Cho thôi việc người lao động trong trường hợp tái cơ cấu

Thứ hai, 04/10/2021 19:16

Bạn đọc hỏi: Bà Nguyễn Thị Loan - Trưởng Phòng Nhân sự Công ty CP Du lịch K., có trụ sở tại Thừa Thiên - Huế, hỏi: Gần 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Công ty chúng tôi phải dừng hoạt động trong thời gian dài theo chủ trương của Nhà nước để phòng chống dịch. Nhằm bảo đảm sự tồn tại của Công ty, chúng tôi buộc phải cho thôi việc nhiều người lao động (NLĐ) với lý do thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động... Tuy nhiên, do Công ty không có công đoàn cơ sở, cũng như tổ chức NLĐ tại doanh nghiệp (gọi tắt là tổ chức đại diện NLĐ) nên không thể trao đổi ý kiến với Tổ chức đại diện NLĐ. Vậy trong trường hợp này, Công ty chúng tôi cho thôi việc với NLĐ có đúng quy định pháp luật không?

Luật sư Nguyễn Thị Sáu Hạnh - Trưởng Chi nhánh Công ty Luật TNHH Phạm và Liên danh tại TP Đà Nẵng trả lời: Theo quy định của pháp luật, dịch COVID-19 được xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm A - nhóm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao. Do đó, trước tình trạng cấp thiết, Chính phủ đã ban hành các chỉ thị nhằm kiểm soát dịch bệnh. Theo đó, nhiều ngành nghề kinh doanh phải tạm dừng hoạt động và bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là một số ngành nghề đặc thù như: dịch vụ lữ hành, dịch vụ khách sạn… Trước tình hình đó, để bảo đảm sự tồn tại của doanh nghiệp (DN), một số DN đã thực hiện cắt giảm chi phí bằng nhiều hình thức khác nhau như cho NLĐ ngừng việc, thỏa thuận với NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc cho NLĐ thôi việc với lý do "Thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động...". Dù với hình thức nào thì DN cũng phải tuân thủ đầy đủ trình tự, thủ tục cho thôi việc theo quy định của pháp luật.

Đối với trường hợp cho NLĐ thôi việc với lý do "Thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động..." (điểm a khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động 2019 - BLLĐ 2019) thì một trong những nghĩa vụ của người sử dụng lao động phải thực hiện theo quy định tại khoản 6 Điều 42 BLLĐ 2019 là: Việc cho thôi việc đối với NLĐ theo quy định tại điều luật này chỉ được tiến hành sau khi đã trao đổi ý kiến với tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở mà NLĐ là thành viên và thông báo trước 30 ngày cho UBND cấp tỉnh và cho NLĐ. Ngoài ra, theo quy định tại khoản 3 Điều 3 BLLĐ 2019, tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở là tổ chức được thành lập trên cơ sở tự nguyện của NLĐ tại một đơn vị sử dụng lao động nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ trong quan hệ lao động thông qua thương lượng tập thể hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật về lao động. Tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở bao gồm công đoàn cơ sở và tổ chức của NLĐ tại DN. 

Như vậy, tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở được thành lập trên cơ sở tự nguyện, không bắt buộc. Trong trường hợp của Công ty K., vì không có công đoàn cơ sở hoặc tổ chức của NLĐ tại DN nên việc trao đổi ý kiến với tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở là không thể thực hiện được. Công ty có thể bỏ qua thủ tục này và tiến hành thông báo công khai cho NLĐ biết và thực hiện đầy đủ các trình tự, thủ tục khác theo quy định để cho NLĐ thôi việc đúng pháp luật.

Chuyên mục này có sự cộng tác về chuyên môn
của Chi nhánh Công ty Luật TNHH Phạm và Liên danh tại TP Đà Nẵng.
Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3572456, 0903573138