Chợ đồ xưa Đà thành- nơi lưu giữ ký ức
(Cadn.com.vn) - Cứ vào ngày thứ bảy, chủ nhật hàng tuần, những người đam mê sưu tầm cổ vật lại tìm đến phiên chợ đồ xưa Đà thành nằm trong công viên 29-3 (đường Nguyễn Tri Phương, TP Đà Nẵng) để trao đổi, giao lưu, cùng hoài niệm về một Đà Nẵng xưa, đẹp mộc mạc, giản dị hiện hữu trong từng cổ vật...
Ông Bạch Lộc, Chi hội trưởng Chi hội sưu tầm cổ vật Đà Nẵng cho biết, số lượng thành viên trong chi hội hiện nay là 10 người, đến từ nhiều ngành nghề khác nhau nhưng mọi người đều có chung niềm đam mê sưu tầm cổ vật. "Phiên chợ đồ cũ Đà Nẵng lần đầu tiên tổ chức vào ngày 30-4-2015 và lần thứ hai vào ngày 23-11-2015 làm nức lòng những người mê cổ vật như tôi. Đến nay, chúng tôi vẫn đều đặn duy trì chợ phiên vào những ngày thứ bảy và chủ nhật như một buổi offline của một diễn đàn những người đam mê đồ cổ", ông Lộc chia sẻ. Dạo một vòng quanh chợ, chúng tôi nhận thấy những món đồ cổ ở phiên chợ rất đa dạng, cả về chủng loại lẫn niên đại. Đó là những lá thư, con tem của thập niên 1960-1970, là các loại đồng xu từ đời nhà Thanh. Đó là những chiếc đèn dầu Hoa Kỳ, đèn bầu pha lê Pháp, quạt con cóc, mắt kính, ấm chén, đồng hồ, bình hoa, đồ đựng trầu, thìa nhôm Liên Xô... Thậm chí, từ chân bàn cũ, sách cũ hay những kỷ vật chiến tranh như ba lô, bi đông, xẻng, điện đàm, lược nhôm làm từ thân máy bay đến đồ dùng còn sót lại từ thời bao cấp như bát sành, bát sứ, lọ hoa, đèn dầu, đồng hồ đeo tay, điện thoại bàn... cũng "tề tựu" về đây.
Khách đến chợ thuộc mọi lứa tuổi, và giá các món đồ từ 50 nghìn đồng đến hàng chục triệu đồng. |
Khách đến chợ thuộc đủ mọi thành phần, lứa tuổi. Người thì đi xem chơi cho biết, người là thợ săn đồ cổ chuyên nghiệp, cũng có người đến đây để tìm cho mình những món đồ cũ gắn liền với nhiều kỷ niệm trong cuộc đời. Cái hay của phiên chợ là không quá quan trọng chuyện bán mua mà cốt để giao lưu, chia sẻ và thẩm định giá trị của các món đồ. Giá trị cao hoặc thấp của món đồ được tính bằng công sức người thợ bỏ ra kiếm tìm và thời gian tồn tại của chúng. Các món đồ giá trị có khi mang lại cho người sở hữu những khoản tiền kếch xù nếu đem bán. Có những món đồ tồn tại ở nhiều làng, xã nhưng người dân không biết giá trị của chúng, thậm chí còn xem đó như những thứ vứt đi...
Để thẩm định chất lượng từng món đồ chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của người chơi đồ cổ. Bên cạnh việc trưng bày, giao lưu cổ vật giữa các nhà sưu tầm, phiên chợ lập ra với mong muốn để nhiều người biết, hiểu hơn về những nét độc đáo về văn hóa của dân tộc thông qua những cổ vật mang đậm dấu ấn thời gian. Ở đây có nhiều chủ nhân chỉ thích trưng bày ra cho mọi người ngắm, bao nhiêu tiền cũng không bán. "Đôi khi thấy món đồ mình đang săn lùng được bày bán, cảm giác như vớ được báu vật, chúng tôi sẵn sàng chi ra một số tiền không nhỏ để sở hữu. Đơn giản vì chúng tôi thích đồ cổ, độc đáo và có giá trị về nhiều mặt", một khách hàng bộc bạch.
Tại phiên chợ đồ xưa mới đây, chúng tôi gặp anh Trần Nguyên Bình (thành viên của Hội cổ vật làng Thăng Long, Hà Nội), anh cho biết đã sưu tầm đồ cổ 30 năm, nhân tiện vào Đà Nẵng du lịch, được nghe có phiên chợ đồ xưa nên nhất quyết đợi đến cuối tuần để đi. "Thật may tại đây tôi tìm được cặp chiêng cổ rất quý, và tôi không ngần ngại bỏ ra 5 triệu đồng để có thể mang nó về nhà", anh Bình hào hứng. Ông Nguyễn Văn Hòa, ở Quế Sơn (Quảng Nam) cho biết đã lặn lội mấy chục cây số đi đến chợ để chỉ mua chiếc ba lô mà hồi ở chiến trường những người lính như ông vẫn thường dùng. "Phiên chợ này có nhiều kỷ vật gắn bó với thời kỳ kháng chiến của dân tộc khiến tôi rất xúc động. Tôi đến xem và mua những thứ phù hợp với túi tiền của mình", ông Hòa cho hay.
Với người đam mê đồ cổ nhưng điều kiện kinh tế không đủ để sở hữu những món hàng độc đáo, đắt giá thì họ đến với phiên chợ đồ xưa để được nhìn tận mắt, sờ tận tay, đôi khi để chỉ chụp một tấm hình lưu niệm. Thông qua các vật phẩm, đồ cổ xưa, đồ từ thời bao cấp, chợ đồ xưa Đà thành đem đến sự trải nghiệm độc đáo, thú vị cho người dân, du khách. Qua đó nâng cao ý thức và lòng tự hào dân tộc của giới trẻ, cùng nâng niu, gìn giữ giá trị của đồ xưa, cổ vật nói riêng, giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống nói chung.
Thủy Triều - Nhật Uyên