TƯ VẤN PHÁP LUẬT:

Chồng không phải trả khoản nợ riêng của vợ

Thứ hai, 26/10/2015 09:46

(Cadn.com.vn) - Ông Nguyễn Tiến Duyệt (trú Q. Liên Chiểu, Đà Nẵng) hỏi: Vợ tôi đã vay mượn của một người quen số tiền khoảng 350.000.000 đồng và đã đưa sổ đỏ nhà đất của chúng tôi cho người đó cầm làm tin nhưng không có sự đồng ý của tôi. Việc vợ tôi vay để làm gì thì tôi không biết rõ, có thể là chơi đề hay cờ bạc gì đó. Nay vợ tôi bị khởi kiện ra tòa. Vậy, việc vợ tôi cầm nhà đất đó có đúng luật không? Tôi có phải chịu trách nhiệm trả khoản nợ này không?

Thạc sỹ- Luật sư Lê Ngô Hoài Phong, Trưởng Chi nhánh Văn phòng luật sư Phạm và Liên Danh tại Đà Nẵng, trả lời: Theo quy định Điểm a, Khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai năm 2013 thì, hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực; Khoản 1 Điều 122 Luật Nhà ở năm 2014 cũng quy định thế chấp nhà ở cũng phải thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng. Ngoài ra việc dùng sổ đỏ nhà đất (tài sản chung của vợ chồng) thế chấp để vay tiền nhưng không có sự đồng ý của chồng là trái với quy định của pháp luật. Do vậy, việc thế chấp nhà của vợ ông trong trường hợp này là không đúng luật. Đối với nghĩa vụ trả nợ riêng của vợ hoặc chồng, theo quy định của pháp luật, nếu vợ hoặc chồng vay nợ để đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho gia đình thì khoản nợ đó được xem là nợ chung của vợ chồng. Như vậy, nếu ông chứng minh được vợ ông vay khoản nợ đó vì cờ bạc hoặc vì lý do nào khác mà không phải vì nhu cầu thiết yếu của gia đình thì ông không có nghĩa vụ trả khoản nợ này.

Chuyên mục này có sự hợp tác của

Chi nhánh Văn phòng luật sư Phạm và Liên Danh tại Đà Nẵng

Gọi 1900 599 907 để được tư vấn pháp luật