Chống thông tin “bôi nhọ” nông sản Việt Nam
(Cadn.com.vn) - Trong cuộc gặp mặt nhằm tháo gỡ vướng mắc xuất khẩu nông sản vào hôm 18-2 tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đại diện các hiệp hội nông sản, tham tán thương mại cho rằng, hiện nay, ngoài việc tạo ra các sản phẩm chất lượng tốt, chúng ta còn phải đấu tranh, chống lại các luồng thông tin bôi nhọ, sai sự thật nhằm vào các nông sản của Việt Nam.
Cạnh tranh thiếu lành mạnh
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), trong thời gian qua, có 12 thị trường xuất hiện thông tin mang tính “bôi nhọ” một chiều, tạo ra cách nhìn không khách quan về thủy sản Việt Nam. Ví dụ, tại thị trường Italy xuất hiện thông tin nhiều sản phẩm thủy sản Việt Nam bị nhiễm độc, vì các sông ở đồng bằng sông Cửu Long nhiễm dioxin, khiến nhiều người dân nước sở tại hoang mang, xa dần các sản phẩm này. “Thông tin bội nhọ không chỉ ảnh hưởng tới một mặt hàng, mà còn ảnh hưởng tới uy tín của ngành thủy sản Việt Nam ở nhiều nước khác. Do vậy, cần có sự trao đổi thông tin hai chiều giữa Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương với các tham tán thương mại, để liên tục đấu tranh trước những hành vi cạnh tranh không lành mạnh, “bôi nhọ” các sản phẩm của Việt Nam”, ông Nam cho biết.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, đây là vấn đề quan trọng, các bên cần phối hợp để xử lý các vụ “khủng hoảng” thông tin, cung cấp thông tin hai chiều để đảm bảo uy tín cho các sản phẩm nông sản của Việt Nam tại các thị trường quốc tế. Cùng chung nhận định này, ông Nguyễn Viết Vinh, Tổng Thư ký Hiệp hội Cà-phê Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết thêm, cung cấp thông tin, dự báo thị trường của chúng ta còn yếu. Chúng ta có nhiều đơn vị chiến lược nhưng thiếu một trung tâm tổng hợp thông tin để cung cấp lại cho các doanh nghiệp. Do vậy, năm nào chúng ta cũng bị các doanh nghiệp nước ngoài “lũng đoạn” thị trường.
Công nhân lựa thanh long xuất khẩu. |
Giữ chữ tín cho hàng Việt Nam
Theo các tham tán thương mại, khi tham gia vào sân chơi chung, chúng ta phải chấp nhận luật chơi của họ, nếu không sẽ tốn kém rất nhiều chi phí. Năm 2015, lần đầu tiên quả vải của Việt Nam được phép xuất khẩu sang Australia. Nhưng trong các lô hàng được xuất sang, chỉ có một lô đáp ứng yêu cầu, được giải phóng ngay. “Nguyên nhân là do các doanh nghiệp không tuân thủ yêu cầu của Australia, hàng bị giữ lại. Phía Australia yêu cầu cắt sát cuống vải, nhưng quả vải của chúng ta còn cả cành, thậm chí có cả sâu trong vải”, bà Hoàng Thúy, Tham tán thương mại tại Sydney (Australia) cho biết. Theo bà Thúy, Australia có cơ chế an toàn thực phẩm rất nghiêm ngặt. Do vậy, cần có cơ chế phối hợp liên tục giữa thương vụ và các bộ, doanh nghiệp để cung cấp thông tin kịp thời.
Theo ông Nguyễn Thế Cường, Tham tán thương mại Việt Nam tại Ai Cập và Sudan cho biết, nhiều doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh thiếu trách nhiệm. Nhiều lô hàng chất lượng kém, bị ách tắc tại cảng nhưng không thấy doanh nghiệp liên hệ với thương vụ. Đối tác phía Ai Cập phải tới sứ quán để nhờ liên hệ giải quyết. “Nhiều doanh nghiệp nhận tiền là hết trách nhiệm, nếu cứ làm việc theo kiểu này thì khó giữ được thị trường” –ông Cường nói.
Ngoài ra, để bảo hộ các sản phẩm trong nước, nhiều nước đã đặt ra các rào cản thương mại. Ông Đào Trần Nhân, Tham tán thương mại tại Hoa Kỳ cho biết: Các vụ kiện chống bán phá giá, trợ cấp, rào cản thương mại... xuất hiện ngày càng nhiều, nhưng Bộ Nông nghiệp lại không có tham tán nông nghiệp. Do vậy, tôi cho rằng, với thị trường lớn như Hoa Kỳ, cần có một tham tán nông nghiệp để giải quyết các vụ việc này. Hơn nữa, “hiện phía Mỹ yêu cầu các sản phẩm phải có mã vạch để truy xuất nguồn gốc từ nơi nuôi trồng. Đây là việc rất khó với Việt Nam, cần có sự can thiệp của Chính phủ để tạo ra cơ chế phù hợp hơn”, ông Nhân cho biết thêm.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ngày càng cạnh tranh gay gắt, xuất hiện nhiều rào cản thương mại. Ngoài việc duy trì các thị trường truyền thống, chúng ta phải mở thêm các thị trường mới cho các sản phẩm nông nghiệp. Do vậy, đòi hỏi các doanh nghiệp, tham tán thương mại, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương phải phối hợp, thông tin liên tục để khai thác hết tiềm năng của nông, lâm, thủy sản Việt Nam.
T.T