"Chợ tình" cao nguyên
(Cadn.com.vn) - Đã gần 3 thập niên mưu sinh trên vùng đất mới nhưng người đồng bào Tày, Nùng (trú xã Ea Tam, H. Krông Năng, Đắc Lắc) vẫn cùng nhau lưu giữ những nét văn hóa dân gian mà ông cha để lại với lễ hội văn hóa dân Việt Bắc tổ chức ngày 14 và 15 tháng Giêng hàng năm. Lễ hội thu hút hàng ngàn người dân tại địa phương và các tỉnh thành lân cận. Bà Nguyễn Thị Hồng (trú H. Krông Năng) chia sẻ: "Người dân chúng tôi vẫn gọi lễ hội này là "chợ tình". Tuy nhiên, khác với "chợ tình" ở các tỉnh thành phía Bắc, phiên "chợ tình" này không chỉ là nơi để nhiều đôi trai gái đến tìm hiểu, giao lưu văn hóa mà còn có nhiều gian hàng bày bán ẩm thực của người đồng bào, đặc biệt là thịt trâu... Do đó, dù công việc bận rộn nhưng năm nào tôi cũng tranh thủ đến đây để tìm mua những sản phẩm mình thích". Phiên "chợ tình" diễn ra tấp nập hơn cả chợ tết. Không chỉ có đồ ăn uống nhanh, thịt heo quay, bánh kẹo, quần áo, đồ mỹ nghệ... của người đồng bào dân tộc thiểu số, du khách đến tham quan lễ hội còn ấn tượng trước không khí náo nhiệt tại hàng chục gian hàng bán thịt trâu.
Quang cảnh ngày hội Văn hóa dân gian Việt Bắc tại xã Ea Tam. |
Trong lễ hội, mọi người được thỏa sức tham gia các trò chơi dân gian như: bắn nỏ, làm bánh chưng, bánh dày, cách nấu rượu men lá, quay heo với lá mắc mật, nấu xôi ngũ sắc... Khách tham quan còn có dịp được nghe những điệu hát then, lượn cùng cây đàn tính của những chàng trai, cô gái người Tày, Nùng. Cũng tại lễ hội, khách thập phương không khỏi tò mò, ấn tượng trước những nét văn hóa đặc sắc trong các nghi lễ cúng của bà con dân tộc thiểu số. Theo đó, không chỉ làm lễ tri ân các anh hùng liệt sĩ, chính quyền địa phương và người dân nơi đây còn long trọng tổ chức nghi lễ Lồng tồng (hay còn gọi là lễ hội xuống đồng). Trước khi tổ chức nghi lễ, cả làng phải sửa soạn những mâm cỗ cúng trang trọng để dâng lên trời đất. Mâm lễ phải có gà sống, các loại bánh trái gồm bánh chưng, bánh khẩu sli (bánh bỏng gạo nếp nhân lạc), các loại hoa quả, rượu ngon. Thay mặt hàng ngàn người dân, các thầy cúng thực hiện các nghi lễ cúng để cầu cho mưa thuận gió hòa, làm ăn may mắn, mùa màng tươi tốt, gia súc, gia cầm sinh sôi nảy nở, mọi người dân luôn khỏe mạnh. Sau bài khấn thần nông, thầy cúng làm phép tưới nước thay mưa, vãi hạt giống, gieo hạt, dân làng thi nhau hứng những hạt giống và nước mưa đó để lấy may mắn cho gia đình. Các trò chơi trong hội Lồng tồng được dân làng tổ chức thường có múa sư tử, thi đánh quay, đi cà kheo, kéo co, tung còn...
Nam thanh - nữ tú gặp gỡ nhau tại lễ hội. |
Thơ Trịnh