Cho riêng mình...

Thứ ba, 28/04/2020 19:44

Hồi còn nhỏ, tôi rất thích đọc sách, đọc truyện. Thời bao cấp với bao khó khăn chất chồng, với tôi vẫn còn in trong ký ức những kỷ niệm "ngọt ngào". Bởi lẽ, tôi được sống trong sự "bình yên", hai chữ "bình yên" tôi luôn luôn thích. Trong ngôi nhà gỗ ba gian đơn sơ, phía trước nhà là cánh đồng lúa, xa hơn là dòng sông, là lũy tre làng xanh um... và sống trong tình thương yêu của bố mẹ, ông bà, của thầy cô... Tôi lớn lên trong sự "bình yên" ấy...

Đam mê...

Tôi nhớ nhất là lần nhận được phần thưởng học sinh giỏi cuối cấp I, lớp 5. Một bọc giấy báo được gói ghém thẳng nếp, chưa kịp về đến nhà, tôi mở ra. Hai quyển sách tôi vô cùng thích thú: "Chuyện hoa chuyện quả" của Phạm Hổ và tập thơ "Góc sân và khoảng trời" của Trần Đăng Khoa. Tôi đã đọc say sưa, đọc đi đọc lại không biết chán với tháng ngày tuổi thơ trong veo...

Tôi bắt đầu tập tành viết những câu thơ, bài văn, truyện ngắn, tản văn... về những sự việc tôi nghe và thấy trong cuộc sống đời thường. Công việc ấy, theo thời gian, cứ thôi thúc tôi cầm bút, và tôi "cày bừa" trên cánh đồng chữ nghĩa, song hành với việc học văn hóa, ra trường, đi làm, có gia đình... Tôi viết cho chính mình, viết như là một cách bộc bạch những cảm xúc. Tôi viết, đơn giản vì đó là một nhu cầu trong lòng có điều muốn viết, và thấy lòng thật nhẹ nhàng.

Tôi đã đọc văn, học văn, và say mê văn chương. Tôi tìm thấy ở văn chương, và cuộc đời có những điểm vừa giống nhau vừa khác nhau. Nhớ lần học đại học năm thứ ba, môn "Mỹ học", thầy giáo ra đề bài "Văn học là đi tìm cái đẹp trong cuộc sống, còn phê bình văn học là đi tìm cái đẹp trong nghệ thuật văn chương", tôi rối bời. Rồi ngẫm nghĩ: Văn chương là phải truyền đạt một tư tưởng, một ước mơ, một hoài bão, một khát vọng... của con người. Rồi nảy sinh ý tưởng: Con người là ai... Rồi nhớ lời nhạc Trịnh "Ta là ai mà yêu quá đời này"... Tôi mò mẫn trên cánh đồng văn chương, thấy văn chương gắn liền với cuộc sống của con người, với những gì diễn ra giữa những tồn tại của đời thường thôi. Tôi nhớ đến lời thầy giảng trong mỗi lần cầm bút, đại ý là khả năng đồng sáng tạo của người đọc. Đọc văn, nhận ra ta là ai giữa cõi đời này. Hạnh phúc hay khổ đau, văn chương phải đem lại hạnh phúc cho con người. Và văn chương cũng làm cho con người sự dằn vặt trong những suy tưởng, đôi lúc sự dằn vặt ấy cần thiết, nghĩa là dằn vặt để mở rộng nhận thức, để đi đến hành động đúng hơn.

Tôi cứ đi, cứ viết, cứ mổ xẻ cuộc đời, con người, cuộc sống xung quanh qua lăng kính rất riêng của mình. Có lúc đứng lại, ngắm nhìn lại, lùi bước, và đi tiếp. Với riêng tôi, tôi cứ tập tành với trò chơi chữ nghĩa và tôi biết, vốn sống không để cạn vơi. Tôi lắng nghe, tôi ước mơ và được viết ra những trải lòng chân thành với tôi, trước tiên, để được nhìn lại mình. Để được có bài học cho chính mình.

Nắng lên, ngày mới. Thời gian vẫn hối hả từng ngày, đều đặn. Con gái tôi đã đến tuổi chọn trường cho nghề nghiệp tương lai. Tuổi mười tám đôi mươi, con muốn tìm thấy lý tưởng để thực hiện bầu nhiệt huyết tuổi trẻ, tìm thấy nơi mình hữu ích, đóng góp cho đời sống. Tôi lại nghĩ đến cần cho con một niềm tin, một nghị lực...

Dẫu biết rằng không có gì là hoàn toàn trọn vẹn, vẫn biết thực tại cuộc đời bao giờ cũng luôn luôn khắc nghiệt hơn. Nhưng tôi vẫn tin trong sự không trọn vẹn ấy luôn lại có những điều ngọt ngào. Trong sự khắc nghiệt ấy mới thấy được điều kỳ diệu, lớn lao. Tôi muốn con tôi, mọi người, và chính tôi vẫn có một niềm tin vào giấc mơ cuộc đời, rằng cuộc đời là nhẹ nhàng hơn, đẹp hơn, trong sáng hơn, để tìm thấy động lực cho riêng mình... 

THẢO NGUYÊN