Chủ động ứng phó với các kịch bản thiên tai

Thứ ba, 02/08/2016 11:49

(Cadn.com.vn) - Q. Sơn Trà, TP Đà Nẵng có 3 mặt giáp biển và giáp sông, là địa phương thường xuyên chịu tác động của thiên tai, lụt bão. Nguy cơ sóng thần, sóng lớn và nước biển dâng, trượt, sạt lở đất núi (trên bán đảo Sơn Trà) cũng là những nỗi lo thường trực của chính quyền và người dân Sơn Trà mỗi khi mùa mưa bão tới. Chính vì thế, Sơn Trà đã chủ động xây dựng phương án ứng phó với các kịch bản thiên tai năm 2016.

Cũng do những đặc thù về địa lý nên hầu hết các khu dân cư và các cơ sở kinh tế chính trên địa bàn Sơn Trà đều nằm dọc theo ven sông, ven biển, nhất là các hoạt động khai thác, chế biến hải sản và dịch vụ hậu cần nghề biển. Theo ông Nguyễn Thành Nam, Phó Chủ tịch UBND Q. Sơn Trà, Phó trưởng Ban Thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) Q. Sơn Trà, hiện nay toàn quận có 1.072 tàu thuyền khai thác hải sản, trong đó 292 phương tiện từ 90CV trở lên, số phương tiện dưới 20CV là 510 chiếc. Đây là những đối tượng dễ bị tổn thương khi có thiên tai lụt bão xảy ra.

Ngư dân Đà Nẵng đưa thuyền vào bờ tránh bão.

Chỉ tính trong  những năm gần đây, Sơn Trà đã trực tiếp chịu ảnh hưởng của nhiều cơn bão lớn như: Xangsane năm 2006 làm 6 người chết, 103 người bị thương, hơn 4.000 nhà ở bị sập, tốc mái; gần 400 tàu thuyền bị chìm, hư hỏng; bão Ketsana năm 2009 làm 2 người chết, 7 người bị thương, hơn 800 nhà bị sập, tốc mái, hơn 60 tàu thuyền bị chìm, hư hỏng. Trong cơn bão Nari năm 2013, bão cấp 10, giật cấp 11 đổ bộ vào Đà Nẵng và Quảng Nam, Q. Sơn Trà có 1 người bị thương, hơn 900 nhà bị sập, tốc mái, 46 thuyền bị trôi mất, hư hỏng, thiệt hai gần 19 tỷ đồng.

 Nhận thức đúng tầm quan trọng của công tác PCTT&TKCN, hàng năm, lãnh đạo Q. Sơn Trà đều chỉ đạo xây dựng kế hoạch chủ động ngăn ngừa và giảm nhẹ rủi ro do thiên tai một cách nghiêm túc và cụ thể nhằm đảm bảo an toàn không chỉ cho người và tài sản trên đất liền mà còn cho cả người, phương tiện khai thác hải sản trên biển. Bên cạnh việc thành lập Ban chỉ huy PCTT&TKCN quận và tổ giúp việc để kịp thời theo dõi, chỉ đạo và xử lý các tình huống khi có thiên tai, lụt, bão, lãnh đạo UBND Q. Sơn Trà còn yêu cầu UBND các phường xây dựng các phương án  phòng chống thiên tai, phương án sơ tán nhân dân trên địa bàn một cách cụ thể theo từng cấp độ bão, phù hợp với tình hình thực tế và công tác phối hợp, hiệp đồng giữa các đơn vị trong những tình huống khẩn cấp.

Trước mỗi mùa mưa bão, UBND Q. Sơn Trà đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền cho các chủ tàu cá phải trang bị đầy đủ các trang thiết bị thông tin liên lạc, phao cứu sinh, sẵn sàng phòng tránh khi có thiên tai; triển khai phương án sắp xếp tàu thuyền trú bão tại âu thuyền Thọ Quang nhằm đảm bảo tối đa lượng phương tiện được neo đậu, trú tránh trong âu thuyền một cách an toàn.

Năm 2015, có 5 cơn bão và 2 áp thấp nhiệt đới, tuy nhiên tại TP Đà Nẵng nói chung, Q. Sơn Trà nói riêng không bị ảnh hưởng nhiều. Cơn bão số 3 có gió mạnh cấp 8, không đổ bộ trực tiếp vào Đà Nẵng. Lãnh đạo UBND quận, các phường và các ngành đã nhanh chóng, chủ động công tác ứng phó nên đã hạn chế thiệt hại, chỉ có 1 người bị thương khi chằng chống bảng hiệu; 14 tàu thuyền bị chìm do bão, thiệt hại 745 triệu đồng do các chủ tàu cá chủ quan, chậm di chuyển đến vị trí neo đậu.

 Bước vào mùa mưa bão năm 2016, mặc dù chưa có cơn bão, áp thấp nhiệt đới nào trực tiếp ảnh hưởng đến TP Đà Nẵng nhưng hiện UBND và Ban chỉ huy PCTT&TKCN Q. Sơn Trà đã chủ động xây dựng các phương án phòng chống, giảm nhẹ hậu quả do thiên tai gây ra. UBND quận đã dự phòng các kịch bản về cường độ bão và các biện pháp ứng phó trong từng trường hợp như: Bão cấp 8 đến cấp 11; bão mạnh, đặc biệt mạnh, siêu bão; sóng thần. Với mỗi kịch bản đều có các phương án cụ thể cho công tác thông tin, truyền thông; phương án ứng phó để bảo vệ cho người và tài sản; phương án đảm bảo ATGT, chốt chặn, đảm bảo ANTT, bảo vệ tài sản trước, trong và sau thiên tai; phương án đảm bảo lương thực, nước uống, y tế; thực hiện phương châm “4 tại chỗ”; phương án đảm bảo vệ sinh môi trường nơi tập trung đông nhân dân sơ tán; thông đường sau thiên tai; tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, cứu sập; sơ tán nhân dân, khắc phục hậu quả; tổ chức lại cuộc sống của người dân trong trường hợp siêu bão...

UBND Q. Sơn Trà cũng lập danh sách các đơn vị hiệp đồng trong công tác phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai, trong đó có phân công số lượng người, phương tiện hỗ trợ, khu vực đảm nhiệm, người chịu trách nhiệm tổ chức chỉ huy; tổng hợp lực lượng, phương tiện tham gia phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai; tổng hợp danh sách công trình sử dụng làm nơi tập kết sơ tán dân trong trường hợp có bão; bố trí khu vực cần sơ tán dân, số lượng người, địa điểm sơ tán cụ thể từng hộ, khẩu, công nhân, sinh viên. UBND quận chỉ đạo các phường hướng dẫn ngư dân các vị trí neo đậu tàu thuyền tập trung là: Âu thuyền Thọ Quang và 3 điểm khác dọc ven biển các phường Thọ Quang, Mân Thái, Phước Mỹ để trong trường hợp xảy ra bão lụt, các tàu thuyền có chỗ neo tránh an toàn, giảm nhẹ thiệt hại.

Rút kinh nghiệm từ thực tế trong công tác phòng chống thiên tai những năm trước và việc chuẩn bị kỹ các phương án ứng phó với các kịch bản thiên tai năm 2016, hy vọng công tác PCTT&TKCN của Q. Sơn Trà sẽ phát huy hiệu quả, giảm nhẹ những tổn thất do thiên tai gây ra.

K.T