Chính thức “cởi trói” cho xuất khẩu gạo
Chính phủ đã chính thức bãi bỏ các quy định thương nhân xuất khẩu gạo phải có kho chứa với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn và cơ sở xay xát công suất tối thiểu 10 tấn/giờ.
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo, trong đó quy định cụ thể điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Với nghị định này, Nghị định 109 năm 2010 đã chính thức được bãi bỏ và cùng với đó, các điều kiện xuất khẩu gạo gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp cũng được cắt giảm.
Cụ thể, theo Nghị định 109 trước đây, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải: Có ít nhất 1 kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc, phù hợp quy chuẩn chung do Bộ NN&PTNT ban hành; có ít nhất 1 cơ sở xay, xát thóc, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ, phù hợp quy chuẩn chung do Bộ NN&PTNT ban hành. Đồng thời, kho chứa, cơ sở xay, xát này phải thuộc sở hữu của thương nhân và phải nằm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thóc, gạo hàng hóa xuất khẩu hoặc có cảng biển quốc tế có hoạt động xuất khẩu thóc, gạo tại thời điểm thương nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận.
Nay, theo Nghị định 107 mới được ban hành, thương nhân được kinh doanh xuất khẩu gạo khi: Có ít nhất 1 kho chuyên dùng để chứa thóc, gạo phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kho chứa thóc, gạo do cơ quan có thẩm quyền ban hành theo quy định của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; có ít nhất 1 cơ sở xay, xát hoặc cơ sở chế biến thóc, gạo phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kho chứa và cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo do cơ quan có thẩm quyền ban hành theo quy định của Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Kho chứa, cơ sở xay xát, chế biến thóc, gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh tại nêu trên có thể thuộc sở hữu của thương nhân hoặc do thương nhân thuê của tổ chức, cá nhân khác, có hợp đồng thuê bằng văn bản theo quy định của pháp luật với thời hạn thuê tối thiểu 5 năm.
Như vậy, quy định về quy mô kho chứa tối thiểu 5.000 tấn và công suất cơ sở xay xát tối thiểu 10 tấn thóc/giờ đã được bãi bỏ. Đồng thời, thương nhân cũng không phải đáp ứng quy định về địa điểm kho chứa, cơ sở xay xát như trước đây. Và thay vì phải sở hữu kho chứa, cơ sở xay xát như trước đây, nay thương nhân có thể đi thuê.
Tuy nhiên, Nghị định 107 cũng quy định rõ, thương nhân có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo không được cho thuê, cho thuê lại kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo đã được kê khai để chứng minh việc đáp ứng điều kiện kinh doanh trong đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận của mình để thương nhân khác sử dụng vào mục đích xin cấp Giấy chứng nhận. Đặc biệt, Nghị định 107 vừa ban hành đã mở ra một quy định rất thoáng cho thương nhân xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng…
C.P