GIỖ ĐẦU NHÀ VĂN TÔ HOÀI:

Chú Dế Mèn vẫn tung tăng trên cánh đồng văn chương Việt

Thứ hai, 20/07/2015 07:56

(Cadn.com.vn) - Sáng 18-7, Hội Nhà văn Hà Nội, Công ty Phương Nam và gia đình nhà văn Tô Hoài đã tổ chức "giỗ đầu" của nhà văn bằng một cuộc hội thảo khoa học với nhiều tham luận đánh giá về cuộc đời văn nghiệp của ông.

Nhà văn Tô Hoài giã từ trần thế ngày 6-7-2014, đã sống 94 tuổi đời và 74 tuổi nghề. Một năm sau ngày ông mất, nhiều tên tuổi văn, nghệ sĩ khác cũng đã lần lượt ra đi. Tại hội thảo đặc biệt này, dẫu đến hội trường Thư viện Hà Nội sáng hôm ấy toàn những mái đầu bạc, thì những nhà văn thế hệ ông, ít hơn ông một vài chục tuổi hầu như chỉ còn lại vài người. Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội Phạm Xuân Nguyên ngậm ngùi nhớ lại: "Vẫn biết đời người hữu hạn, dẫu sống bách niên thì ai cũng phải lìa trần, nhưng một năm trước, khi nhận tin buồn về nhà văn Tô Hoài, đồng nghiệp văn giới cũng như đông đảo người đọc văn chương đều không khỏi bất ngờ. Vì bao lâu nay, tên ông đã đồng hành cùng văn chương Việt, từ thập niên bốn mươi của thế kỷ XX, vắt qua gần 15 năm đầu thế kỷ XXI. Vì chú Dế Mèn ông thả ra cánh đồng văn chương Việt Nam hơn 70 năm qua vẫn chạy tung tăng... Vì ở tuổi bát thập ông vẫn viết những câu chuyện của đời sống hiện tại... Vì tuổi cao dường như càng làm ông nhớ lại rõ hơn những chuyện của ngày qua...".

 

Đánh giá về cuộc đời văn nghiệp của Tô Hoài, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên nhận xét: "Có thể nói, không một nhà văn nào ở nước ta viết được nhiều như ông trên các thể loại, đề tài, vùng miền. Không nhà văn nào sánh được với ông về mặt tác phẩm đem lại cho người đọc sự hiểu biết đời sống thực tế, cụ thể, chi tiết. Tô Hoài là một nhà văn lớn của văn học Việt Nam hiện đại sống bằng văn, sống viết văn, viết đều đặn, bền bỉ, đủ thể loại, đủ đề tài...".

Nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn đánh giá, so với các cây bút đương thời, nhà văn Tô Hoài có lẽ là nhà văn giàu chất chuyên nghiệp bậc nhất. Sống đến đâu viết đến đấy. Một nét đặc biệt cũng thấy rõ trong đời viết văn của Tô Hoài là ngoài nghề viết, ở ông luôn có một cuộc sống khác, cuộc sống người cán bộ chính trị, hoặc nhìn rộng ra, cuộc sống nhà hoạt động xã hội. Nhà văn  Tô Hoài thực sự là một nhân chứng lớn của lịch sử, viết trực diện về con người xã hội, con người văn học, ông như một cây cổ thụ văn học, phủ bóng rợp lên nhiều thế hệ nhà văn Việt Nam sau ông.

Hành trang của ông có lẽ nặng hơn, với 95 năm cuộc đời ở trần gian, với những đắng cay ngọt bùi cùng thời cuộc. Trong đó, "Dế Mèn phiêu lưu ký" (viết năm 1941) là khoảng xanh tươi nhất, trong sáng nhất của ông. Nhưng rất nhiều thế hệ người đọc cũng sẽ không quên những O Chuột, Xóm giếng, Nhà nghèo... Cũng sẽ không quên đôi mắt cô Mỵ, cái dáng lầm lũi của cô trong Vợ chồng A Phủ. Nhiều tác phẩm của Tô Hoài đã được đưa vào chương trình văn học trong nhà trường. Và nhắc đến Tô Hoài, các em nhỏ - dù thờ ơ với văn chương đến mấy cũng đều ồ lên vì biết rằng đó là người đã sinh ra cậu "Dế Mèn tinh nghịch", đáng yêu cho tuổi thơ của mình...

Tại Hội thảo, các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học Nguyễn Xuân Khánh, Vũ Quần Phương, Lại Nguyên Ân, Trần Chiến, Nguyễn Việt Chiến, Đỗ Ngọc Yên, Bùi Việt Thắng, Lê Phương Liên, Nguyễn Sĩ Đại... đã đưa ra nhiều góc nhìn, kể nhiều câu chuyện về nhà văn Tô Hoài. Buổi Hội thảo tập trung nhìn lại cuộc đời văn nghiệp của ông, mảng sáng tác cho thiếu nhi và đặc biệt là phần hồi ký của ông. Gần 20 bản tham luận của các nhà văn, nhà phê bình văn học trình bày tại Hội thảo đã cùng nhìn lại gần một thế kỷ đời sống và sáng tác của nhà văn thuộc hàng tiêu biểu để từ đó, soi chiếu phần nào đời sống văn học nước nhà trong thế kỷ XX. Các tham luận đa chiều, vừa có cái nhìn tổng thể, vừa nhiều chi tiết đáng nhớ, tập hợp lại thành một tư liệu quý cho những ai yêu mến nhà văn Tô Hoài.

Minh Nhật