“Chu Cẩm Phong - nhà văn anh hùng”

Thứ bảy, 06/10/2018 12:12

“Chu Cẩm Phong–nhà văn anh hùng là tuyển tập tiểu luận văn học gồm nhiều tác giả, viết về cuộc đời và tác phẩm của nhà văn liệt sĩ Chu Cẩm Phong do NXB Hội Nhà văn vừa ấn hành cuối tháng 9-2018.

Bìa sách Chu Cẩm Phong - nhà văn anh hùng.

Nhà văn Chu Cẩm Phong tên thật là Trần Tiến, sinh ngày 12-8-1941 tại làng Minh Hương, Hội An, Quảng Nam. Năm 1954, ông theo cha tập kết ra Bắc và theo học tại trường học sinh miền Nam, sau này là Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ông từng được cử vào Ban chấp hành Hội Liên hiệp Thanh niên - Sinh viên Việt Nam, được kết nạp Đảng Lao động Việt Nam khi mới 22 tuổi. Năm 1964, tốt nghiệp đại học xuất sắc, được nhà trường cử đi học nước ngoài nhưng Chu Cẩm Phong xung phong vào miền Nam chiến đấu. Trong thời gian này, ông công tác tại Ban Tuyên huấn Khu V, làm phóng viên thông tấn rồi chuyển sang làm việc tại Tiểu ban Văn nghệ Khu V.

Ngày1-5-1971, trong một chuyến đi thực tế, nhà văn Chu Cẩm Phong hy sinh trong trận giao chiến diễn ra từ 10 giờ đến 14 giờ giữa 8 CBCS Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam và du kích xã Xuyên Phú với hơn một tiểu đoàn quân Mỹ và Việt Nam Cộng hòa.

Tên tuổi của Chu Cẩm Phong  được biết đến nhiều qua cuốn nhật ký ghi lại về cuộc đời ông trong thời gian tham gia kháng chiến, sau này được biết đến với tên gọi Nhật ký chiến tranh. Sự nghiệp văn học trong hơn 3 năm của Chu Cẩm Phong còn lại nhiều tác phẩm khác như: Vườn cây ăn quả nhà mẹ Thám, Gió lộng từ Cửa Đại, Mặt Biển - Mặt trận, Rét tháng Giêng, Mẹ con chị Hiền. Những tác phẩm này là sự đúc kết những trải nghiệm, hiện thực sống động và khắc nghiệt của chiến trường. Năm 2007, Chu Cẩm Phong được Nhà nước trao tặng Giải thưởng về văn học- nghệ thuật. Ông được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND vào năm 2010, là nhà văn duy nhất trong lịch sử của Hội Nhà văn Việt Nam được phong tặng danh hiệu cao quý này.

Tháng 3-2000, NXB Văn học ấn hành tập sách Nhật ký chiến tranh của Chu Cẩm Phong, tạo nên niềm cảm xúc sâu xa trong độc giả cả nước, nhất là thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên sau chiến tranh. Rất nhiều bài viết của giới nghệ sĩ, báo chí, đồng đội, người thân… ngợi ca phẩm chất công dân, chiến sĩ, nghệ sĩ sáng ngời của Chu Cẩm Phong, đồng thời đánh giá những trang nhật ký của ông là một tác phẩm văn học  độc đáo, xúc động, cuốn hút, lay động lòng người. Theo nhóm biên soạn: “Nhân kỷ niệm 77 năm ngày hy sinh nhà văn Chu Cẩm Phong (12-8-1941 - 12-8-2018), quý mến, kính phục và tưởng nhớ nhà văn Chu Cẩm Phong; đặc biệt là để không bao giờ quên những năm tháng bi hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở chiến trường Khu 5, chiến trường Quảng Nam- Đà Nẵng máu lửa; được sự hỗ trợ chí tình của Công ty Cổ phần Thiên Vương Group, những người bạn, đồng đội, đồng nghiệp của nhà văn Chu Cẩm Phong đã sưu tập, chọn lựa một số bài viết về Chu Cẩm Phong để thực hiện tuyển tập”.

Bên cạnh nhiều bài viết đáng chú ý như: Chiến trường những năm tháng ấy sống và viết (Nguyên Ngọc), Nhớ mãi Chu Cẩm Phong (Giang Nguyên Thái), Tôi đã gặp anh Chu Cẩm Phong (Phan Đức Nhạn), Kỷ niệm vùng ven (Lê Ngọc Nam), Những phút cuối cùng của nhà văn Chu Cẩm Phong và đồng đội (Hồ Duy Lệ), Nhật ký chiến tranh-ký ức của người dân (Ngô Thế Oanh), Xin cảm ơn Chu Cẩm Phong (Nguyễn Đình An)…, nhà văn Nguyễn Bá Thâm–thành viên của ban biên soạn cho biết, Tuyển tập có lược trích một số trang Nhật ký của Chu Cẩm Phong (từ 11-7-1967 đến 27-4-1971) là một phần minh chứng cho những trích dẫn của các tác giả để giới thiệu cùng bạn đọc với tựa đề Chu Cẩm Phong-Nhà văn anh hùng.

TRẦN TRUNG SÁNG

Em ơi! Anh đã từng nằm trên gò giữa cửa sông Thu Bồn hứng gió lộng Cửa Đại, bên những người du kích chài lưới nhiều lần đánh đắm ca nô Pháp, hải thuyền Mỹ trên cửa sông mênh mông đó, bầu trời sao rực rỡ, lồng lộng trên đầu, nghe họ kể những kỳ tích và ăn những con cá mặn thơm lừng. Anh yêu em như yêu con sông Thu Bồn thơ mộng, như yêu bầu trời sao rực rỡ, lồng lộng trên đầu, nghe họ kể những kỳ tích và ăn những con cá mặn thơm lừng. Anh yêu em như yêu con sông Thu Bồn thơ mộng, như yêu bầu trời sao tháng 5 ấy, như yêu cuộc chiến đấu mênh mông những kỳ tích ngày nay, như yêu quê hương của chúng ta.

Em có thể không tin nhiều thứ trên đời này, nhưng với tình yêu của anh đối với Em, thì xin Em đừng một chút nghi ngờ (Ngày thứ ba 23.2.71/Chu Cẩm Phong-Trích “Nhật ký chiến tranh" của nhà văn Chu Cẩm Phong).