Chủ động "rời ghế"

Thứ hai, 28/11/2022 21:24
Từ khi Bộ Chính trị có Thông báo số 20-TB/TW, câu chuyện “rời ghế” của cán bộ lãnh đạo sau khi bị kỷ luật đã không còn lạ lẫm, mở đường cho văn hóa từ chức trong hệ thống chính trị.
Chú thích ảnh

Không lâu sau khi Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng ký ban hành Thông báo kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật (Thông báo số 20-TB/TW ngày 8/9/2022), tại Hội nghị Trung ương 6 từ 3 - 9/10/2022, lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương đã tiến hành xem xét, quyết định để cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII theo chủ trương của Bộ Chính trị tại Quy định số 41-QĐ/TW, ngày 03/11/2021 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ và Thông báo số 20-TB/TW đối với các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng Nguyễn Thành Phong, Huỳnh Tấn Việt, Bùi Nhật Quang.

Có thể nói sự gương mẫu đi đầu ở cấp Trung ương đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ về các địa phương. Mới cuối tuần trước, ngày 25/11, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã thống nhất cho ông Phạm Văn Thành, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thôi tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 theo nguyện vọng cá nhân. Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Đảng đoàn HĐND tỉnh, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quy trình miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh đối với ông Phạm Văn Thành theo quy định. Lý do là ngày 20/9/2022, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã ký Quyết định 1104/QĐ-TTg thi hành kỷ luật bằng hình thức Cảnh cáo đối với ông Phạm Văn Thành do đã có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác. Trước đó, ngày 26/8, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã quyết định thi hành kỷ luật ông Phạm Văn Thành bằng hình thức Cảnh cáo do trong thời gian đảm nhiệm cương vị Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Đông Triều đã có vi phạm, khuyết điểm và chịu trách nhiệm người đứng đầu liên quan vi phạm của Ban Thường vụ Thị ủy, UBND thị xã Đông Triều trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện phòng, chống dịch COVID-19, cũng như thực hiện đấu thầu, mua sắm bộ sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á.

Còn ở tỉnh Bình Thuận và Phú Yên, hai cán bộ lãnh đạo đứng đầu UBND của hai tỉnh cũng vừa mới bị HĐND cùng cấp miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2021 – 2026. HĐND tỉnh Bình Thuận đã miễn nhiệm chức vụ đối với ông Lê Tuấn Phong. HĐND tỉnh Phú Yên miễn nhiệm chức vụ đối với ông Trần Hữu Thế. Trước đó, cả hai đồng chí chủ tịch UBND tỉnh này đều bị Thủ tướng Chính phủ quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức Cảnh cáo và Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật về đảng.

Những quyết định miễn nhiệm trên đã thực hiện đúng chủ trương của Đảng là kịp thời thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm, thực hiện phương châm "có vào, có ra, có lên, có xuống" trong công tác cán bộ, đồng thời tạo điều kiện cho cán bộ bị kỷ luật có cơ hội sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, tiếp tục phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện; góp phần tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng và chế độ.

Trong Thông báo số 20-TB/TW, Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh: Khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức. Nếu không tự nguyện xin từ chức thì cấp có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm theo quy định.

Thế nhưng, nhìn lại một số trường hợp bị miễn nhiệm ở trên, vẫn chưa thấy xuất hiện thông tin về lá đơn “từ chức” từ bản thân cán bộ bị kỷ luật. Hoặc có thể hai chữ “từ chức” vẫn là điều gì đó nhạy cảm không muốn nhắc đến dù nội hàm nguyện vọng cá nhân đã là như vậy. Như trong một bài bình luận cũng trên chuyên mục này, chúng tôi cũng đã nhận định, từ chức khi năng lực và uy tín giảm sút thực sự là vấn đề trách nhiệm, là cần thiết, trước khi nó có thể trở thành văn hóa. Và ở một góc độ nào đó, nên hiểu từ chức không có nghĩa là mất đi, mà ngược lại, là cho đi - cho đi cơ hội, cho đi niềm tin gửi gắm - và giữ lại cho mình điều trân quý: danh dự.

Một điểm đáng chú ý nữa là Đảng cũng có quy định tạo cơ hội để sửa sai cho cán bộ đã bị kỷ luật mà vẫn còn đủ thời gian công tác. Đó là cán bộ sau khi bị kỷ luật tự nguyện xin từ chức thì được cấp có thẩm quyền căn cứ tình hình thực tế tại cơ quan, đơn vị, địa phương xem xét từng trường hợp cụ thể để bố trí công tác theo hướng giảm một cấp so với chức vụ khi bị kỷ luật. Sau 24 tháng công tác ở vị trí mới, nếu khắc phục tốt những sai phạm, khuyết điểm, được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện thì được cấp có thẩm quyền xem xét quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử lại chức danh đã đảm nhiệm hoặc tương đương.

Như vậy, có thể thấy rằng việc từ chức lại là cách “hạ cánh an toàn” nhất với các cán bộ bị kỷ luật chưa đến mức cách chức, vừa trong danh dự lại vẫn còn đó những cơ hội phấn đấu.

Theo Báo Tin tức