Cho những chuyến tàu bình yên
(Cadn.com.vn) - Cung đường sắt đi qua địa phận Đà Nẵng trải dài trên 30 cây số với 33 điểm cắt ngang đường bộ hợp pháp từ chân đèo Hải Vân đến chợ Lệ Trạch. Hầu hết các trạm gác chắn đều nằm trong nội thị, áp lực giao thông lớn tại các đường ngang như: Phan Văn Định, Nguyễn Chánh, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Sinh Sắc, Tô Hiệu, Lê Độ, Trần Cao Vân, khu dân cư Trung Nghĩa, Ngã ba Huế... Công tác bảo đảm an toàn tại đây luôn đặt nặng lên vai người gác chắn mỗi khi đoàn tàu đi qua.
Anh Nguyễn Tiến Chí. |
Anh Nguyễn Tiến Chí, công nhân trạm gác đường Tô Hiệu, cho biết công việc này có qui trình nghiêm ngặt, đòi hỏi chính xác tuyệt đối về thời gian và các thao tác, lơ mơ là xảy ra tai nạn ngay. 12 năm trong nghề, anh có nhiều kỷ niệm khó quên. Năm 2011, một người dân địa phương vì bức xúc việc gia đình, ra nằm giữa đường sắt. Lúc giờ tàu gần qua, anh phát hiện, thổi còi, ra hiệu, thuyết phục đủ kiểu nhưng người đàn ông đang lúc nóng giận chống trả quyết liệt không cho anh đưa ra khỏi đường ray. Anh phải nhờ bà con sống gần đó ra giúp sức và điện thoại báo công an địa phương đến hỗ trợ.
Năm 2013, một thanh niên uống say nằm ngủ quên luôn trên đường sắt được anh phát hiện cứu mạng kịp thời. Mới đây, một phụ nữ người dân tộc Cơ Tu tâm trạng buồn bã ra ngồi giữa đường sắt. Anh đến dùng lời lẽ khuyên bảo nhưng chị ta không chịu nghe, vùng vằng chống cự và còn chửi bới. Khi thấy đông người dân đến hỗ trợ, chị ta dùng đá ném trả. Nhận tin báo, CAP Hòa Minh đến kịp thời đưa chị về trụ sở. Sau mới biết nhà chị này ở H. Đông Giang, Quảng Nam, ra Đà Nẵng tìm việc làm thêm để nuôi con học cao đẳng. Do giận chồng con mà có ý định nông nổi như vậy... Yêu nghề và gắn bó với công việc tận tâm, đầy trách nhiệm, năm qua anh vinh dự được nhận danh hiệu Kiện tướng An toàn.
Bất chấp tín hiệu chuông, đèn cảnh báo, người đi xe máy nối đuôi nhau tìm cách vượt cổng chắn tại đường ngang Trần Cao Vân (Ảnh chụp sáng 26-9-2014). |
Có cùng thâm niên công tác như anh Chí, chị Nguyễn Thị Thanh Hạnh làm nhiệm vụ ở gác chắn Trung Nghĩa. 12 năm công tác, chị phải có mặt 100% thời gian trực ca tại điểm gác, bất kể nắng, mưa, gió bão, đêm ngày. Chị cho biết đa số người tham gia giao thông đường bộ chấp hành các tín hiệu báo nguy hiểm khi tàu lửa đi qua. Tuy nhiên còn một số người chưa ý thức, vi phạm các quy định an toàn đường sắt, nhất là vào thời điểm đầu giờ, cuối giờ sáng và chiều. Người dân đi làm, đưa đón con đi học, áp lực giao thông đường bộ lớn. Khi tín hiệu chuông, đèn đã bật nhưng dòng người cứ nối đuôi nhau vượt đèn đỏ gây cản trở cho việc kéo chắn. Những người không vượt qua được thì nói lời khó nghe.
Chị phân trần: "Bà con không biết mình đóng chắn theo quy định trước khi tàu qua bao nhiêu phút tùy đường ngang lớn hay nhỏ. Mình bảo vệ cho họ nhưng vẫn bị họ la mắng là chuyện bình thường. Nghề này phải nhường nhịn nhiều lắm chứ không thì chẳng làm được đâu anh ạ". Một mình trực ca đêm phải giải quyết mọi tình huống đã cho chị nhiều kinh nghiệm trong nghề, vượt qua những khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Năm vừa rồi, chị được tặng danh hiệu Kiện tướng An toàn. Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Công ty Quản lý Đường sắt Quảng Nam-Đà Nẵng mong mỏi cộng đồng xã hội cùng chấp hành luật lệ giao thông giúp anh chị em ngành đường sắt nói chung, công nhân gác chắn nói riêng hoàn thành tốt nhiệm vụ hơn nữa, cùng chung ý thức xây dựng văn hóa giao thông, văn minh đô thị vì sự an toàn và bình yên cuộc sống.
Chị Nguyễn Thị Thanh Hạnh đang làm nhiệm vụ tại trạm gác Trung Nghĩa. |
Bài và ảnh: Ngô Bảy