Chống dịch Covid -19 ở Đà Nẵng: Phải đổi mới, cải tiến hơn nữa trong cách truy vết

Thứ tư, 12/08/2020 12:00

Chiều 11-8, Chủ tịch UBND TP, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ chủ trì buổi làm việc trực tuyến với các đơn vị, địa phương về những nhiệm vụ triển khai trong công tác phòng chống dịch. Dự có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ động viên, dặn dò nhân viên lấy mẫu tại các khu vực nguy cơ cao.

Theo Bs Tôn Thất Thạnh- Giám đốc CDC Đà Nẵng, trong số 10 ca mắc tại Đà Nẵng mà Bộ Y tế công bố vào chiều 11-8, có 4 ca được phát hiện trong quá trình lấy mẫu tập trung tại những khu vực nguy cơ cao, trong đó có 3 ca liên quan đến BV Đà Nẵng và 1 ca chưa xác định được nguồn lây. Phân tích về tổng số 283 ca mắc, Bs Thạnh cho biết có 91 trường hợp F1, trong đó 60 trường hợp đã được cách ly tập trung trước khi phát hiện, 31 trường hợp phát hiện cùng lúc với F0. Đến nay có 12 ca mắc trong cộng đồng chưa có yếu tố dịch tễ rõ ràng…

Qua phân tích số liệu, Bs Thạnh đề nghị TP cần có biện pháp nghiêm ngặt hơn với 4 khu vực: Chợ đầu mối Hòa Cường, nơi có 3 bệnh nhân liên quan, tổ 31 (P. Hòa Minh), nơi 2 ca bệnh là mẹ con được phát hiện vào ngày 11-8, khu vực chợ Nại Hiên Đông (P. Nại Hiên Đông), nơi có 3 bệnh nhân thường đi chợ, khu vực nhà số 169 và 167 Lê Duẩn (P. Hải Châu 2).

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh, hiện nay đáng lo nhất là những trường hợp phát hiện ngoài cộng đồng và những trường hợp thăm thân tại BV Đà Nẵng kể từ ngày 15-7 trở về lui chưa rà soát hết được. Ông Chinh yêu cầu: “Các địa phương cần rà soát thật nhanh và thật kỹ những trường hợp liên quan đến BV Đà Nẵng. Đến ngày 13-8 phải dứt điểm. Đối với những F1 gần hết thời gian cách ly tập trung, khi trở về nhà các địa phương phải kiểm soát kỹ, yêu cầu tiếp tục cách ly tại nhà”.

Liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn TP, Bs.Ck 2 Ngô Thị Kim Yến- Giám đốc Sở Y tế cho rằng, mối lo nhất hiện nay là tại các khu công nghiệp và nhà máy sản xuất. Tiến hành kiểm tra cụ thể một nhà máy sản xuất đồ chơi thì phát hiện hầu như không có truyền thông phòng chống dịch. Khi hỏi về công tác phòng chống dịch thì hầu như không ai trả lời được hết. Việc giãn cách ở đây gần như là không có, các công nhân khi ăn trưa ngồi sát nhau…

Theo Đại tá Trần Đình Chung - Phó Giám đốc CATP, hiện nay số công nhân, lao động tại các công trình đang tạm dừng xây dựng và một số người thăm thân còn lưu lại Đà Nẵng rất nhiều. Vì vậy, TP cần nghiên cứu, xem xét, tạo điều kiện để họ trở về quê nhà và nơi lưu trú. “Ngành Y tế có thể tổ chức lấy mẫu xét nghiệm số người này, nếu họ có kết quả âm tính thì tạo điều kiện để họ về. Điều này cũng nhằm giảm bớt gánh nặng cho những địa phương mà số người này sẽ trở về”.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cho rằng, việc triển khai công tác phòng chống dịch có nơi đã tốt nhưng có nơi thì chưa thật sự tốt. Chính vì vậy, các đơn vị, địa phương cần rà soát lại và đôn đốc chỉ đạo lực lượng triển khai thực hiện một cách quyết liệt và hiệu quả hơn. Ông Quảng đề nghị: “Các quận, huyện phải tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ của xã, phường. Số người liên quan đến BV Đà Nẵng, Sở Y tế đã cung cấp nhưng ở cấp dưới còn lúng túng, không triển khai nhanh được. Chúng ta cần ấn định thời gian hoàn thành để các địa phương triển khai một cách quyết liệt chứ không thể để hết ngày này đến ngày khác. Trong khi đây là vấn đề quan trọng, góp phần tích cực trong công tác phòng chống dịch”.

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, các địa phương phải xử lý thật nghiêm các hành vi vi phạm trong việc thực hiện giãn cách xã hội và đề nghị Ban ATGT TP tăng cường tuyên truyền phòng chống dịch qua hệ thống loa tại các nút giao thông; các chợ phải kiểm soát thật tốt đầu ra, đầu vào, người ra người vào.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ cho rằng, hiện vẫn chưa xác định được việc thực hiện giãn cách xã hội đến bao giờ. Chính vì vậy, Sở Xây dựng làm việc với các nhà thầu, chủ công trình yêu cầu lo chí phí để đưa số lao động, công nhân tại các lán trại công trình trở về địa phương, TP sẽ hỗ trợ về xét nghiệm.

Ngành Y tế được yêu cầu tăng cường lấy mẫu xét nghiệm diện rộng và nhanh chóng.

Liên quan đến các ca bệnh, ông Thơ cho rằng, hôm nay (11-8), mặc dù số ca mắc ít nhưng đã gây ra nguy hiểm. Bởi có tới 4 ca được xem như ở cộng đồng. “Có thể thấy năng lực truy vết của chúng ta chưa theo kịp diễn biến của dịch. 2 ca (2 mẹ con) vừa phát hiện rõ ràng nằm trong tầm tay nhưng chúng ta không đuổi kịp, để khi khám sàng lọc, lấy mẫu diện rộng mới phát hiện. Vì vậy, các đơn vị, địa phương phải đổi mới, cải tiến hơn trong cách truy vết… Tất cả đều phải chủ động”, ông Thơ nói.

Đối với những trường hợp liên quan đến BV Đà Nẵng từ ngày 15-7 trở về sau, Chủ tịch UBND TP yêu cầu đến ngày 13-8, các địa phương phải rà soát và tổ chức lấy mẫu hết, để TP có thể tuyên bố đã kiểm soát được bên ngoài thông qua xét nghiệm. Bên cạnh đó, số liệu xét nghiệm đó sẽ giúp cho TP nhận định tình hình một cách cụ thể hơn. “Sở Y tế và CDC Đà Nẵng cũng đuối rồi nên các quận, huyện phải chủ động vào cuộc rà soát và yêu cầu các TTYT quận, huyện tích cực lấy mẫu một cách nhanh chóng. Sau khi xét nghiệm xong trường hợp liên quan đến BV Đà Nẵng, Sở Y tế mở rộng thêm người nhà của những trường hợp này và công nhân nhà máy sản xuất đồ chơi. Chúng ta phải làm quyết liệt và triệt để như thế để không còn ca nhiễm trong cộng đồng nữa cũng như có một đánh giá tổng thể bức tranh ngoài xã hội…”, ông Thơ nhấn mạnh.

LÊ HÙNG