Chủ quan, tắc trách và yếu kém...

Thứ tư, 16/03/2016 07:46

(Cadn.com.vn) - Ngày hôm qua, nhiều báo đưa tin về trường hợp em Lê Thị Hà Vi (học sinh lớp 10, 15 tuổi) bị cưa chân "do các y, bác sĩ chủ quan, tắc trách và yếu kém về chuyên môn của kíp trực".

Điều thừa nhận này được Báo Tuổi trẻ dẫn lời từ bác sĩ Nguyễn Văn Tâm - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa H. Cư Kuin (Đắc Lắc). Được biết, trước đó ngày 6-3, Vi bị TNGT và được đưa vào Bệnh viện Cư Kuin. Tại đây, chẩn đoán nạn nhân bị gãy mâm chày nên các bác sĩ cho bó bột. Tuy nhiên bệnh nhân liên tục kêu đau nhưng các bác sĩ không đồng ý tháo bột kiểm tra. Tình hình bệnh nhân không tiến triển tốt sau đó. Đến ngày 10-3, khi phó giám đốc bệnh viện chỉ đạo cưa bột ra thì chân Vi đã sưng to và đầy những bọng nước lớn. Thấy tình hình không ổn, gia đình Vi xin chuyển viện nhưng không được đồng ý. Ngày 11-3, gia đình cương quyết chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắc Lắc. Tại bệnh viện này, các bác sĩ chẩn đoán chân Vi đã bị hoại tử và chuyển đi Bệnh viện Chợ Rẫy. Tại đây, các bác sĩ đã phải cắt bỏ chân ngay để giữ tính mạng cho bệnh nhân.

Nhiều lần lặng nhìn hình ảnh cháu Vi với đôi mắt thật buồn, thân hình gầy guộc, chân phải bị cắt ngang gối mà xót xa quá đỗi. Tính mệnh con người là trên hết, điều đó đúng rồi. Nhưng trong trường hợp này, chuỗi ngày còn lại dằng dặc mang thương tật vĩnh viễn đối với một cháu gái, chắc chắn nỗi đau và sự chịu đựng của cháu và gia đình cũng không hề nhẹ nhàng hơn sự mất mát đâu!

Tôi nhiều lần tự hỏi: các y bác sĩ xử lý ca TNGT này khi xem hình ảnh cháu Vi không còn lành lặn, họ sẽ nghĩ gì? Chắc chắn họ sẽ dằn vặt nhiều nhưng điều đó đã muộn bởi không thể trả lại hình hài nguyên vẹn cho cháu. Trong đời ai cũng có sai lầm khuyết điểm, bác sĩ cũng không ngoại lệ. Nhưng vì chủ quan, tắc trách, yếu kém về chuyên môn  dẫn đến việc cháu gái tuổi trăng rằm với bao khát khao hoài bão cho tương lai phải cưa mất một chân thì không ai có thể cảm thông. Thử hỏi: nếu người thân của bác sĩ lâm vào hoàn cảnh ấy - một hoàn cảnh mà hậu quả nghiêm trọng của nó tuyệt nhiên không phải bắt đầu từ sự bất lực của y học trước bệnh nan y, mà chỉ do sự tắc trách thì họ sẽ phản ứng ra sao?

Ai cũng biết trong nghề y có bệnh cứu chữa được, có bệnh không cứu được. Rất nhiều bác sĩ dồn hết tâm huyết để cứu chữa bệnh nhân, nhưng y khoa luôn có giới hạn của nó. Nền y học dẫu đã có những bước tiến vượt bậc nhưng chưa thể điều trị hữu hiệu cho tất cả các bệnh lý. Chúng ta cũng được biết nhiều y bác sĩ tự nguyện hiến máu mình để cứu bệnh nhân, có những tập thể y bác sĩ trong nhiều tháng liền bớt tiền lương để cứu chữa bệnh nhân vô gia cư  hoặc chưa rõ lai lịch, thân nhân... Xã hội luôn ghi nhận và tri ân những nghĩa cử cao đẹp ấy. Tuy nhiên, với trường hợp cháu Vi, những ai được biết đến đều không kìm nén được sự bức xúc, cho dù đây là sự cố hy hữu và cá biệt.

Với ý nghĩa đó, theo chúng tôi ngành Y tế tỉnh Đắc Lắc cần phải nhanh chóng điều tra làm rõ sự việc này để có cách xử lý thật công tâm, đúng mức. Sự xuê xoa hoặc bao che trong trường hợp này là không thể chấp nhận được vì nó sẽ là mầm mống của những hậu quả đau lòng khác sẽ xảy ra xuất phát từ nguyên nhân  chủ quan, tắc trách và yếu kém về chuyên môn của bác sĩ...

Nguyễn Đức Nam