Chủ động phòng, chống dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng

Thứ năm, 10/09/2015 10:10

(Cadn.com.vn) - Trước tình hình dịch sốt xuất huyết (SXH) và tay chân miệng (TCM) đang có dấu hiệu gia tăng mạnh và dự báo diễn biến phức tạp trong thời gian đến, sáng 9-9, Sở Y tế thành phố Đà Nẵng họp khẩn với các đơn vị, cơ sở liên quan nhằm triển khai biện pháp phòng chống dịch bệnh một cách hiệu quả và kịp thời nhất. Thạc sỹ, bác sỹ Ngô Thị Kim Yến – Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng chủ trì cuộc họp.

Thạc sỹ, bác sỹ Ngô Thị Kim Yến – Giám đốc Sở Y tế TP phát biểu chỉ đạo cuộc họp. 

DỊCH BỆNH CÓ DẤU HIỆU TĂNG NHANH

Từ đầu năm 2015 đến nay,  toàn TP Đà Nẵng ghi nhận 1.333 trường hợp mắc TCM (tăng 65% so với cùng kỳ năm 2014), không có trường hợp tử vong. Hiện tại đang vào đợt đỉnh dịch thứ 2 trong năm (từ tháng 9 đến tháng 11) nên số ca mắc TCM tiếp tục có dấu hiệu tăng cao.

Trong 8 tháng năm 2015, toàn TP chỉ có 138 trường hợp mắc SXH tại 42/56 xã, phường (giảm 25,81% so với cùng kỳ năm 2014), không có trường hợp tử vong. Tuy nhiên, bắt đầu từ giữa tháng 8 đến nay, số ca mắc SXH đang có dấu hiệu gia tăng mạnh, ổ dịch nhỏ đang có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp. Các phường Hòa Khánh Bắc, Hòa Khánh Nam (Q. Liên Chiểu), Khuê Trung (Q. Cẩm Lệ) có nguy cơ bùng phát thành dịch SXH trong thời gian đến.

Theo bác sỹ Tôn Thất Thạnh – Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố (TTYTDPTP), sở dĩ dịch bệnh đang có xu hướng gia tăng là do hiện tại đang vào đỉnh thứ 2 trong năm của bệnh TCM và bắt đầu bước vào mùa mưa. Bên cạnh đó, những địa phương thuộc diện giải tỏa, tái định cư có nhiều khu đất trống chứa vật liệu phế thải nên khó khăn trong công tác phòng chống SXH. Một bộ phận người dân chưa tự giác thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường trong phòng chống dịch bệnh, chưa tích cực tham gia các hoạt động phòng chống dịch tại địa phương. Ngoài ra, một số địa phương chưa thật sự quan tâm chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng chống dịch mặc dù tình hình dịch bệnh tại địa phương đang có xu hướng diễn biến phức tạp…

Trước tình hình dịch bệnh có xu hướng diễn biến phức tạp, TTYTDPTP đã tiến hành điều tra, giám sát và xử lý ổ dịch nhỏ bệnh SXH tại P. Khuê Trung (Q. Cẩm Lệ) và P. Hòa Khánh Nam, Hòa Khánh Bắc (Q. Liên Chiểu). Đồng thời, tiến hành giám sát chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy triển khai tại P. Hòa Minh (Q. Liên Chiểu); điều tra ổ bọ gậy nguồn tại các phường điểm SXH. Ngoài ra, TTYTDPTP đã tổ chức điều tra sự biến động véc tơ SXH tại P. Vĩnh Trung (Q. Thanh Khê) và chuẩn bị đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, vật tư, hóa chất sẵn sàng đáp ứng chống dịch TCM, SXH và các dịch bệnh khác trên địa bàn TP… 

TTYTDPTP phối hợp với các ban, ngành, địa phương ra quân xóa bỏ các vật dụng chứa bọ gậy, lăng quăng.

CHỦ ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG 

Để chủ động triển khai kịp thời và có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn TP thời gian đến, bác sỹ Tôn Thất Thạnh cho rằng, UBND các quận, huyện cần tăng cường công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh tại địa phương; huy động các ban, ngành, đoàn thể và người dân tích cực tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy phòng chống SXH; thường xuyên kiểm tra vệ sinh tại các trường học, nhóm trẻ gia đình trên địa bàn quản lý để phòng, chống bệnh TCM…

Bên cạnh đó, Trung tâm y tế quận, huyện cần phối hợp với Phòng Y tế quận, huyện tham mưu UBND quận, huyện chỉ đạo triển khai các chiến dịch vệ sinh môi trường; tăng cường công tác kiểm tra hoạt động phòng chống SXH và TCM; thực hiện nghiêm túc về công tác điều tra, giám sát, ghi nhận, báo cáo ca bệnh, xử lý theo đúng quy trình hướng dẫn…  

Phát biểu kết luận cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế Ngô Thị Kim Yến đề nghị các đơn vị trực thuộc ngành Y tế cần phối hợp với các ban, ngành, địa phương liên quan chủ động, tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, nhất là bệnh TCM, SXH và Mers-CoV. Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh, dự phòng và điều trị là những vấn đề được đưa lên hàng đầu trong công tác phòng chống dịch nên các đơn vị liên quan, cơ sở khám chữa bệnh phải luôn luôn trong trạng thái sẵn sàng và có sự chuẩn bị đầy đủ về nhân lực, cơ số thuốc, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang phục bảo hộ, trang thiết bị cần thiết nhằm sẵn sàng đáp ứng tốt nhất cho công tác phòng, chống dịch, không để dịch bệnh lây lan trong diện rộng cũng như diễn biến phức tạp. Ngoài ra, các TTYT cần bố trí kinh phí để tiến hành vẽ sơ đồ tổ dân phố nhằm thuận lợi hơn trong công tác kiểm tra, giám sát, phòng chống dịch bệnh…

Lê Hùng