhân dân được nâng lên rõ rệt, phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ) được đề cao, vai trò trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người đứng đầu được phát huy.

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều bất cập, tồn tại không chỉ trên địa bàn thành phố mà đây là vấn đề chung của cả nước. Cụ thể, tính khả thi của văn bản chưa phù hợp với thực tế, chưa đảm bảo tính hợp lý, chưa có quy định cụ thể việc xử lý các cơ sở xây dựng trước khi Luật PCCC có hiệu lực. Đơn cử như việc một số cơ sở Karaoke chưa trang bị hệ thống PCCC theo quy định tại Thông tư 47 do xây dựng thời điểm trước khi thông tư được ban hành. Tương tự, nhiều nhà cao tầng, chung cư, chợ truyền thống không đủ điều kiện an toàn PCCC vì đều xây dựng trước khi các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành; chưa có quy chuẩn hay tiêu chuẩn nào cụ thể cho việc thiết kế nhà cao tầng trên 100m, quy chuẩn hiện hành chỉ áp dụng cho công trình cao đến 75m... Ngoài ra, kinh phí đầu tư cho việc lắp đặt các hệ thống PCCC quá cao, nhiều cơ sở không có khả năng thực hiện. Bản thân lực lượng trực tiếp chiến đấu, thường xuyên đối mặt với các hiểm nguy nhưng trang bị phục vụ còn thiếu, chưa đồng bộ.

Theo Đại tá Trần Đình Chung, những hạn chế bất cập này xuất phát từ tình hình KT-XH, sự bất cập trong thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC; chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm; sự quan tâm chưa đúng mức của một bộ phận cấp ủy Đảng và chính quyền. Việc tổ chức công tác PCCC tại chỗ còn mang tính hình thức, đối phó với cơ quan quản lý, ý thức chấp hành pháp luật về PCCC của một bộ phận người dân, cơ sở chưa cao, thậm chí không chấp hành...

Rà soát, sửa đổi để nâng cao hiệu quả

Đánh giá tình hình cháy nổ trong thời gian tới, Đại tá Trần Đình Chung cho biết có chiều hướng diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng; số vụ cháy tập trung nhiều nhất tại khu vực nhà dân (chiếm tỷ lệ 30%). Thành phố phát triển theo hướng công nghiệp, du lịch, dịch vụ nên hạ tầng cơ sở sẽ được mở rộng thêm, nhiều nhà cao tầng, trung tâm thương mại, khu công nghiệp được xây dựng, nhiều khu dân cư nằm sâu trong kiệt hẻm, không có lối thoát nạn thứ 2... trong khi nhu cầu sinh hoạt, sử dụng các vật liệu, chất dễ cháy, nổ ngày càng tăng cao nên tiềm ẩn nguy cơ cao. Công an thành phố cũng đã tham mưu UBND thành phố kiến nghị một số giải pháp phát huy hiệu lực, hiệu quả công tác PCCC đối với Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Bộ, ngành Trung ương liên quan để Đoàn giám sát ghi nhận, có cơ sở để báo cáo, đưa vào chương trình kiến nghị gửi Đoàn giám sát của Quốc hội.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND TP đề nghị tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến công tác PCCC, kịp thời phát hiện những quy định không phù hợp với Luật PCCC để sửa đổi bổ sung cho phù hợp. Trong quá trình chỉnh trang đô thị, lãnh đạo thành phố sẽ quan tâm kết hợp với việc làm lại các công trình phục vụ cho công tác PCCC như bến bãi lấy nước, trụ nước và quan tâm hơn nữa đến công tác PCCC rừng, tàu thuyền trên sông. “Để làm được việc đó, đề xuất UBND và HĐND quan tâm phân bổ nguồn kinh phí đầu tư cho công tác PCCC và phải cấp trực tiếp cho lực lượng PCCC”, ông Hồ Kỳ Minh nhấn mạnh.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Bá Sơn cho biết, tán thành quan điểm lấy phương châm “4 tại chỗ” làm trọng tâm trong công tác PCCC. Việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến công tác PCCC để phù hợp với tình hình thực tiễn là cần thiết. Phải nghiên cứu, xây dựng các mô hình hay, phong trào phù hợp và đẩy mạnh công tác xã hội hóa. Chính quyền địa phương và nhân dân phải đồng hành, hỗ trợ lực lượng PCCC. “Các ý kiến liên quan đến đề xuất, kiến nghị, các giải pháp để giải quyết thực trạng hiện nay sẽ được gửi đến UBND, HĐND xem xét; phần nào thuộc về công tác xây dựng pháp luật sẽ đưa vào chương trình kiến nghị gửi Đoàn Giám sát Quốc hội trình Ban thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết”, ông Nguyễn Bá Sơn thông tin.

MAI VINH