Cho đi và nhận lại
(Cadn.com.vn) - Với nhiều công nhân lao động ở khu công nghiệp Liên Chiểu, TP Đà Nẵng, chuyện bà chủ nhà trọ Vũ Thị Nhu (67 tuổi, tổ trưởng tổ tự quản công nhân lao động số 1, P.Hòa Khánh Bắc, Q. Liên Chiểu) giúp đỡ công nhân trong khu trọ nhà mình như giảm tiền thuê trọ, giúp việc cưới xin... đã không còn là chuyện lạ. Hàng ngày, hàng loạt những nỗi niềm, thắc mắc, khó khăn của các em sinh viên, công nhân được bà Nhu "hóa giải" bằng tình yêu thương. "Cô Nhu ơi, tụi con khó khăn quá, tháng này bố mẹ ở quê ốm nên phải gửi tiền về, cho con nợ nhé", "Cô Nhu ơi, con bé con bị ho suốt đêm, làm sao đây?", "Tụi con yêu nhau nhưng bố mẹ không đồng ý, làm thế nào hở cô"...
Đơn cử như trường hợp của Lê Thị Hằng, quê ở Quảng Bình, đi làm nhà máy nhựa nuôi em trai là Lê Thanh Doãn học Đại học Bách Khoa Đà Nẵng. Nhà nghèo, để nuôi ước mơ cho em, Hằng đã phải tạm gác ước mơ của chính mình, đi làm công nhân kiếm tiền cho em ăn học. Bữa cơm của chị em Hằng thường chỉ có đậu phụng, đậu phụ và rau luộc. Hôm nào "sang" hơn thì có thêm quả trứng hoặc vài con cá bé xíu kho mặn. Thương chị em Hằng, tháng nào bà Nhu cũng bớt tiền trọ 50.000 đồng/tháng để góp thêm với chị em Hằng cho bữa ăn tươm tất.
"Cô Nhu thương tụi con lắm. Cô không chỉ bớt tiền trọ mà còn thường xuyên cho thức ăn, khi thì bó rau, khi thì con cá" - chị Hằng cho biết. Người ta thường thấy mỗi sáng bà Nhu lại lụi cụi đi gom lon, chai nhựa từ 60 phòng trọ của mình và hàng xóm nhưng không phải để cho gia đình bà mà là cho chị em Hằng. Bạn Trần Thị Minh Thư quê ở Núi Thành, Quảng Nam cũng được bà Nhu bớt tiền trọ. "Thư nó khổ lắm, học đến năm thứ 4 đại học sư phạm thì phải bảo lưu đi làm kiếm tiền nuôi em ăn học. Thấy tụi nó khổ mà có tình như thế, mình phải giúp tụi nó" - bà Nhu thổ lộ. Và còn hàng chục trường hợp khác được bà Nhu bớt tiền trọ dù giá tiền cho thuê của bà vẫn thường thấp hơn so với các nhà trọ xung quanh.
Bà Nhu (ngoài cùng, bên phải) trò chuyện cùng công nhân trong khu trọ. |
Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp tết là bà lại hì hụi nấu một nồi bánh chưng thật lớn để tổ chức tất niên cho những công nhân không về quê ăn tết. Bà bảo, do hoàn cảnh gia đình nên phải đón tết xa quê, mình gắng được chút nào hay chút ấy giúp các cháu có được cái tết ấm áp, yên vui. Không chỉ tết, vào ngày lễ hay dịp trung thu, bà cũng thường có quà cho con công nhân trong khu trọ. Có khi chỉ là chiếc bánh dẻo, bánh nướng hay cái đèn lồng nhưng cũng khiến tụi nhỏ sướng rơn bởi cha mẹ chúng thường dè sẻn trong chi tiêu nên hiếm khi mua những thứ đó. Trong xóm trọ của bà có cặp vợ chồng quê ở Quảng Bình thường phải chăm con trai nằm viện vì viêm phế quản, bà liền đi lùng tìm các bài thuốc quý từ dân gian để chữa cho bé và đến giờ bé đã khỏi bệnh.
Mọi hoạt động được xem là "vác tù và" của bà đều suôn sẻ bởi có ông hỗ trợ. Chồng bà là thương binh hạng 2/4. Ngày trước, ông bà yêu nhau cũng vì cùng có chung lý tưởng, bầu nhiệt huyết tham gia cách mạng. Ông bà có hai người con nhưng một thì đã qua đời do nhiễm chất độc da cam, chỉ còn người con trai hiện ở với vợ chồng bà. Đi qua chiến tranh, qua cả những mất mát, đau thương nên bà Nhu hiểu hơn ai hết những hạnh phúc bình dị trong cuộc đời. Đó là những cử chỉ ân cần, những lời hỏi han, quan tâm dành cho nhau mỗi ngày. Hay là những hỗ trợ, san sẻ với những người khó khăn trong khu trọ. Cho đi tình yêu thương, cái bà Nhu nhận lại là những nụ cười, là tình cảm mà mọi người dành cho bà. Bà bảo, đó mới là hạnh phúc.
Mộc Miên