Chợ Trời - đi & thấy

Thứ bảy, 10/05/2014 10:50

* Kỳ 1: Tôi đi chợ Trời!

(Cadn.com.vn) - Từ lâu, khu vực chợ Trời đường Tăng Bạt Hổ - Trần Kế Xương - Đoàn Thị Điểm - Mạc Đỉnh Chi (P. Hải Châu 2, Q. Hải Châu, Đà Nẵng) vốn nổi tiếng bởi sự đa dạng về các loại hàng hóa. Lợi dụng vào sự đa dạng này, một số đối tượng đã tụ tập, buôn bán tài sản trộm cắp, không có nguồn gốc, giấy tờ... vào những buổi sáng sớm. Chúng tôi đã có những ngày xâm nhập thực tế và ghi nhận hoạt động buôn bán tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh tội phạm.

Sau khi được “lĩnh hội” một vài bài cơ bản về cách thức mua bán hàng hóa, trả giá ở khu vực chợ Trời, 5 giờ một ngày cuối tháng 4, tôi theo chân Hoàng - người hiểu khá rõ về hoạt động mua bán ở khu vực này “thị sát” thực tế khu chợ Trời trên đường Tăng Bạt Hổ. Điểm chúng tôi tiếp cận là quán cà-phê cóc với dãy bàn dài góc phía tây ngã ba đường Tăng Bạt Hổ - Đoàn Thị Điểm. Trời chưa rõ mặt đã có khá nhiều người tụ tập tại khu vực này vì đây chính là điểm thường xuyên mua và bán tất cả những thứ gì còn có giá trị sử dụng từ cây kim, cục pin, mũ bảo hiểm, quần áo cũ, linh kiện cơ khí, điện tử...  đến những thứ lớn như xe máy, tivi, tủ lạnh. Người mua bán hàng hóa khu vực này cũng đủ thành phần, thậm chí còn có cả trẻ con, nhưng nhiều nhất vẫn là trong độ tuổi thanh, thiếu niên và trung niên với đủ lối ăn vận công sở, bụi bặm, khoe hình xăm trổ...

Tham gia mua bán hàng hóa ở chợ Trời lúc tờ mờ sáng có nhiều thành phần, lứa tuổi.

Sau khi được Hoàng kéo cho cái ghế với cái nháy mắt “ngồi đó quan sát nghe” thì tôi cũng lấy tinh thần để bắt đầu... học hỏi. Ở vị trí cuối cùng của dãy bàn tôi có thể quan sát hầu như các hành động trao đổi, mua bán hàng hóa mà không bị ai để ý. Quan sát kỹ, tôi lại nhận ra một điều là uống cà-phê ở đây không nhất thiết quen biết mới ngồi vào bàn với nhau mà ai thích bàn nào thì ngồi, kể cả trước đó đã có nhiều người ngồi. Họ không ồn ào như các quán cà-phê khác mà chỉ quan sát và trao đổi chóng vánh vài ba câu khi cần thiết.

Chừng 10 phút sau, một phụ nữ độ hơn 40 tuổi mang theo một bộ amply cũ nhanh chóng ngồi xuống chiếc ghế ở bàn kế bên tôi, nơi người đàn ông đeo kính ngồi từ trước. Họ không nói gì, nhưng người phụ nữ này vội đặt cái amply xuống gần chân cho người đàn ông rồi đứng dậy đi ngay. Hoàng nhanh mắt nháy với tôi kiểu tinh quái “bà ấy bán cái amply đó”... Sau khi đưa cái amply về sát chân mình, người đeo kính tiếp tục lai rai cà-phê. Vài phút sau, hai người đàn ông khác cũng xuất hiện, họ mang theo một số cánh quạt loại nhỏ, ngồi vào bàn người đàn ông này và tiếp tục nói chuyện.

Người đàn ông đeo kính vừa uống cà-phê vừa chờ để mua hàng.

Ở bàn tôi ngồi, từ chỗ 2 người giờ cũng đã có thêm 2 người lạ mặt nữa. Một thanh niên khoảng 30 tuổi, vận quần short, áo phông với mũ lưỡi trai che nửa mặt và một trung niên khoảng 45 tuổi ăn vận tuềnh toàng cầm trên tay chiếc loa cũ (chỉ phần loa không có thùng) và một túi bóng to, không hiểu bên trong đựng gì. Nhận thấy như có “hàng”, Hoàng hỏi tôi nhưng cố ý để người kia nghe:

- Định mua hàng gì à?

- Nghe nói ở đây bán tivi rẻ nên chờ mua một cái về dùng.

Như đoán trúng ý định, người trung niên cầm chiếc loa cũ chen vào:

- Muốn mua tivi thì ra đường Đào Duy Từ mà mua cho rẻ. Dạo này Công an làm gắt nên không ai bán ở đây đâu.

Đã bắt được “mối”, Hoàng bắt đầu tiếp cận người trung niên này, bằng khả năng “nổ” điêu luyện của mình về việc lần trước mua “ép” được mấy chiếc điện thoại xịn, đem bán lại kiếm được gần chục “chai” (triệu đồng) thì người trung niên kia cũng không chịu thua. Anh ta kể, bữa trước có người đến khu vực này bán xe máy, thấy chiếc xe còn tốt mà không giấy tờ, “ép” được 3 “chai” rồi đem đến tiệm xe cũ bán lại cũng kiếm lời mấy “chai”. Cứ vậy, câu chuyện của Hoàng và người đàn ông trung niên kia chẳng mấy chốc đã thành thân thiết. Tuy “nổ” là vậy nhưng khi thấy ông này mang theo một cái loa, Hoàng đặt vấn đề ngay:

- Bao nhiêu thế?

- 35!

- 15?

Nghe Hoàng trả giá vậy, người này liền xoay ghế và cầm ly cà-phê sang bàn bên cạnh.

Chiếc loa mà Hoàng gạ mua của người đàn ông trung niên
ngồi cùng bàn.

Nhìn sang một số bàn bên cạnh, tôi thấy việc mua bán vẫn diễn ra khá kín kẽ. Quan sát kỹ mới nhận thấy những người này chủ yếu mua bán điện thoại và một số mặt hàng điện tử, viễn thông. Khi có “hàng”, chỉ cần ra mắt đưa cho người ngồi cùng bàn kiểm tra sơ bộ rồi thỏa thuận trong chóng vánh, người mua được điện thoại, đồ điện tử... nhanh chóng cất vào người và coi như đó là hàng “chính chủ”. Tuy nhiên, đó chỉ là đối với những đối tượng mua bán chuyên nghiệp, còn ở khu vực chợ này đôi khi cũng có nhiều người mua hàng để dùng, còn việc xác định chất lượng ra sao thì không ai biết được.

Đang mua bán, khi thấy lực lượng CA xuất hiện, tất cả nhanh chóng chuyển “đề tài”.

Trở lại với việc mua bán các mặt hàng tại khu vực quán cà-phê này, đến hơn 6 giờ, có 2 cán bộ CAP Hải Châu 2 xuất hiện thì những người này chuyển hẳn sang hệ “cà-phê bình thường” với những câu chuyện bên lề, chuyện thời sự và cả những câu theo kiểu “nổ” cho vui. Về phần 2 cán bộ CAP, khi thấy chiếc amply đặt dưới đất liền hỏi “cái này của ai” thì chẳng có ai nhận. Người đàn ông đeo kính cũng không thừa nhận dù trước đó chính mắt chúng tôi thấy ông ta cầm chiếc amply đặt xuống gần chân mình. Hỏi một lúc không có người nhận nên 2 cán bộ CA đành phải tạm giữ và thông báo cho những người ngồi đó biết nếu có ai đến tìm thì liên hệ với CAP để nhận lại tài sản...                   

Nguyễn Tuấn
(còn nữa)