Chính sách Nga ở Bắc Cực
(Cadn.com.vn) - Bắc Cực trở thành nguồn tài nguyên dự trữ chiến lược đảm bảo việc giải quyết các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của nước Nga ngày nay.
Năm 2008, Tổng thống Nga phê duyệt văn kiện quan trọng, định hình chính sách tại Bắc Cực. Văn kiện “Nguyên tắc chính sách nhà nước Liên bang Nga ở Bắc Cực đến năm 2020 và tương lai” hướng đến thực hiện 4 lợi ích quan trọng.
Thứ nhất là sử dụng Bắc Cực như nguồn tài nguyên dự trữ chiến lược đảm bảo việc giải quyết các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Thứ hai là bảo tồn Bắc Cực như một khu vực hòa bình và hợp tác. Thứ ba là gìn giữ các hệ sinh thái độc đáo của Bắc Cực và cuối cùng là sử dụng tuyến đường biển phía Bắc như một tuyến đường giao thông vận tải thống nhất của Nga ở Bắc Cực.
Ưu tiên hợp tác với các quốc gia Bắc Cực
Hiện nay, theo sắc lệnh của Tổng thống ký ngày 7-5-2012 “Về các biện pháp để thực hiện đường lối đối ngoại của Liên bang Nga”, Nga thực thi “đường lối mang tính xây dựng nhằm củng cố các khuôn khổ hợp tác khác nhau tại Bắc Cực với sự tôn trọng chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia Bắc Cực”.
Khái niệm “chính sách đối ngoại của Liên bang Nga” được Tổng thống phê chuẩn ngày 12-2-2013 nêu rõ, Nga đang theo đuổi đường lối mang tính chủ động và xây dựng, nhằm tăng cường hợp tác quốc tế các khuôn khổ khác nhau tại khu vực quan trọng này.
Nhất quán thực thi các lợi ích quốc gia và trên cơ sở pháp lý quốc tế đầy đủ, Nga có thể giải quyết thành công tất cả các vấn đề phát sinh trong khu vực thông qua con đường đàm phán, bao gồm việc thành lập các giới hạn bên ngoài của thềm lục địa ở Bắc Băng Dương.
Nga đặc biệt ưu tiên hợp tác với các quốc gia Bắc Cực, bao gồm trong khuôn khổ diễn đàn trọng tâm khu vực Hội đồng Bắc Cực và 5 quốc gia ven biển Bắc Cực gồm Hội đồng khu vực Barents/Châu Âu Bắc Cực và các diễn đàn đa phương khác. Do đó, Nga mở rộng cánh cửa cho sự hợp tác cùng có lợi với cả các đối tác ngoài khu vực với điều kiện họ phải tôn trọng độc lập, chủ quyền và quyền tài phán các quốc gia tại Bắc Cực.
Vai trò đáng kể cho sự phát triển của khu vực này là việc sử dụng Tuyến đường biển phía Bắc như tuyến thông tin liên lạc giao thông của Nga tại Bắc Cực, đồng thời mở rộng cho các hãng vận tải biển quốc tế cùng khai thác trên cơ sở cùng có lợi.
Và tất cả các chiến lược trên đều chứng minh một điều, lợi ích của các quốc gia ở Bắc Cực chỉ có thể được thực thi đầy đủ khi có sự phối hợp với các đối tác trong khu vực. Các quan điểm thống nhất như vậy giúp tình hình hiện nay tại Bắc Cực trở nên tích cực, ổn định.
Tàu phá băng Yamal tại một trạm nghiên cứu của Nga ở Bắc Cực. Ảnh: Telegraph |
Lợi ích cho tất cả các quốc gia
Tuy nhiên, tiềm năng hợp tác quốc tế ở Bắc Cực vẫn còn rất lớn. Thực tế chỉ ra rằng, việc nắm bắt các cơ hội mới và giải quyết các thách thức mới phát sinh từ biến đổi khí hậu và các biến đổi khác đem lại lợi ích cho tất cả các quốc gia.
Hiện nay, mọi khúc mắc giữa các quốc gia Bắc Cực đều có thể giải quyết được, trong khi vấn đề lịch sử về phân định lãnh thổ ngày càng giảm đi. Minh chứng cho diễn biến này là Hiệp ước Nga-Na Uy về phân định biên giới trên biển; Hợp tác tại biển Barents và Bắc Băng Dương và một thỏa thuận về nguyên tắc giữa Canada và Đan Mạch về phân định ở biển Lincoln.
Theo ước tính của Đan Mạch, 95-97% nguồn tài nguyên đã được thăm dò ở Bắc Cực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia Bắc Cực, nói cách khác là trên thực tế đều được phân chia.
Các quốc gia Bắc Cực nhóm 5 (Nga, Mỹ, Canada, Đan Mạch, Na Uy) thường xuyên tham vấn các vấn đề thềm lục địa theo các quy định của “Tuyên bố Ilulissat” sau khi Hội nghị Bộ trưởng đầu tiên của nhóm này họp vào tháng 5-2008 cho rằng, tất cả các yêu sách chồng ở Bắc Cực sẽ được giải quyết hòa bình trên cơ sở khuôn khổ pháp lý quốc tế.
Nga thực thi đường lối nhất quán và chủ động nhằm tăng cường vai trò của cơ chế trung tâm của hợp tác đa phương tại Bắc Cực là Hội đồng Bắc Cực, kết nối 8 quốc gia Bắc Cực: Nga, Mỹ, Canada, Đan Mạch Iceland, Na Uy, Thụy Điển và Phần Lan - và chuyển đổi dần Hội đồng Bắc Cực, với “Diễn đàn liên chính phủ cấp cao” hiện nay, thành tổ chức quốc tế chính thức.
Công việc của nước Nga đã đem lại kết quả. Với vai trò đồng chủ tịch và theo sáng kiến của Nga, dưới sự bảo trợ của Hội đồng Bắc Cực, đã có nhiều hiệp định mang tính ràng buộc pháp lý được soạn thảo và ký kết. Đó là thỏa thuận về hợp tác hàng không và hàng hải trong tìm kiếm cứu nạn ở Bắc Cực (2011) và về hợp tác trong lĩnh vực phòng ngừa và ứng phó ô nhiễm dầu trên biển ở Bắc Cực (2013)...
Tổng Lãnh sự Nga tại Đà Nẵng