Văn hóa, văn minh đô thị:

Chợ đã văn minh hơn

Thứ ba, 10/03/2015 08:19

(Cadn.com.vn) - Chợ ở Đà Nẵng đã văn minh hơn, đó là cảm nhận chung của không ít người dân, du khách sau khi TP Đà Nẵng triển khai "Năm Văn hóa, văn minh đô thị 2015".

Hành động "mạnh"

Dạo một vòng quanh các tuyến đường Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Bạch Đằng…, có thể nhận thấy các ô dù, bạt che nắng của các hàng quán khu vực phía ngoài chợ Hàn đã không còn giăng mắc chằng chéo như trước do Ban Quản lý (BQL) chợ đã cho dọn dẹp và tháo gỡ để đảm bảo mỹ quan đô thị. Phía trong chợ, mặc dù có rất nhiều hàng quán được bày bán với đủ các loại từ lương thực thực phẩm cho đến đồ tươi sống, rau củ… nhưng sàn nhà vẫn sạch sẽ, các hành lang đi lại và cầu thang bộ đều không có rác vương vãi ra ngoài.

Tương tự với chợ Cồn, chợ Đống Đa… các chợ lớn ở trung tâm TP, rác thải đều được tập kết về một khu cụ thể, không để xảy ra tình trạng nhếch nhác. Ông Nguyễn Thanh Hùng- Phó Trưởng BQL chợ Đống Đa cho biết, mặc dù chủ trương thực hiện Năm Văn hóa, văn minh đô thị mới chỉ triển khai từ đầu năm nay, nhưng chợ Đống Đa đã lên kế hoạch thực hiện từ năm 2014.

Để đảm bảo vệ sinh môi trường, BQL chợ đã cho chỉnh trang cơ sở hạ tầng, sơn tường mới, thông thoáng hệ thống cấp thoát nước, dẫn nước sạch vào từng ki-ốt trong chợ. Anh Hoàng Vũ (27 tuổi, khách du lịch từ Đà Lạt) chia sẻ: "Chợ ở Đà Nẵng là một trong những chợ sạch sẽ nhất mà tôi từng biết".

Theo ông Phan Thành Thoại- Phó Trưởng BQL chợ Hàn, để hưởng ứng Năm Văn hóa, văn minh đô thị 2015, BQL chợ Hàn đã bố trí sắp xếp lực lượng dọn vệ sinh khu chợ, thay phiên làm sạch lối đi để tạo môi trường thân thiện với khách hàng. Ở hàng đồ tươi sống, BQL chợ cũng thay mới các quầy bán, đồng bộ bàn và móc treo thịt bằng inox để đảm bảo VSATTP.

Với các loại thịt nhập về, kiểm tra thấy có dấu kiểm định chính xác thì BQL mới cho phép bày bán. "Năm 2013, chợ Hàn được TP chọn làm mô hình thí điểm chợ ATTP. Hướng đến xây dựng chợ ATTP, thì đến nay, chợ Hàn đang làm rất tốt công tác bảo đảm chất lượng các sản phẩm ở chợ, không để xảy ra sai phạm trong VSATTP", ông Thoại cho hay.

Không chỉ riêng trong công tác vệ sinh, các chợ ở Đà Nẵng còn tập trung quan tâm đến quyền lợi của người tiêu dùng. Bên cạnh việc tuyên truyền rộng rãi các nhiệm vụ của "Năm Văn hóa, văn minh đô thị 2015" cho các hộ kinh doanh, BQL chợ còn có những hành động "mạnh", yêu cầu các tiểu thương ký cam kết chống hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng; chú trọng đến hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ.

Đặc biệt, các sản phẩm được bày bán phải được niêm yết giá cụ thể và cập nhật giá cả thường xuyên, tránh tình trạng đầu cơ tích lũy. Tại chợ Đống Đa, ngay đình 3 phía trước chợ có bảng giá điện tử công khai, báo giá mỗi ngày cho khách hàng tiện theo dõi. Chị Loan (người bán hàng ở shop bánh kẹo Anh Huy, chợ Hàn) cho biết: "Từ khi nhận được chủ trương thực hiện Năm Văn hóa, văn minh đô thị của TP, bánh kẹo ở quán đều được dán giá cẩn thận, tránh để xảy ra tình trạng nhầm lẫn, gây thiệt hại cho khách hàng". Qua quan sát, các hàng quán lân cận cũng đều được niêm yết giá, rất thuận tiện cho khách hàng và làm hài lòng người mua.

Các ki-ốt trong chợ đều có bảng cam kết bán đúng giá niêm yết.

Nâng cao ý thức hộ kinh doanh

Để quản lý giá cả không phải là chuyện đơn giản, bởi có quá nhiều mặt hàng nhập về trong một ngày, trong khi giá gốc của một số mặt hàng như may mặc lại thường phụ thuộc vào người bán. Do đó, để thực hiện nghiêm ngặt vấn đề này rất cần ý thức kinh doanh của các tiểu thương, bên cạnh đó là sự hợp tác của khách hàng. Theo lẽ thường, mặc dù giá cả đã được niêm yết, thế nhưng khi mua hàng, khách hàng vẫn có tâm lý trả giá thấp hơn nên các hộ kinh doanh thường để giá cao hơn giá gốc để không bị lỗ vốn.

Tuy nhiên, "khi mua hàng với giá thấp hơn 15% giá niêm yết trên sản phẩm, khách hàng có thể phản hồi ngay lại với BQL chợ. Tùy vào mức độ vi phạm, BQL sẽ xử lý các hộ kinh doanh bằng hình thức đình chỉ bán trong số ngày nhất định"- ông Thoại nói thêm. Với cách hoạt động như vậy, các chợ đang ra sức bảo vệ người tiêu dùng, đồng thời kìm hãm sự gian lận của các tiểu thương trong kinh doanh.

Theo ông Đoàn Quốc Hùng- Phó Trưởng BQL chợ Cồn, chợ thường xuyên tổ chức các cuộc họp, nói chuyện với các tiểu thương để phổ biến kiến thức về cách giao tiếp, ứng xử với khách hàng, ngoài ra còn thông báo thông qua loa phát thanh, tờ rơi, lồng ghép trong phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc. Cạnh đó, BQL chợ Cồn cũng có các hình thức khen thưởng cho các hộ kinh doanh tham gia tốt phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, nhằm khuyến khích các tiểu thương phát huy tích cực công tác này.

Trong công cuộc thực hiện chủ trương "Năm Văn hóa, văn minh đô thị 2015", các chợ ở Đà Nẵng cũng khuyến khích tiểu thương thay đổi ý thức kinh doanh, chủ trương giải quyết vấn đề một cách mềm mỏng, văn minh, lịch sự để không làm mất hình ảnh chợ du lịch của TP. Trong năm qua, các chợ rất ít khi xảy ra tình trạng xung đột, cãi vã giữa tiểu thương với khách hàng.

Chị Nguyễn Thị Hải (28 tuổi, khách du lịch từ TP HCM) vui vẻ nói: "Các tiểu thương ở đây rất lịch thiệp. Khi trả chưa được giá, họ vẫn từ tốn phân tích để tôi hiểu rõ và đánh giá đúng hơn về giá trị của sản phẩm. Có khi không mua mà bỏ đi, họ vẫn cười chào hẹn quay lại chứ không khó chịu hay chèo kéo khách".

Ông Lê Viết Tươi - Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng chia sẻ, chợ truyền thống là nơi tích tụ nhiều tầng lớp văn hóa. Trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh gay gắt hiện nay, bên cạnh các yếu tố văn hóa truyền thống thì các chợ cũng phải tạo sức hút riêng bằng cách tạo môi trường văn minh hơn, lịch thiệp hơn trong giao thương.

Xa hơn nữa, mỗi tiểu thương trong chợ nếu thực hiện ứng xử có văn hóa, giao thương văn minh thì sẽ là một "đại sứ" để giữ chân du khách, tạo ấn tượng tốt với họ khi ghé Đà Nẵng. Điều này cũng góp phần quan trọng làm nên hình ảnh một Đà Nẵng thân thiện, gần gũi, tạo ấn tượng mạnh cho du khách.

Thảo Vy