“Chợ di động” trên các huyện miền núi vùng cao Quảng Nam

Thứ tư, 03/11/2021 12:03

Nếu có dịp lên bản làng các huyện miền núi vùng cao tỉnh Quảng Nam, chúng ta sẽ được chứng kiến những chiếc xe máy chất đầy các loại hàng hóa, vận chuyển những thứ cần bán và tất cả các thực phẩm cần mua. Những “chợ di động” này thực sự đã trở thành cầu nối trao đổi, lưu thông hàng hóa ở các thôn, bản vùng sâu, vùng xa- những nơi mà giao thông đi lại còn rất nhiều khó khăn...

Một “chợ di động” thường thấy ở các bản làng vùng cao Quảng Nam.

Phục vụ những mặt hàng thiết yếu

Những “chợ di động” hay “chuyến xe hàng rong” là cách nói mà người dân ở thôn bản các huyện miền núi vùng cao Quảng Nam dùng để chỉ những chuyến xe hàng rong, buôn bán lưu động. Hầu hết các mặt hàng thiết yếu được gói gọn trên một chiếc xe máy và được những người làm công việc gắn kết nhịp cầu mua, bán đưa đến khắp các thôn bản, ngóc ngách ở các xã vùng cao xa xôi của các huyện Phước Sơn, Nam Giang, Đông Giang, Hiệp Đức, Nam Trà My hay Bắc Trà My… tỉnh Quảng Nam.

Những mặt hàng được đưa đến phục vụ người dân là các loại thực phẩm như thịt, cá, đậu, rau xanh…, hay những loại đồ khô như: mắm, muối, hành tỏi… Và cũng trong những chuyến đi ấy, họ lại mua những sản vật mà người dân địa phương làm ra như măng tươi, bắp, trứng gà, rau rừng, ốc đá, gà, vịt, chuối, mía… để đưa về đồng bằng bán lại cho các tiểu thương. Những tiểu thương ở chợ Thành Mỹ (Nam Giang) hay Khâm Đức (Phước Sơn) tiết lộ với chúng tôi rằng, trong số các khách hàng của họ không thể thiếu những người bán hàng trên những chuyến xe “di động”.

Lịch trình của họ thường bắt đầu từ khoảng 4-5 giờ sáng. Họ đến lấy hàng tại chợ huyện, khi xe đã đủ các mặt hàng thực phẩm thiết yếu thì họ lên đường. Những người bán hàng “di động” này cũng có những quy định bất thành văn rất cụ thể về các tuyến đường, khu vực, địa bàn buôn bán để tránh sự tranh giành, chồng chéo nhau. Bất kể ngày nắng hay ngày mưa, họ vẫn miệt mài mang những mặt hàng thiết yếu lên vùng cao để phục vụ người dân. Vốn liếng mỗi xe hàng chừng vài triệu đến cả chục triệu đồng, nhưng hàng hóa thì vô cùng phong phú, đa dạng. Tiêu chí của họ là phải mua được hàng hóa với giá thấp nhất, nhưng vẫn phải đảm bảo tươi, ngon và cũng chỉ bán những mặt hàng cần thiết nhất.

Chị Lê Thị Thương (ở thị trấn Thành Mỹ, Nam Giang), người chuyên bán những chuyến hàng “di động” này, chia sẻ: “Điều kiện kinh tế người dân ở các bản xa xôi còn nhiều khó khăn, nên hàng mang lên bán phải phù hợp với túi tiền của họ. Muốn thế, tôi phải tìm được những mối hàng sỉ giá thấp. Cách mua, bán hàng cũng phải linh động, nhiều khi họ không có tiền mặt, mình phải cho họ nợ, hay đổi hàng… Sau mấy năm làm nghề này, giờ người dân coi tôi như người của bản, thân quen và tin tưởng lắm!”.

Góp phần thay đổi cuộc sống của người dân

Với người dân các vùng nông thôn, miền núi, nhất là đối với các xã vùng cao, vùng sâu xa xôi, đường sá đi lại gặp nhiều khó khăn, không thuận tiện, thương mại chưa phát triển, việc trao đổi hàng hóa gặp nhiều bất lợi. Những thứ họ cần thì thiếu, còn nông sản làm ra thì không biết bán cho ai. Chẳng biết từ bao giờ, đội ngũ tiểu thương “di động” này xuất hiện và ngày càng đông đảo, chỉ biết rằng không thể phủ nhận sự có mặt của họ đã góp phần quan trọng giúp người dân bản địa trong việc mua, bán trao đổi, giao lưu hàng hóa, đáp ứng được nhu cầu của người dân ở những nơi này.

Theo chị Y Thi (xã Cà Dy, Nam Giang) chia sẻ: “Từ ngày có những “chợ di động” này, cuộc sống của người dân bản thuận tiện hơn rất nhiều, bởi hàng hóa được đưa đến tận nơi, đầy đủ và muốn mua, bán cái gì cũng thuận tiện, dễ dàng. Có những món hàng họ không mua nhưng mình gửi người ta vẫn mang ra huyện bán giúp. Trước đây, không có chợ di động này, mọi người dân bản muốn mua, bán gì phải gùi cõng xuống thị trấn, đi và về cũng mất cả ngày đường, vả lại, mua hàng là phải có tiền mặt mà dân bản đâu phải ai cũng có sẵn. Ở đây, mình cần thứ gì, người ta cho nợ, khi nào có tiền thì trả, không ai tính lãi cả”.

Chẳng riêng gì người dân, ngay cả các thầy, cô giáo hay cán bộ, công chức công tác ở những vùng khó khăn cũng trông chờ những chuyến hàng lưu động này. Thầy giáo Phan Văn Ngô, Hiệu trưởng trường trung học cơ sở bán trú cụm vùng cao xã Phước Chánh- một địa bàn cách khá xa trung tâm huyện Phước Sơn- cho biết, những chuyến xe hàng “di động” rất quan trọng đối với cuộc sống thường nhật của các cán bộ, giáo viên ở đây. Thầy Ngô chia sẻ: “Đối với người dân bản địa có nhiều mặt hàng có thể tự cung tự cấp được, chứ những giáo viên hay cán bộ, công chức xa nhà như chúng tôi nếu không có thực phẩm tươi, hàng hóa mà “chợ di động” mang đến, có lẽ suốt ngày chỉ biết ăn trứng với cá khô đưa từ nhà vào thôi. May mà có “chợ di động” nên những ngày mưa gió, lũ lụt phải ở lại trường cả tháng cũng không lo thiếu thốn thức ăn. Mỗi khi họ cần thứ gì, chỉ cần một cuộc điện thoại là ngày mai họ sẽ mang đến tận nơi, đáp ứng đầy đủ, tiện lắm”.

Ai cũng có một nghề để mưu sinh. Nhưng với những người buôn bán “chợ di động”, nghề của họ còn có thêm nhiều ý nghĩa khác, đó là tạo ra một nhịp cầu lưu thông hàng hóa cho người dân ở các huyện miền núi vùng cao tỉnh Quảng Nam.

Trần Cao Anh