Chờ cái bắt tay xuyên Thái Bình Dương

Thứ hai, 05/05/2014 10:40

(Cadn.com.vn) - Mỹ và Trung Quốc cần phải hợp tác với nhau để “nhổ cỏ tận gốc” các nhóm chiến binh khủng bố, đặc biệt là ở Pakistan và Afghanistan – hai quốc gia đều có đường biên giới giáp với Bắc Kinh. Nhưng cho đến nay, vì sao cả hai vẫn “lắc đầu làm ngơ”?

Hôm 30-4, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố báo cáo hàng năm, trong đó khẳng định, sự gia tăng về số lượng các chi nhánh của nhóm khủng bố quốc tế Al-Qaeda và các nhóm khủng bố khác ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi tiếp tục là nguy cơ đe dọa thực sự đối với an ninh quốc gia, lợi ích của Washington và các đồng minh.

Tuy nhiên, “điểm nóng” của báo cáo lần này là việc Washington đánh giá cả những nỗ lực của mỗi quốc gia trong công cuộc chống khủng bố. Trong đó, một phần báo cáo kết luận, “hợp tác của Trung Quốc với Mỹ trong các vấn đề chống khủng bố vẫn còn sát giới hạn vùng biên, ít có đi có lại trong trao đổi thông tin. Báo cáo cũng “đổ lỗi” Bắc Kinh “không cung cấp bằng chứng chi tiết về khủng bố” trong vụ bạo lực liên quan đến người Duy Ngô Nhĩ năm 2013.

Bắc Kinh phản đối kịch liệt và cho rằng, “Trung Quốc là nạn nhân của khủng bố và luôn kiên quyết phản đối chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức... luôn coi trọng hợp tác quốc tế trong cuộc chiến chống khủng bố”.

Tuy nhiên, báo cáo cũng ghi nhận những tiến bộ trong việc đóng băng tài sản và áp dụng các biện pháp tài chính khác để chống lại chủ nghĩa khủng bố của Trung Quốc. Báo cáo hoan nghênh vai trò tham gia toàn cầu và khu vực của Bắc Kinh trong các hoạt động chống khủng bố, bao gồm cả tập trận chung với Nga, Ấn Độ và Indonesia.

Một sự trùng hợp ngẫu nhiên là báo cáo lần này được công bố đúng ngày Trung Quốc hứng chịu vụ tấn công khủng bố mới nhất tại nhà ga Tân Cương khiến ít nhất 3 người chết và 79 người bị thương.

Nhưng cái khó của Bắc Kinh là việc không muốn nhìn thấy sự hiện diện ngày càng tăng của Washington ở gần biên giới phía tây của mình, ngay cả khi sự hiện diện này đứng trên danh nghĩa chống lại các hoạt động khủng bố. Nhưng dù sao, Bắc Kinh cũng có lợi từ các hoạt động của Washinggon.

Thủ lĩnh Phong trào Hồi giáo Đông Thổ (ETIM), Abdul Haq, được cho là đã chết trong cuộc tấn công không người lái của Mỹ năm 2010. Cũng sẽ thật hữu ích đối với Mỹ khi Trung Quốc đóng vai trò quan trọng hơn trong các hoạt động chống khủng bố, nhất là ở Afghanistan hay Pakistan.

Trong năm 2013, toàn thế giới xảy ra 9.707 vụ tấn công khủng bố lớn nhỏ, làm thiệt mạng tổng cộng hơn 17.800 người và hơn 32.000 người bị thương. Theo đó, số lượng các vụ tấn công khủng bố, số người bị thiệt mạng và bị thương do các hành động khủng bố năm 2013 đều cao hơn so với các con số tương đương của năm 2012 là 6.771 vụ tấn công làm hơn 11.000 người bị chết và hơn 21.000 người bị thương.

Con số này rõ ràng đã gióng lên hồi chuông báo động: các nước lớn cần phải hợp tác nhiều hơn nữa trong các hoạt động hợp tác chống khủng bố.

Thanh Văn