Chính trường Mỹ dậy sóng

Thứ sáu, 08/01/2021 10:56

Đã có 4 người thiệt mạng và 52 người bị bắt giữ sau khi những người ủng hộ Tổng thống Donald Trump xông vào tòa nhà Quốc hội để ngăn chặn phiên họp xác nhận chiến thắng của Tổng thống đắc cử Joe Biden.

Người biểu tình xông vào trụ sở Quốc hội Mỹ. Ảnh: AP

Cảnh sát hoàn toàn bị động

Ngày 6-1, phiên họp đặc biệt của lưỡng viện Quốc hội tại Điện Capitol nhằm chứng nhận kết quả bầu cử tổng thống cách đây vài tuần đã bị gián đoạn khi hàng trăm người biểu tình xông vào bên trong. Hình ảnh trên các kênh tin tức truyền thông cho thấy, người ủng hộ Tổng thống Donald Trump đã dễ dàng vượt qua các hàng rào an ninh, sau đó tràn vào trong Điện Capitol để gây rối.

Một số quan chức về thực thi pháp luật của Mỹ nhận định, giới chức liên bang đã chuẩn bị cho các cuộc biểu tình vào thời điểm mang tính bước ngoặt của cuộc bầu cử tổng thống. Tuy nhiên, dường như nhà chức trách chọn cách tiếp cận “mềm mỏng” khi không triển khai lực lượng an ninh một cách rầm rộ. Cách tiếp cận này dường như đã phản tác dụng, khi hàng nghìn người biểu tình đã dễ dàng vượt qua các lớp bảo vệ để xông vào Điện Capitol. Một nhóm nhỏ của lực lượng Cảnh sát Thủ đô làm nhiệm vụ bảo vệ tòa nhà đã nhanh chóng bị áp đảo trước số đông người biểu tình. Khi lọt vào bên trong tòa nhà, người biểu tình đã “thoải mái” đi lại và phá phách trong phòng làm việc của các nghị sĩ. Các kênh tin tức thậm chí còn bắt được hình ảnh người biểu tình thoải mái tự do và chụp ảnh “tự sướng” trong phòng họp của Hạ viện. Cựu quan chức hàng đầu của Cục Điều tra Liên bang (FBI) đã nghỉ hưu, ông David Gomez cho rằng Cảnh sát Thủ đô Washington hoàn toàn không được chuẩn bị trước cuộc bạo loạn quy mô lớn vừa xảy ra.

Giám đốc cơ quan cảnh sát thành phố Washington, ông Robert J. Contee cho biết, trong số 52 người bị bắt giữ, có 47 người vi phạm lệnh giới nghiêm của Thị trưởng Muriel Bowser kéo dài từ lúc 18 giờ ngày 6-1 đến 6 giờ ngày 7-1 (theo giờ Mỹ). Một số người khác bị bắt vì tội mang vũ khí cấm hoặc không có giấy phép. Theo ông Contee, lực lượng an ninh đã thu giữ hai quả bom ống tại các trụ sở của Ủy ban quốc gia đảng Cộng hòa và Ủy ban quốc gia đảng Dân chủ, một thùng lạnh chứa bom xăng đặt trên một phương tiện trong khuôn viên tòa nhà Quốc hội. Ông Contee cho biết, đã có 14 cảnh sát bị thương.

Sau khoảng 6 giờ đồng hồ, lực lượng an ninh đã khôi phục trật tự. Quốc hội Mỹ sau đó đã nối lại phiên họp kiểm đếm phiếu đại cử tri trong cuộc bầu cử tổng thống, tiến hành các bước thủ tục theo đúng luật định. Tình hình ở thủ đô Washington, đặc biệt là khu vực nhà Quốc hội, Nhà Trắng và khu trung tâm, đã yên ắng trở lại. Hầu như không còn người biểu tình trên các tuyến phố khi lệnh giới nghiêm được áp dụng từ 6 giờ tối tới 6 giờ sáng ngày 7-1.

Thị trưởng Bowser cho hay, bà sẽ kéo dài tình trạng khẩn cấp tại thủ đô trong 15 ngày, cho đến khi có thông báo mới, với lý do một bộ phận đám đông từng tràn vào Quốc hội Mỹ có ý định sẽ tiếp tục biểu tình bạo lực cho đến ngày 20-1 - ngày nhậm chức của chính quyền mới.

“Nỗ lực đảo chính”

Tổng thống Trump và các đồng minh của ông trong Quốc hội vẫn tìm cách “lật ngược” chiến thắng của ông Biden, do vậy cuộc họp lưỡng viện Quốc hội thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận Mỹ và quốc tế. Tuy nhiên, dư luận đã bị cuốn vào cuộc biểu tình của hàng trăm nghìn người ủng hộ ông Trump trên các đường phố trung tâm thủ đô Washington từ đầu giờ sáng 6-1.

Trong bài phát biểu ngắn trước những người ủng hộ vào lúc giữa trưa, Tổng thống Trump đã khuyến khích họ tiến về trụ sở Quốc hội để phản đối lưỡng viện xác nhận chiến thắng của Tổng thống đắc cử Joe Biden. Không lâu sau khi phiên họp lưỡng viện Quốc hội bắt đầu, hàng trăm người đã tràn vào tòa nhà quốc hội và đụng độ với lực lượng cảnh sát quốc hội.

Tổng thống đắc cử Joe Biden đã có bài phát biểu chỉ trích Tổng thống Trump đã kích động người dân gây ra tình trạng hỗn loạn và cho rằng nền dân chủ Mỹ đang bị tấn công. Ông Biden cho rằng đây không phải các hoạt động biểu tình mà là một cuộc nổi loạn. Ngay sau bài phát biểu của ông Biden, Tổng thống Trump đã lên Twitter kêu gọi người dân giữ hòa bình và trở về nhà mặc dù vẫn cho rằng cuộc bầu cử đã bị đánh cắp thông qua gian lận.

Trong khi đó, một số nghị sĩ đảng Cộng hòa đổ lỗi cho ông Trump là người đã đổ thêm dầu vào lửa. Trên mạng Twitter, Hạ nghị sĩ Adam Kinzinger, đại diện bang Illinois gọi đây là “một nỗ lực đảo chính”. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa bang Utah Mitt Romney gọi Tổng thống Trump là một “người ích kỷ”, người đã “cố ý truyền tải thông tin sai lệch tới các cử tri” về cuộc bầu cử vừa qua. Ông Romney cũng cho rằng cuộc tấn công vào Tòa nhà Quốc hội là một “cuộc nổi dậy” và đổ lỗi cho Tổng thống Trump về việc này khi đã “kích động những người ủng hộ hành động như vậy vào sáng nay”.

Về phần mình, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và Thượng nghị sĩ Chuck Schummer, Lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện yêu cầu Tổng thống Trump đề nghị người biểu tình ủng hộ mình sớm rời khỏi khu vực tòa nhà Quốc hội để cuộc họp xác nhận kết quả bầu tổng thống có thể được nối lại. Trên mạng xã hội Twitter, đương kim Phó Tổng thống Mike Pence nêu rõ: “Hành động bạo lực và phá hoại diễn ra tại Quốc hội Mỹ cần phải chấm dứt ngay lập tức. Bất kỳ ai liên quan cũng phải tôn trọng lực lượng thực thi pháp luật và lập tức rời khỏi tòa nhà. Biểu tình ôn hòa là quyền của mọi người dân Mỹ, song vụ tấn công trụ sở Quốc hội sẽ không được dung thứ và những kẻ liên quan sẽ bị truy tố theo pháp luật”.

Ông Trump có thể bị bãi miễn và luận tội

Sau khi cuộc biểu tình biến thành bạo loạn ở Tòa nhà Quốc hội, ngày càng nhiều lãnh đạo đảng Cộng hòa cho rằng, Tổng thống Trump nên bị bãi miễn trước ngày 20-1. 4 người trong số này đã kêu gọi kích hoạt Tu chính án thứ 25 và 2 người khác nói rằng Tổng thống nên bị luận tội. “Ông ấy phải bị luận tội và bãi miễn”, một quan chức đảng Cộng hòa cho hay.

Một cựu quan chức cấp cao khác cho biết những hành động sai lầm của Tổng thống Trump đủ khiến ông bị bãi miễn, thậm chí cả khi nhiệm kỳ của ông chỉ còn một thời gian ngắn nữa sẽ kết thúc. “Tôi nghĩ đây là một cú sốc lớn với hệ thống của chúng ta. Làm sao chúng ta có thể để ông ấy tiếp tục đương nhiệm thêm 2 tuần sau những điều này?”, cựu quan chức trên cho hay.

Bằng cách luận tội và bãi miễn ông Trump, thậm chí cả vào giai đoạn cuối trong nhiệm kỳ của ông, Thượng viện có thể bỏ phiếu để khiến cho ông Trump không còn đủ tư cách để kiểm soát văn phòng liên bang. Ngoài ra, việc kích hoạt Tu chính án thứ 25 sẽ yêu cầu Phó Tổng thống và đa số nội các bỏ phiếu bãi miễn ông Trump với lý do Tổng thống không có khả năng hoàn thành nhiệm vụ và quyền lực của mình”. Đây là một động thái chưa từng có tiền lệ trong chính trường Mỹ.

Trong thông báo trên Twitter, hạ nghị sĩ Ilhan Omar, đảng Dân chủ bang Minnesota nhấn mạnh rằng, ông Trump cần bị luận tội bởi Hạ viện và phế truất bởi Thượng viện. “Chúng ta không thể cho phép ông ấy tiếp tục đương nhiệm. Đây là vấn đề bảo vệ nền Cộng hòa và chúng ta cần thực hiện theo lời thề của mình”, bà Omar viết. Một nguồn tin cao cấp của Quốc hội cho biết, đảng Dân chủ có thể ban hành dự luật nhanh chóng luận tội Tổng thống Trump với cáo buộc kích động và xúi giục cuộc biểu tình bạo loạn, nhưng động thái này nhiều khả năng sẽ không được Thượng viện do phe Cộng hòa kiểm soát hưởng ứng.

AN BÌNH