Chợ nông sản vùng cao Atiêng

Thứ hai, 10/04/2017 09:48

(Cadn.com.vn) - Từ chợ tự phát, chồm hổm ngồi dọc ven đường, từ đây, các hộ dân buôn bán nông sản trước cổng Trường mầm non Họa Mi của xã Atiêng, H. Tây Giang (Quảng Nam) đã có nơi trao đổi nông sản thuận lợi. Đó là Chợ chiều Năm Ngàn tại thôn Agrồng của xã biên giới Atiêng.

Chợ chiều Năm Ngàn được xây dựng trên diện tích gần 200m2, bằng sắt thép, lợp tôn, với tổng kinh phí là 150 triệu đồng. Chợ có tên gọi ấn tượng là Chợ chiều Năm Ngàn, vì chợ chỉ bán trong mỗi buổi chiều hàng ngày trong tuần làm việc của cán bộ công chức huyện Tây Giang, mỗi loại rau được bó với giá năm ngàn đồng, người mua không được hạ giá và người bán cũng không được tăng giá.

Có chợ mới, nhiều hộ dân từ các xã lân cận như Anông, Lăng, Bhalêê, thậm chí các xã biên giới xa xôi như Tr'hy hay xã vùng thấp như Avương cũng nườm nượp chở đủ các loại rau, củ, quả đem bán tại chợ, tạo thu nhập kinh tế gia đình. Nông sản được bán tại chợ đa phần do người dân tự trồng, chăm sóc và hái trong rừng, trên rẫy, không sử dụng các loại phân bón, thuốc thực vật độc hại như ở nơi khác. Chợ lúc nào cũng có rau dớn, măng rừng, nấm, rau má tự nhiên, các loại cải, bắp, sả, sắn tự trồng và cả thịt rắn, cu lúi, ếch, cá sông, suối tươi ngon...

Giữa trưa chợ đã đông đúc người bán kẻ mua, tạo không khí vui tươi đến khi tan chợ chiều vào buổi hoàng hôn.

Chợ chiều Năm Ngàn được dựng ngay tại thôn Agrồng, xã A Tiêng, thuận lợi cho người dân buôn bán, tiếp cận trao đổi hàng hóa.

Đầu giờ chiều, Chợ chiều Năm Ngàn đã tấp nập đón người đến mua bán, trao đổi nông sản.

Chợ bán đủ loại rau tươi sạch do chính người dân tự trồng và thu hái tự nhiên.

Một cụ già ở thôn Agrồng đang ngồi bán củ sắn, sả và rau lang tươi.

Lá sắn tươi ngon đã được lăn, bóp nát bởi chính bàn tay phụ nữ Cơ Tu đang bán tại chợ.

Chợ cũng là nơi các chị em từ các xã khác có dịp gặp gỡ, trao đổi lẫn nhau
trong việc tiếp cận "văn minh" buôn bán ở chợ.

Chợ cũng thu hút một nhóm bạn trẻ là người Cơ Tu buôn bán quần áo tại chợ.
Theo các em, để có quần áo mới, các em phải liên kết với một tiểu thương người Kinh
chở hàng từ đồng bằng lên để bán.

Người phụ nữ tên Huyền tranh thủ đầu giờ làm việc đến Chợ chiều Năm Ngàn để mua rau dành bữa cơm tối. Theo chị, nếu không mua sớm thì hàng sẽ hết nhanh, không đến lượt mình nữa.

Chợ cũng thu hút trẻ em đến khám phá và tìm tòi cái mới lạ ở chợ.

Briu Quân