TƯ VẤN PHÁP LUẬT:

Chủ đầu tư không thực hiện hợp đồng, nhà đầu tư nước ngoài phải làm gì?

Thứ tư, 22/05/2024 14:27
*Bạn đọc hỏi: ông Andrew, quốc tịch Anh, hỏi: Năm 2020, tôi có đến Đà Nẵng du lịch. Sau một thời gian ở đây, tôi thấy thích nên muốn đầu tư một căn biệt thự để có thể làm việc và sinh sống lâu dài. Cuối năm 2020, tôi và Công ty Cổ phần X. có trụ sở ở Đà Nẵng ký Hợp đồng thuê biệt thự dài hạn tại Dự án Khu nghỉ dưỡng và Biệt thự cao cấp của Công ty X. Sau đó, do không có nhu cầu nữa, tôi đã ký Thỏa thuận chương trình cho thuê căn biệt thự này với Công ty X. Theo Hợp đồng thuê biệt thự dài hạn, tôi đã thanh toán tổng số tiền thuê là gần 9 tỷ; đổi lại, theo Thỏa thuận chương trình cho thuê, tôi sẽ được hưởng các lợi ích: lợi nhuận cố định mà Công ty X. sẽ thanh toán cho tôi hằng năm, lợi nhuận theo doanh thu chung của toàn bộ Dự án, tiền thuê biệt thự. Tôi đã thực hiện đầy nghĩa vụ thanh toán của mình theo Hợp đồng và Thỏa thuận.Tuy nhiên, về phía Công ty X., từ khi nhận bàn giao biệt thự cho đến nay đã 4 năm, Công ty X. chưa một lần thanh toán bất cứ khoản nào cho tôi theo Hợp đồng và Thỏa thuận nêu trên mặc dù tôi đã nhiều lần yêu cầu. Cho tôi hỏi, tôi cần làm gì để yêu cầu Công ty X. thực hiện nghĩa vụtheo các văn bản đã giao kết?
Luật sư Phan Thụy Khanh.
Luật sư Phan Thụy Khanh.

*Luật sư Phan Thụy Khanh, Phó Trưởng Văn phòng Luật sư Phong & Partners - Trưởng chi nhánh Sơn Trà, trả lời:

Hiện nay không hiếm trường hợp người nước ngoài đến Việt Nam đầu tư vào các căn biệt thự trong các Dự án nhà ở thương mại của các công ty kinh doanh bất động sản, nhất là tại các thành phố du lịch phát triển như Đà Nẵng. Nhiều nhà đầu tư xem đây là mô hình đầu tư, kinh doanh trực tiếp, đơn giản, không đòi hỏi nhiều về thủ tục pháp lý đối với nhà đầu tư nước ngoài nhưng lại có tỷ lệ sinh lời hấp dẫn, thời gian thu hồi vốn nhanh.

Tuy nhiên khi quyết định đầu tư, nhiều người nước ngoài lại chưa tìm hiểu kỹ về tính pháp lý của dự án, về chủ dự án và bản chất của các mô hình đầu tư này; do đó rất dễ gặp phải các tranh chấp đến từ việc chủ đầu tư không tuân thủ các thỏa thuận đã giao kết giữa hai bên. Đồng thời, khi tranh chấp xảy ra, lợi dụng sự trở ngại về khoảng cách địa lý, ngôn ngữ và sự khó khăn trong việc tiếp cận các trình tự thủ tục tố tụng của các nhà đầu tư nước ngoài, nhiều công ty bất động sản đã viện nhiều lý do để cố tình kéo dài tiến trình giải quyết, chiếm dụng vốn của nhà đầu tư, gây khó khăn cho việc giải quyết tranh chấp, thậm chí ảnh hưởng đến hình ảnh môi trường đầu tư của địa phương trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.

Trong trường hợp của ông Andrew, ông có thể lựa chọn một hoặc nhiều giải pháp nhằm bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của mình, có thể là thương lượng với Công ty X. hoặc khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc Công ty X. thực hiện các nghĩa vụ theo Hợp đồng và Thỏa thuận đã giao kết, có thể yêu cầu các cơ quan báo chí can thiệp. Đối với bất cứ phương án nào, ông Andrew cũng cần có sự tìm hiểu, chuẩn bị đầy đủ về hồ sơ liên quan đến Hợp đồng, Thỏa thuận và việc thanh toán của ông cho Công ty X. cũng như thông tin liên quan đến Công ty X.

1. Chuẩn bị:

Trước khi tiến hành bất kỳ hành động chính thức nào, ông Andrew cũng cần phải nghiên cứu và kiểm tra kỹ một lần nữa các điều khoản trong Hợp đồng, Thỏa thuận đã ký; xác định và thống kê các khoản tiền mà ông Andrew sẽ yêu cầu Công ty X. thanh toán, bao gồm: lợi nhuận cố định, lợi nhuận theo doanh thu, tiền thuê biệt thự; và đặc biệt là khoản tiền lãi chậm thanh toán của các khoản tiền nêu trên theo quy định của pháp luật hoặc tiền phạt (nếu có).Ngoài ra, ông Andrew cũng cần có sựthu thập đầy đủ thông tin về tính pháp lý của dự án và biệt thự này, về chủDự án – Công ty X., về tiến độ dự án, về thông tin giao dịch trên thị trường của Công ty X, v.v…

2. Thương lượng:

Ông Andrew có thể cân nhắc việc tiếp tục thương lượng với Công ty X., nhưng với một phương thức chính thức và cứng rắn hơn, cụ thể: gửi công văn đề nghị Công ty X. giải quyết quyền lợi theo Hợp đồng, Thỏa thuận đã ký trong một thời hạn nhất định.Trường hợp Công ty X. không phản hồi, không có phương án giải quyết thì xem như Công ty X. đã không có thiện chí thương lượng, ông Andrew có thể tiến hành các bước tiếp theo.

3. Khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền:

Trường hợp Công ty X. không có thiện chí thương lượng, không đưa ra phương án để giải quyết quyền lợi theo Hợp đồng, Thỏa thuận đã ký, ông Andrew có thể khởi kiện Công ty X. tại Tòa án có thẩm quyền, yêu cầu buộc Công ty X. có trách nhiệm thanh toán các khoản tiền đã đến hạn, tiền lãi chậm thanh toán theo quy định pháp luật và tiền phạt (nếu có).

4. Thi hành án/Yêu cầu tuyên bố phá sản:

Trong trường hợp Quyết định/Bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mà Công ty X. không tự nguyện thi hành, ông Andrew có quyền yêu cầu cơ quan Thi hành án thi hành bản án.Ngoài ra, căn cứ quy định của pháp luật, đối với những khoản nợ đã quá hạn 3 tháng và không tranh chấp, ông Andrew – trong vai trò là chủ nợ – cũng có thể thông báo cho Công ty X. về việc sẽ gửi đơn đến Tòa án có thẩm quyền yêu cầu thực hiện thủ tục tuyên bố phá sản đối với Công ty X. Một khi bị tuyên bố phá sản, ngoài nghĩa vụ trả nợ, Công ty X. cũng như chủ sở hữu Công ty còn phải đối mặt với các hậu quả pháp lý nặng nề. Khi đó, Công ty X. sẽ phải đánh giá và cân nhắc rất kỹ để dàn xếp giải quyết quyền lợi cho các nhà đầu tư trong giai đoạn thương lượng; tránh để tranh chấp đi xa, gây ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu và các dự án của công ty này.

Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn của Văn phòng Luật sư Phong & Partners. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3822678 - 0905.102425