Chủ động tìm đến người học

Thứ năm, 05/05/2016 09:29

(Cadn.com.vn) - Trong khi không ít trường dạy nghề của cả nước đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong khâu tuyển sinh, thì trường Trung cấp Nghề Đăk Nông năm nào cũng đạt chỉ tiêu. Với hướng đào tạo theo địa chỉ, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động tại địa phương, chủ động tìm đến người học để làm tốt công tác phân luồng ngay sau THCS..., trường Trung cấp Nghề Đăk Nông đã, đang từng bước khẳng định mình trong xu thế cạnh tranh khốc liệt.

Chủ động phân luồng sau THCS

Học hết lớp 9 THCS, Y Đuin (19 tuổi, trú Đăk Gần, Đăk Min, Đăk Nông) quyết định đăng ký vào học khoa Cơ khí tin học, ngành cắt gọt kim loại tại Trường Trung cấp Nghề Đăk Nông. Năm nay, em đang theo học năm cuối. Khi được hỏi vì sao không học lên THPT mà chuyển sang học nghề, Y Đuin tươi cười cho biết: “Thấy một số anh chị trong buôn không học lên THPT mà chuyển sang học nghề, ra trường đều có việc làm, nên khi đang theo học năm cuối bậc THCS, được thầy cô ở trường xuống tận nơi tư vấn, em quyết định đăng ký học nghề. Một phần vì hoàn cảnh kinh tế gia đình không cho phép, một phần em cũng thích học nghề.

Vào đây học, em được hỗ trợ nhiều chính sách, trong đó có việc hỗ trợ tiền ăn với số tiền trên 800.000 đồng/tháng, được ở KTX miễn phí. Đến giờ, em thấy quyết định của mình hoàn toàn sáng suốt. Thà học nghề khi ra trường có việc làm ổn định, hơn là học lên đại học nhưng ra trường lại không có việc làm”. Y Đuin cho biết thêm, điều khiến em cảm thấy thích thú khi theo học tại Trường Trung cấp Nghề Đăk Nông chính là cách dạy dễ hiểu, được thực hành ngay sau khi học lý thuyết, được đi thực tập thực tế tại các doanh nghiệp (DN).

Đấy không phải là suy nghĩ của riêng Y Đuin mà còn là của rất nhiều HS đang theo học tại ngôi trường này. Qua tìm hiểu, tôi phần nào hiểu được vì sao trong điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn nhưng nhà trường vẫn thu hút được nhiều HS, học viên vào học. Không ngồi yên chờ HS tìm đến mình, hàng năm, nhà trường đã chủ động cử đội ngũ cán bộ xuống tận các xã, phường, buôn, bon để tư vấn tuyển sinh, hướng dẫn phân luồng HS ngay sau THCS. Theo đó, phần lớn HS đang theo học tại đây đều được phân luồng ngay sau THCS. Từ năm học 2015 trở lại đây, nhà trường có tổ chức đào tạo hệ bổ túc văn hóa. Một điều đáng mừng, ngoài HS là con em đóng trên địa bàn tỉnh, nhà trường còn tiếp nhận HS vùng giáp ranh thuộc tỉnh Bình Phước vào đây học nghề. Trong quá trình tư vấn tuyển sinh, để nắm bắt năng lực của từng HS, nhà trường tổ chức cho các em làm bài test. Trên cơ sở đó hướng các em chọn và đăng ký ngành nghề phù hợp với năng lực, sở trường của mình.

Với phương châm “lấy hộ gia đình có con em đang học THCS, THPT là đối tượng tuyển sinh”, xây dựng ngân hàng dữ liệu về thông tin tư vấn, tuyển sinh, nhà trường đã từng bước thành công trong việc quảng bá, xây dựng hình ảnh của trường đến với người học. Kèm theo là một số cơ chế, chính sách ưu tiên dành cho người học. Theo đó, trừ đối tượng học nghề nằm trong diện được miễn giảm theo quy định của Nhà nước, nhà trường còn có chính sách miễn giảm 50% học phí đối với HS phân luồng sau THCS; miễn 100% học phí đối với HS được tuyển thẳng...

HS lớp Điện Công nghiệp K2013 thực hành Mô đun Trang bị điện. Ảnh: X.C

Đào tạo theo địa chỉ

Xác định việc giải quyết đầu ra là một trong những điều kiện tiên quyết để người học tìm đến trường, trong quá trình đào tạo nghề, nhà trường đã chủ động liên hệ với các DN để cho HS vào thực tập, thực hành và tìm đầu ra cho HS-SV. Với gần 80% HS-SV sau khi ra trường có việc làm ổn định, số còn lại tự tạo cho mình việc làm với ngành nghề đã được học, nhà trường đã từng bước tạo dựng uy tín trong xu thế xã hội đua nhau học lên đại học.

 Để tránh hiện tượng “cung” vượt “cầu”, nhà trường đã tập trung đào tạo các ngành nghề mà thị trường lao động tại địa phương đang cần như: điện công nghiệp, nghề cơ khí (hàn, cắt gọt kim loại, bảo vệ thực vật, thú y, khuyến nông lâm, may công nghiệp). Trong đó, ngành nghề thế mạnh của trường là điện công nghiệp và cơ khí. Những HS theo học các ngành nghề này khi ra trường đều có việc làm. Các ngành nghề khác, cơ hội tìm việc làm và tự tạo cho mình việc làm cũng rất tốt. “Thực tế, có em trong thời gian học nghề tại trường vẫn luyện ôn thi và đỗ ĐH, nhưng sau đó vẫn quay lại trường để học tiếp nghề. Trong xu thế cạnh tranh, nhằm đáp ứng nhu cầu nâng cao trình độ chuyên môn cho người học, nhà trường có chủ trương đào tạo liên thông từ trung cấp lên cao đẳng và đại học. Cụ thể, nhà trường ký kết hợp tác đào tạo với Trường ĐH Kỹ thuật TP HCM”, Phó Hiệu trưởng Nguyễn Quốc Hà cho biết.

Nhờ định hướng đúng, kể từ ngày thành lập đến nay, quy mô tuyển sinh của trường tăng theo từng năm. Cụ thể: Năm đầu tiên thành lập (2010-2011), trường chỉ có 48 HS. Đến năm học 2015-2016, số lượng HS đang theo học tại trường đạt 400 HS. Đó là chưa kể các lớp hệ sơ cấp, các lớp xã hội hóa, lái xe do trường tổ chức với số lượng học viên theo học từ năm 2010 đến 2016 đạt gần 2.500 học viên. Trong đó, đáng ghi nhận là sự chủ động nắm bắt nhu cầu thị trường để tổ chức liên kết mở 1 lớp trung cấp mầm non với 25 học viên, 4 lớp bảo mẫu với 128 học viên, 1 lớp vật lý trị liệu với 85 học viên...

Dù luôn đạt chỉ tiêu tuyển sinh đề ra, tuy nhiên, trong cơ chế cạnh tranh khốc liệt, BGH trường Trung cấp nghề Đăk Nông không chủ quan với những gì đã, đang có. Tự nhìn nhận vẫn còn nhiều hạn chế và những thách thức, khó khăn đang phải đối mặt ở phía trước, trong nhiệm kỳ 2016-2020, nhà trường đã đề ra 5 giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, trong đó chú trọng đến việc gắn kết giữa đào tạo theo địa chỉ và từ nhu cầu thực sự của xã hội; không ôm đồm, đào tạo tràn lan dẫn đến hiện tượng “cung vượt cầu”.

Phan Thủy