Chống xói lở Cửa Đại- Giải bài toán "cục bộ"
(Cadn.com.vn) - Để cứu bờ biển Cửa Đại đang sạt lở nghiêm trọng, các chuyên gia đã kiến nghị tỉnh Quảng Nam cấm toàn bộ các hoạt động kè cục bộ do chủ các khu resort tiến hành. Theo các chuyên gia việc làm kè biển thiếu sự đồng bộ đã khiến tình hình phức tạp thêm, khiến khu vực sạt lở lan sang bề ngang. Điều này đi ngược với thực tế bởi trong những năm qua đã có hàng chục công trình như thế được thực hiện. Chủ các khu resort đã chi hàng tỷ đồng để cứu lấy khu nghỉ dưỡng của mình. Vì vậy, để giải được bài toán này là điều đang khiến chính quyền địa phương đau đầu.
Khu vực vườn tượng thuộc khu nghỉ dưỡng Palm Garden đang đứng trước nguy cơ "một mất một còn". |
Lắng nghe doanh nghiệp
Trao đổi với phóng viên, đại diện nhiều khách sạn cho rằng, trước tình hình sạt lở nghiêm trọng đang diễn biến phức tạp, đơn vị nào cũng cần có phương án bảo vệ tài sản, chống xói lở riêng. Chứng kiến cảnh sóng biển nuốt trôi công trình, khách sạn, các doanh nghiệp phải tự cứu mình bởi mức độ đe dọa do sóng đánh hiện nay là "một mất một còn". Các công trình kè tự phát này, thực tế vẫn có hiệu quả cục bộ trong ngăn sóng, chống sạt lở, nhưng lại không đồng bộ trên tổng thể. Tuy nhiên nếu không làm thì hậu quả trước tiên là chủ các khu nghỉ dưỡng phải gánh chịu. Tại Hội An hiện nay khu vực đang bị sạt lở nặng nhất phải kể đến là khu nghỉ dưỡng Palm Garden. Trong đó khu vực vườn tượng thuộc khu nghỉ dưỡng này đang ngày đêm bị sóng đánh hư hại. Để cứu nguy cho khu vực này, TP đang triển khai dự án kè khẩn cấp dài trên 1km, từ đoạn mép cuối khách sạn Victoria Hội An lên đến mép đầu resort Palm Garden Hội An với vốn đầu tư 54 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện công trình này đã được 85%, đang dần hoàn thiện giai đoạn cuối. Tuy nhiên, ở đoạn cuối này cũng đang gặp trục trặc vì vấp phải tuyến kè của công ty Palm Garden tự làm.
Ông Nguyễn Doanh-Tổng quản lý resort Palm Garden Hội An cho biết, năm 2016, phía trước bờ biển của khu nghỉ dưỡng bị sạt lở nghiêm trọng, sóng đánh xói lở làm hư hỏng bờ biển gây thiệt hại lớn. Công ty đã bỏ ra hơn 3 tỷ đồng để làm kè mềm, mỏ hàn từ bờ biển kéo ra 80m mới giữ được bờ biển tạm ổn. Tuy nhiên, từ khi dự án kè của TP Hội An thực hiện ngay sát khu nghỉ dưỡng thì lại xuất hiện sạt lở. Điều này đã cho thấy sự "xung đột" giữa hai dự án kè đã và đang khiến tình hình phức tạp thêm. "Dự án kè khẩn cấp của TP làm mỏ hàn ra biển 60m để làm kè mềm, còn phía Palm Garden trước đây làm ra 80m nên có hiện tượng sóng đi từ Nam ra Bắc vào khoảng hở ở khu Palm Garden gây xói lở. Khu vực vườn tượng đang trong tình cảnh "hấp hối". Sạt lở đang nghiêng về phía bên trái. Hiện nay chúng tôi đang phối hợp với TP để khớp nối 2 tuyến kè này lại với nhau", ông Doanh cho biết. Ông Doanh đề nghị khi thực hiện dự án thì TP Hội An cũng cần phối hợp với doanh nghiệp để cùng tìm ra phương án tối ưu nhất bởi cả doanh nghiệp và chính quyền đều cùng mục tiêu giữ vững bờ biển Cửa Đại.
Các tuyến kè ở Hội An hiện nay đều mang tính tạm thời. |
Nhiều biện pháp cục bộ
Để cứu lấy bờ biển Cửa Đại, đặc biệt là phải làm sao để giữ được bãi tắm là vấn đề ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên trước những diễn biến nhanh và mạnh tại khu vực ven biển Hội An những năm qua cả chính quyền địa phương lẫn người dân khu vực này đều lúng túng. Có một thực tế rằng hầu hết các tuyến kè đã triển khai đều chỉ là giải pháp tạm thời. Không chỉ có Palm Garden mà để bảo vệ tài sản của mình, từ năm 2013, các khách sạn như Victoria Hội An resort, Sunrise, Golden Sand... đã đầu tư nhiều tỷ đồng xây kè chắn sóng. Không thể phủ nhận rằng sự vào cuộc của các doanh nghiệp đã góp phần bình ổn mức độ tác hại của xói lở nhưng cũng chính vì "mạnh ai nấy làm" nên hiện nay việc khắc phục những hệ lụy từ những phương pháp cục bộ này trở nên khó khăn.
Không chỉ có những tuyến kè "tự do" từ phía các nhà hàng, khu nghỉ dưỡng mà chính quyền Hội An cũng đã có khá nhiều biện pháp gia cố bờ biển. Năm 2011-2012, Hội An bắt đầu xây kè cứng bằng bê tông để gia cố bờ biển, sau đó làm kè mềm bằng bao địa mua từ Hà Lan. Từ năm 2011 đến 2016, ngân sách tỉnh, trung ương và TP đổ vào việc xây kè chống sạt lở ở bờ biển Cửa Đại đã hơn 82 tỷ đồng. Đó là chưa tính đến hơn 54 tỷ đồng Chính phủ đã cho thực hiện Dự án kè khẩn cấp chống xâm thực bờ biển Hội An triển khai từ năm 2015 đến 2017. Ngoài ra, thành phố xin 80 tỷ đồng đã được phê duyệt xây kè ở phía nam Cửa Đại qua nạo vét luồng lạch để lấy cát bơm vào khu vực sạt lở. Tuy nhiên những biện pháp này vẫn chỉ là cục bộ, cát bồi bên này lại lở bên kia chỉ có tác dụng chắp vá. Và mùa mưa bão năm nay sắp đến, nỗi lo sạt lở lại thường trực trong mỗi biến động của TP Hội An.
Ông Nguyễn Doanh-Tổng quản lý resort Palm Garden Hội An bên khu vực sạt lở thuộc Palm Garden. |
Trước những gì thực tế đặt ra, ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cho rằng việc các nhà khoa học phân ra từng đoạn để triển khai chống sạt lở lộ trình cần rất nhiều thời gian. Trong khi hiện nay cần có giải pháp cấp thiết trong mùa mưa bão 2017 này để bình ổn tình trạng xói lở. Đối với vấn đề sạt lở khu vực Palm Garden khi thực hiện thì phía Palm Garden thực hiện chưa đồng bộ kỹ thuật mà dự án kè khẩn cấp của TP đang áp dụng nên phát sinh nhiều vấn đề. Thành phố đã làm việc với Palm Garden, dự án kè sẽ thực hiện làm mỏ hàn 60m theo như kế hoạch và đã có văn bản đề nghị Palm Garden khớp nối mỏ hàn 20m và làm mỏ hàn 80m ở phía cuối khu Palm Garden để ngăn chặn xói lở. Về lâu dài, Chính quyền địa phương đang chờ các nhà khoa học đề ra nên làm cái gì trước cái gì sau, cần triển khai những gì trong thời gian này trước khi áp dụng giải pháp tổng thể. Vấn đề này cần phải có sự chung tay giữa chính quyền, nhà khoa học, doanh nghiệp thì mới có thể đạt hiệu quả.
Đồng Dao