"Chợ" trên xe ở nông thôn

Thứ bảy, 26/06/2021 13:00

"Chợ" trên xe đạp là một phương cách kiếm sống phổ biến của những phụ nữ chấp nhận bỏ công làm lời. Chỉ cần một chiếc xe đạp cà tàng, hai cái sọt chất đầy mặt hàng nhu yếu phẩm, "chợ" sẽ mang thực phẩm len lỏi mọi ngõ ngách của làng quê. Ở nông thôn dễ dàng nhìn thấy những bóng dáng người phụ nữ với nghề này.

"Chợ" trên xe, len lỏi mọi ngõ ngách để phục vụ khách hàng.

Cùng với nhịp sống hiện đại và sôi động của phố phường, làng quê, với chiếc xe đạp, hoặc đôi quang gánh, bất kể ngày nắng hay mưa, họ đều có thể len lỏi vào khắp các ngõ ngách, con đường với đủ đồ ăn thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt thường ngày của người tiêu dùng.

Từ tờ mờ sáng, chiếc xe đạp cà tàng của chị Trần Thị Phương (Đại Cường, Đại Lộc, Quảng Nam) chở đầy đủ tất cả các nguyên liệu cho một bữa ăn. Chiếc giỏ bên trái là mấy cân thịt bò, thịt heo, bên chiếc giỏ còn lại là các loại cá biển, cá đồng, tôm, mực… còn không gian ở giữa là vô số các loại rau và những món ăn vặt, không thiếu bất cứ một thứ gì. Ở cổ xe những túi ni-lông được treo lủng lẳng để các loại gia vị, như: ớt, hành, chanh,… tất cả được chia thành từng mớ riêng, nhồi nhét lên nhau. Thêm một mớ đồ nghề cồng kềnh với chiếc cân 5kg, cái thớt gỗ cùng con dao.

Vừa gỡ chiếc nón lá, đưa tay quệt ngang vầng trán thấm đượm mồ hôi, chị Phương nói, "Đâu có nghề nào ở nông thôn kiếm ra tiền mà không cực khổ, đổ mồ hôi. Cái nghề này còn cực hơn vì phải dậy từ sớm, lúc nắng bóng cây ven đường là nơi che mát, mưa thì ướt sũng cứ đi đến khi khô áo quần. Hồi mới vào nghề, đi bán về tới nhà chân tay như rã rời, nhưng riết cũng quen thôi".

Chị Phương chia sẻ thêm, so với giá cả ở chợ thì ở đây giá có nhích hơn một ít, nhưng không ai mặc cả, bán đến tầm trưa là hết hàng. Vốn liếng cho nghề này không quá nhiều. Một chuyến có thể chở trên dưới 60kg hàng. Chỉ cần bỏ ra vài trăm ngàn đến một triệu đồng là đủ xe hàng để bán.

Trò chuyện dăm ba câu, chị lại tất tả đạp xe đi cho kịp buổi chợ. Nhìn theo chiếc xe đạp cà tàng mà cõng được cả một "ngôi chợ", tôi chỉ còn biết lắc đầu thán phục. Có lẽ công việc này chỉ những người phụ nữ có nhiều sự khéo léo, sức khỏe thì mới đủ kiên nhẫn để theo nghề.

Chạy thêm một đoạn, tôi lại thấy "chợ" của chị Ngân, chị cũng có trình tự như những tiểu thương khác, cũng bắt đầu từ sớm, chuẩn bị hàng rồi đi bán. Đi theo chị, tôi thấy có đoạn chị đạp nhanh vì không có khách mua, nhưng cũng có đoạn đường phải dắt "chợ" đi bộ vì khách hàng quen gọi mua nhiều.

Có thâm niên chở "chợ" đi bán gần 10 năm, chị Ngân nhớ lại: "Lúc đầu, làm nghề này cũng cực lắm. Mới đi bán, ít người mua nhưng nhờ mình mua bán thiệt tình, làm ăn rõ ràng, hàng hóa tươi ngon, giá cả phải chăng nên bà con mua ủng hộ. Mua riết thành mối quen, nên sau này rất dễ trong việc buôn bán".

Theo chị Ngân, vất vả nhất của nghề này chính là trời mưa. Chiếc xe đạp cũ kỹ, cồng kềnh, với nhiều nguyên liệu khiến chị khá khó khăn trong việc di chuyển. Nên khi gặp mưa, có thể ướt cả người, cả xe, có khi trời mưa gió lớn quá thì chỉ có nghỉ việc. Bởi vậy, chị rất ngại những hôm thời tiết "dở chứng". Vậy nên, thu nhập nói tốt nhưng cũng phụ thuộc nhiều vào thời tiết.

Xen giữa chuyện mua bán là những lời hỏi han sức khỏe, gia đình, con cái hoặc gửi đồ cần mua cho chuyến hàng sau. Vừa chọn bó rau, bà Minh không quên dặn dò: "Sáng ngày mai, nhớ đem cho 1kg thịt heo, 1 chục trứng gà quê với mớ rau để mấy đứa con về ăn, dặn rồi đó nghen bây"... Vậy là, khỏi phải bỏ công đi chợ xa, bà con muốn mua gì chỉ cần chờ "chợ" đi qua, ngoắc vô là có ngay một mâm cơm ngon cho gia đình.

"Chợ" của họ mỗi ngày đem lại thu nhập vài trăm ngàn. Ở nông thôn, gạo sẵn có trong nhà, rau sau vườn, cá cua ngoài đồng dưới mương, chỉ chi tiêu lặt vặt và lo con đi học thì bấy nhiêu đó cũng đủ xoay xở.

Sắm chiếc xe đạp cũ, buộc đằng sau cái giỏ, thế là những "chợ di động" này vi vu bán hàng khắp nơi. Chiếc xe đi đến đâu, tiếng rao theo đó vang lên.

Thùy Dương