Chờ “cú hích” quan hệ Mỹ – Trung
(Cadn.com.vn) - Tổng thống Mỹ Barack Obama chào đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bằng buổi lễ trang trọng vào ngày 25-9 (giờ Washington) nhưng vẻ tráng lệ và hào nhoáng này cũng không đủ để che khuất những căng thẳng giữa hai nước về nhiều vấn đề như biển Đông, an ninh mạng...
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân đến Washington hôm 25-9. Ảnh: Fox News |
Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đặt chân đến Washington vào ngày 25-9, bắt đầu chuyến công du cấp cao đến Mỹ, bản thân ông và Tổng thống nước chủ nhà Barack Obama phải đối mặt với câu hỏi sâu sắc và đáng lo ngại: hai nước liệu có “bỏ rơi” 4 thập kỷ hợp tác để bắt tay vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới?
Giới phân tích cho rằng, dù không đến nỗi vướng vào Chiến tranh Lạnh mới, nhưng hai bên sẽ không có đột phá nào về các vấn đề đang tranh cãi gay gắt sau Hội nghị Thượng đỉnh dự kiến diễn ra vào hôm nay (26-9, giờ Việt Nam). Thực tế cho thấy, chương trình nghị sự Hội nghị Thượng đỉnh Tập Cận Bình – Obama lần này được cho là chủ yếu bàn về những vấn đề gai góc như: quan ngại của Nhà Trắng về các hoạt động của Trung Quốc ở biển Đông và cả cáo buộc Bắc Kinh tấn công mạng vào hệ thống của chính phủ Mỹ.
Tổng thống Nga - Mỹ gặp nhau vào tuần tới Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Vladimir Putin sẽ gặp nhau tại New York vào tuần tới. Theo Reuters, Nhà Trắng khẳng định cuộc gặp sẽ tập trung vào các vấn đề: miền đông Ukraine - nơi quân nổi dậy đang chiến đấu với chính phủ Kiev; các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhằm vào kinh tế của Nga. Tuy nhiên, Moscow cho biết mục tiêu chính sẽ là Syria, nơi Nga chuyển máy bay chiến đấu, xe tăng và các thiết bị khác đến hỗ trợ Tổng thống Bashar Assad trong những tuần gần đây. A.Bình |
Mâu thuẫn và bất mãn giữa hai nước gia tăng trong thời gian qua, đến nỗi Tổng thống Obama gần đây tuyên bố những hành động của Trung Quốc là “không thể chấp nhận được”, đồng thời cảnh báo Bắc Kinh: “Tôi đảm bảo, chúng tôi sẽ giành chiến thắng khi có bất kỳ xung đột nào xảy ra”. Cách nói thẳng thừng của ông Obama cùng đe dọa sẽ áp đặt trừng phạt các Cty và cá nhân Trung Quốc bị phát hiện tấn công mạng nhằm vào Mỹ khiến Bắc Kinh lo ngại và dường như đang thể hiện những bước nhượng bộ.
Cuối tuần qua, ông Mạnh Kiến Trụ - Bí thư Ủy ban Chính pháp Trung Quốc - đã rời Washington với tâm trạng khá thoải mái sau 4 ngày đàm phán với phía Mỹ về vấn đề an ninh mạng. Có tin cho rằng, cả hai thảo luận “cởi mở” và gần tiến đến một số thỏa thuận. Trả lời phỏng vấn tờ WSJ hôm 22-9, Chủ tịch Tập cũng phủ nhận chính quyền Bắc Kinh khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc tấn công mạng các đối thủ cạnh tranh tại Mỹ và tuyên bố: “Đánh cắp mạng là tội hình sự và cần được xử lý theo quy định của pháp luật”. Các nhà đàm phán Mỹ được hiểu là buộc Bắc Kinh cam kết sẽ truy tố các Cty mà Washington có bằng chứng là đứng sau các vụ tấn công mạng.
Có thể thấy, cả Washington và Bắc Kinh đã có cái nhìn “cởi mở và gần gũi hơn” về vấn đề tấn công mạng, động thái vốn có thể dẫn đến các cuộc đàm phán cấp cao trong tương lai về vấn đề này. Tuy nhiên, người ta không nhìn thấy cơ hội tương tự cho những mâu thuẫn về vấn đề biển Đông, nơi Bắc Kinh đang tích cực xây dựng đảo nhân tạo cho bãi đáp máy bay và các cơ sở hạ tầng khác. Mỹ kêu gọi dừng ngay lập tức các hoạt động này nhưng Trung Quốc vẫn như “giả câm giả điếc”. Shen Dingli, một giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Fudan ở Thượng Hải thậm chí nói rằng: “Nếu Mỹ nói về vấn đề biển Đông, họ chỉ lãng phí thời gian. Chúng tôi sẽ không lắng nghe”.
Quốc hội Mỹ đang kêu gọi Tổng thống Barack Obama cứng rắn hơn với Trung Quốc. Nhưng xét cho cùng, cách tiếp cận của ông chủ Nhà Trắng sẽ phải “được tôi luyện” bởi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ràng buộc nhau. Về phần mình, Chủ tịch Tập Cận Bình, với sự ủng hộ đang gia tăng ở quê nhà nhờ chuyến công du này, có khả năng cũng sẽ nhượng bộ. Sẽ không có bước đột phá trong chuyến đi Mỹ của ông Tập Cận Bình, nhưng hai bên dự kiến sẽ công bố một số thành tựu khiêm tốn hơn như thỏa thuận chống lại biến đổi khí hậu, các biện pháp để giảm thiểu nguy cơ đụng độ quân sự ở Đông Á, và một cam kết để hoàn tất hiệp định đầu tư song phương vào cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Obama.
Khả Anh