ChristopHer Columbus mang giang mai về cho Châu Âu?

Thứ ba, 31/07/2012 00:00

(Cadn.com.vn) - Cách đây tròn 520 năm, nhà thám hiểm nổi tiếng Christopher Columbus đã tìm ra Châu Mỹ, mở đầu những cuộc thám hiểm ra “tân thế giới” cũng như quá trình thực dân hóa vùng đất này của người Châu Âu. Ngoài công lao to lớn, Columbus còn có "tội" mang về quê căn bệnh giang mai nguy hiểm. Đề cập tình tiết này, mới đây tạp chí Khoa học đời sống (LS) của Mỹ đăng tải bài viết đề cập đến công và tội của ông.

NHÀ THÁM HIỂM VĨ ĐẠI...

Christopher Columbus (1451-1506), một nhà thám hiểm vốn xuất thân là đô đốc của Hoàng đế Castilla, người đã thực hiện thành công những chuyến thám hiểm năm 1492.

Mặc dù về thực tế ông không đặt chân lên lục địa Châu Mỹ cho đến chuyến thám hiểm thứ ba năm 1498 nhưng Columbus lại được xem là người Châu Âu đầu tiên đặt chân tới Châu Mỹ, khai phá con đường thương mại giúp chủ nghĩa đế quốc "phủ sóng" nhanh tới những vùng đất này, hay còn gọi là người khai sáng ra con đường tơ lụa đến Châu Mỹ. Chuyến thám hiểm của Columbus còn nhằm mục đích khác là chứng minh trái đất không phẳng mà là hình cầu, ngược với quan điểm hồi đó cho rằng trái đất là phẳng. Thậm chí Columbus còn tính toán được chính xác chu vi trái đất tối đa là 25.255 km.

Tuy nhiên, cho đến nay, thân thế và quốc tịch của Columbus còn nhiều tranh cãi. Có sách thì cho rằng ông xuất thân từ quý tộc, con trai vua Balan Vladislav III nhưng có sách lại ghi ông xuất thân từ một gia đình công nhân ở Genova Italia. Để có kinh phí thực hiện những chuyến thám hiểm, Columbus nhiều lần đệ trình kế hoạch lên cho triều đình Bồ Đào Nha, nhưng triều đình lại không tin vào tính toán của ông, nhất là độ dài hành trình và khước từ yêu cầu. Sau đó, Columbus tìm hậu thuẫn từ phía triều đình Ferdinand III ở Aragon và Isabella I ở Castile, những người thống nhất đế chế Tây Ban Nha rộng lớn. Ngoài ra, Columbus còn vận động các nhà đầu tư tư nhân, bạn bè ở Italia mà ông quen từ trước.

Christopher Columbus 

Sáng 12-10-1492, Columbus đặt chân lên một hòn đảo thuộc Châu Mỹ, một miền đất chưa ai được biết đến, mở đầu cho việc tìm hiểu về “tân thế giới”. Ngày 16-1-1493, Columbus quyết định cho đoàn tàu trở về mang theo phẩm vật gồm vàng bạc, động vật, cây cỏ và sinh vật lạ, một số nữ trang và quần áo của thổ dân cùng nhiều thổ dân bị bắt. Tháng 9-1493, Christopher Columbus khởi hành tiếp chuyến thứ hai và sau 21 ngày thuận gió, Columbus đến phía bắc của quần đảo Windward và được ông đặt tên là Dominica. Sau khi hoàn thành 4 chuyến thám hiểm, Columbus được phong chức Đô đốc của Đại dương và nhận được một phần lợi nhuận. Sau này theo tài liệu của con trai Columbus để lại, hợp đồng của Columbus hồi đó rất ngớ ngẩn, không hề có những ràng buộc, thậm chí những người ký giao kèo cũng không muốn gặp nhau để thanh lý hợp đồng. Đặc biệt, người ta không muốn Columbus quay trở về.

Những năm cuối đời Columbus yêu cầu triều đình Tây Ban Nha trao trả ông 10% lợi nhuận thu được từ những vùng đất mới như thỏa thuận. Do không còn nhiều quyền hành trong triều nên các điều khoản không được thực hiện đầy đủ và đây chính là nguyên nhân làm cho Columbus kiện đòi một phần lợi nhuận thương mại. Nhưng đáng tiếc nửa thế kỷ sau ông thua cuộc.

... NHƯNG MANG GIANG MAI VỀ CHO CHÂU ÂU?

Mặc dù công lao của Columbus rất lớn, không ai phủ nhận nhưng theo các nhà khoa học Mỹ, chính Columbus đem mầm bệnh giang mai vào Châu Âu.

Thông tin trên được các chuyên gia Mỹ công bố hồi đầu năm 2012,  làm dấy lên cuộc tranh luận kéo dài nhiều thập kỷ về nguồn gốc của căn bệnh giang mai. 54 báo cáo khoa học cho thấy, Columbus và các thủy thủ của ông bị nghi ngờ gieo rắc bệnh giang mai vào Châu Âu hồi cuối thế kỷ thứ XV, lan tràn, trở thành đại dịch, cướp đi sinh mạng của nhiều người. Qua phân tích di truyền bệnh giang mai, khoa học hiện đại đã phát hiện thấy họ hàng gần nhất với bệnh giang mai là một người Nam Mỹ bị bệnh ghẻ cóc, có cùng một loại vi khuẩn với bệnh giang mai.

Theo nhóm chuyên gia ở Đại học Emory, Atlanta, đây là căn bệnh cổ  xưa mà tổ tiên loài người mắc phải, có nguồn gốc từ Châu Mỹ, tức là được truyền từ Thế giới Mới sang Thế giới Cũ và giả thuyết Columbus và các thủy thủ của ông bị nhiễm giang mai và mang về Châu Âu là hoàn toàn có cơ sở. Giang mai là căn bệnh nguy hiểm với triệu chứng ban đầu là đau nhức, phát ban, sốt và cuối cùng gây ra mù, liệt và mất trí nhớ. Hầu hết các bằng chứng khoa học trong những năm gần đây về nguồn gốc bệnh giang mai đều xuất phát từ nghiên cứu xương người được tìm thấy tại cả ở những vùng đất mới, quen gọi là “tân thế giới” và ở “lục địa già” Châu Âu hiện nay.

Christopher Columbus qua đời ngày 20-5-1506 ở tuổi 55, tại Valladolid trong cảnh nghèo khó. Năm 1513, di hài của ông được chuyển tới an táng tại tu viện ở Seville, nơi người con của Columbus là Diego đang yên nghỉ. Mặc dù còn nhiều tranh cãi nhưng hậu thế vẫn coi ông là nhà hàng hải tài ba và có nhiều ảnh hưởng nhất trong lịch sử của nhân loại.

Duy Hùng (Theo WRC)