Chống “lâm tặc” tại các lòng hồ thủy điện
Thời gian qua, Ban quản lý và Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ (RPH) Đắk Mi (H. Phước Sơn, Quảng Nam) đã triển khai nhiều biện pháp nhằm quản lý các phương tiện đường thủy, đồng thời tăng cường công tác tuần tra chốt chặn trên lòng hồ thủy điện Đắk Mi 4. Nhờ vậy, tình trạng “lâm tặc” phá rừng ở đây cơ bản được kiểm soát.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh kiểm tra rừng và khảo sát vùng dược liệu tại rừng phòng hộ Đắk Mi 4. |
Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm RPH Đắk Mi Ung Duy Ba cho biết, RPH Đắk Mi được UBND tỉnh Quảng Nam thực hiện chủ trương giao khoán cho người dân bảo vệ. Tuy nhiên, những vị trí ở xa thì công tác kiểm tra còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, khi lòng hồ thủy điện Đắk Mi 4 tích nước, “lâm tặc” đã lợi dụng để vận chuyển gỗ theo đường thủy. Trong khi đó, các hộ dân được giao khoán bảo vệ rừng không có thuyền để tuần tra nên “lâm tặc” chọn đường thủy để vận chuyển gỗ, tình hình diễn biến rất phức tạp. “Lậm tặc” chế tạo thuyền có công suất lớn để kéo gỗ. Trong những chuyến tuần tra, lực lượng Kiểm lâm đã phát hiện rất nhiều đối tượng dùng thuyền để kéo gỗ trên lòng hồ rồi tập kết gần QL14E.
Năm 2015, thực hiện Chỉ thị 03 của UBND tỉnh về siết chặt quản lý phương tiện đường thủy trên lòng hồ, đơn vị đã nghiêm túc triển khai nhiều hoạt động quản lý tàu thuyền trên lòng hồ. Cụ thể, các chủ tàu thuyền phải làm cam kết không được hoạt động trái phép, thuyền hoạt động trên lòng hồ phải được đăng ký mục đích sử dụng qua Phòng đăng ký hạ tầng giao thông huyện. Nếu phát hiện tàu thuyền hoạt động trái phép, lực lượng kiểm lâm sẽ xử lý theo quy định của pháp luật…
Để thuận tiện cho việc tuần tra quản lý, UBND H. Phước Sơn đã đầu tư cho Hạt Kiểm lâm Đắk Mi một thuyền công suất lớn, biên chế 5 nhân viên thường xuyên tuần tra và lập trạm chốt chặn ở thượng nguồn trên lòng hồ. Sau khi triển khai hoạt động, trong năm 2015 đơn vị đã phá hủy và tịch thu hàng chục chiếc tàu thuyền trên lòng hồ hoạt động trái phép. Các đối tượng lắp máy công suất lớn vào tàu thuyền để kéo gỗ, khi phát hiện những thuyền như vậy lực lượng Kiểm lâm sẽ tịch thu hoặc tiêu hủy tại chỗ theo quy định. Nhờ quản lý chặt chẽ nên năm sau số lượng tàu thuyền hoạt động trái phép trên lòng hồ giảm dần. Năm 2018 đơn vị chỉ xử lý 5 trường hợp, còn đầu năm 2019 đến nay chỉ xảy ra 2 trường hợp.
Mới đây, chúng tôi có dịp cùng Hạt Kiểm lâm Đắk Mi tuần tra trên lòng hồ thủy điện Đắk Mi 4. Tại thời điểm tuần tra, lực lượng kiểm lâm phát hiện một thuyền máy gồm 3 đối tượng khả nghi nên tiến hành truy đuổi. Thấy lực lượng chức năng, chiếc thuyền bỏ chạy vào một khe suối nhỏ. Sau 30 phút truy đuổi, lực lượng kiểm lâm đã áp sát được chiếc thuyền này. Tiến hành kiểm tra, lực lượng Kiểm lâm phát hiện chiếc thuyền có nhiều biểu hiện khả nghi nên quyết định tạm giữ phương tiện để xác minh…
Hơn 1 giờ lênh đênh trên lòng hồ, chúng tôi đến trạm chốt chặn của Kiểm lâm ở đây. 5 nhân viên có nhiệm vụ túc trực 24/24 giờ, ăn ở tại chỗ để tuần tra bảo vệ rừng và quản lý tàu thuyền trên lòng hồ. Chúng tôi theo chân lực lượng Kiểm lâm tuần tra khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn nhưng không phát hiện dấu vết của “lâm tặc”. Điều này cho thấy việc quản lý tàu thuyền trên lòng hồ của BQL rừng phòng hộ Đăk Mi bước đầu mang lại hiệu quả.
Ngoài ra, nhằm kết hợp công tác bảo vệ rừng bền vững với sự phát triển kinh tế của người dân, nhiều năm qua UBND H. Phước Sơn cũng đã triển khai việc trồng các cây dược liệu như sâm ba kích, đẳng sâm, sâm ngọc linh… xen dưới những tán rừng thu được nhiều kết quả tốt. Vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đã dẫn đầu đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác quản lý tàu thuyền trên lòng hồ thủy điện Đăk Mi 4, công tác bảo vệ rừng và phát triển vùng dược liệu tại khu vực này. Sau chuyến kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đánh giá cao công tác quản lý tàu thuyền theo Chỉ thị 03, công tác bảo vệ rừng và vùng dược liệu được giao cho BQL rừng phòng hộ Đăk Mi quản lý. “Trong thời gian đến, BQL rừng phòng hộ Đăk Mi cần quản lý chặt chẽ hơn trong công tác quản lý tàu thuyền trên lòng hồ, chốt chặn bảo vệ rừng. Lãnh đạo H. Phước Sơn cần có kế hoạch cụ thể nhằm phát triển địa phương thành vùng dược liệu, đặc biệt phải biết kết hợp việc bảo vệ rừng và phát triển dược liệu là hướng giảm nghèo bền vững ở miền núi. Hình thức xã hội hóa khuyến khích các doanh nghiệp vào nghiên cứu khảo sát theo hình thức cho thuê dịch vụ môi trường rừng để trồng phát triển dược liệu, kết hợp phát triển du lịch sinh thái sẽ mang lại hiệu quả cao…”, ông Lê Trí Thanh nhấn mạnh.
LÊ VƯƠNG