Chủ tịch Hạ viện Mỹ bị phế truất

Thứ năm, 05/10/2023 08:20
Hạ viện Mỹ ngày 3-10 bỏ phiếu với tỷ lệ 216 ủng hộ, 210 phản đối, quyết định bãi nhiệm Chủ tịch Kevin McCarthy trong bối cảnh rối loạn nội bộ giữa các thành viên đảng Cộng hòa đã khiến Quốc hội Mỹ lún sâu vào tình trạng hỗn loạn, chỉ vài ngày sau khi ngăn chặn được việc chính phủ liên bang phải đóng cửa chỉ vài giờ trước thời hạn chót.

Lần đầu tiên trong lịch sử

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Hạ viện Mỹ loại bỏ nhà lãnh đạo của mình, được thúc đẩy bởi một nhóm tương đối nhỏ các đảng viên Cộng hòa cánh hữu do Hạ Nghị sĩ Matt Gaetz thuộc đảng Cộng hòa, đi đầu. Ông Gaetz và các Hạ Nghị sĩ Cộng hòa cực hữu khác đã bày tỏ tức giận vì ông McCarthy hôm 30-9 đã dựa vào phiếu bầu của đảng Dân chủ để thông qua nghị quyết gia hạn tài trợ tạm thời cho chính phủ tiếp tục hoạt động thêm 45 ngày, tới 17-11.

Đảng Cộng hòa đang kiểm soát Hạ viện với đa số sít sao 221-212 và chỉ cần có 5 người "nổi loạn" là có thể đe dọa quyền lực của ông McCarthy trong trường hợp tất cả các đảng viên Dân chủ cùng bỏ phiếu phế truất. Điều đó đã xảy ra khi tại cuộc bỏ phiếu trên, 8 đảng viên Cộng hòa cùng với 208 đảng viên Dân chủ đã bỏ phiếu để loại bỏ ông McCarthy khỏi chức vụ.

Hồi đầu năm, bản thân ông McCarthy đã phải trải qua 15 vòng bỏ phiếu trong nhiều ngày, trước khi nhận được sự ủng hộ từ đa số các Hạ Nghị sĩ trong đảng. Để ngồi vào ghế Chủ tịch Hạ viện Mỹ vào tháng 1, ông McCarthy đã phải xuống nước trước một nhóm nghị sĩ cứng rắn cùng thuộc đảng Cộng hòa. Cụ thể, ông đồng ý với việc cho phép mọi nghị sĩ có quyền yêu cầu Hạ viện bỏ phiếu bãi nhiệm chủ tịch.

Trong 9 tháng qua, ông McCarthy đã cố gắng bám trụ bằng nhiều lần thỏa hiệp với nhóm nghị sĩ cực hữu trong nội bộ đảng Cộng hòa. Ông đồng ý mở cuộc điều tra luận tội Tổng thống Joe Biden. Ông cũng rút khỏi thỏa thuận chi tiêu nâng trần nợ đã nhất trí với đảng Dân chủ hồi đầu năm. Ông đã để nhóm nghị sĩ bảo thủ đưa các điều khoản theo thiên hướng cánh hữu vào dự luật chi tiêu và những dự luật khác. Mọi nỗ lực của ông cuối cùng đều vô ích. Khi Chủ tịch Hạ viện McCarthy phải nhờ đến đảng Dân chủ vào cuối tuần trước để thông qua luật tạm thời ngăn chính phủ Mỹ đóng cửa, số phận của ông đã được định đoạt.

Sau cuộc bỏ phiếu trên, Chủ tịch Ủy ban Tài chính Hạ viện, Hạ nghị sĩ Cộng hòa Patrick McHenry, sinh năm 1975, đại diện của bang North Carolina, sẽ tạm thời đảm nhiệm vị trí quyền Chủ tịch Hạ viện cho đến khi cơ quan lập pháp này bầu nhà lãnh đạo mới.

Mâu thuẫn trong nội bộ đảng Cộng hòa

Trong cuộc bỏ phiếu hôm 3-10, toàn bộ 208 Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ đều bỏ phiếu bãi nhiệm ông McCarthy. Vì đảng Cộng hòa đang nắm thế đa số tại Hạ viện, ông McCarthy có lẽ đã giữ được ghế nếu toàn bộ 218 Hạ nghị sĩ Cộng hòa cùng bỏ phiếu chống. Nhưng 8 nghị sĩ Cộng hòa đã quay lưng với vị Chủ tịch Hạ viện.

Mấu chốt đằng sau việc ông McCarthy mất chức nằm ở mâu thuẫn nội bộ đảng Cộng hòa tại Hạ viện, giữa một bên là nhóm thiểu số muốn thay đổi hệ thống và một bên đa số muốn giữ nguyên trạng. Phần lớn Hạ nghị sĩ Cộng hòa cho rằng họ cần phải giảm kỳ vọng về các mục tiêu lập pháp tại thời điểm đảng Cộng hòa chỉ chiếm đa số sít sao tại Hạ viện, trong khi cả Nhà Trắng và Thượng viện do đảng Dân chủ kiểm soát. Tuy nhiên, phía thiểu số muốn tỏ thái độ cứng rắn và không thỏa thiệp.

Chuyện gì xảy ra tiếp theo?

Theo giới quan sát, việc bãi miễn ông McCarthy khiến đảng Cộng hòa tại Hạ viện rơi vào tình trạng hỗn loạn mới. Hiện trong hàng ngũ Cộng hòa tại Hạ viện không có gương mặt kế nhiệm rõ ràng cho vị trí Chủ tịch. Theo giới quan sát, việc thiếu vắng vị trí lãnh đạo nhiều khả năng dẫn đến bế tắc tại Quốc hội Mỹ trong việc hoạch định chính sách, vì về nguyên tắc, Hạ viện sẽ không thể thông qua bất cứ dự luật nào cho tới khi vị chủ tịch mới được bầu ra và tuyên thệ nhậm chức.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hối thúc Hạ viện nước này cần phải nhanh chóng bầu chọn một Chủ tịch mới. Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết do thách thức khẩn cấp mà nước Mỹ đang phải đối mặt hiện nay, Tổng thống Biden đã bày tỏ hy vọng Hạ viện sẽ nhanh chóng bầu chọn được một Chủ tịch.

Sau khi kết thúc vòng bỏ phiếu, ông McCarthy tuyên bố sẽ không tái tranh cử sau khi bị phế truất. Vào thứ ba tuần tới, đảng Cộng hòa sẽ tổ chức hội nghị để lựa chọn ứng viên cho chức Chủ tịch Hạ viện. Cuối ngày 3-10, nghị sĩ bang Texas Troy Nehls của đảng Cộng hòa tuyên bố ông sẽ nộp thủ tục giấy tờ để đề cử cựu Tổng thống Donald Trump làm Chủ tịch Hạ viện tiếp theo. "Tuần này, khi Hạ viện Mỹ triệu tập trở lại, việc đầu tiên tôi sẽ làm là đề cử ông Donald Trump làm Chủ tịch Hạ viện Mỹ. Tổng thống Trump, vị tổng thống vĩ đại nhất trong đời tôi, đã chứng minh bản thân đặt nước Mỹ trên hết và ngài ấy cũng sẽ khiến Hạ viện vĩ đại trở lại", nghị sĩ Nehls cho biết trong một tuyên bố. Nghị sĩ Greg Steube của bang Florida cũng tuyên bố sẽ ủng hộ ông Trump cho vị trí Chủ tịch Hạ viện.

AN BÌNH

Viện trợ cho Ukraine gặp khó

Giới quan sát nhận định, việc Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy bị phế truất làm tăng thêm sự không chắc chắn về triển vọng viện trợ của Washington cho Ukraine trong tương lai, sau khi khoản ngân sách dành cho Kiev đã bị loại khỏi đạo luật chi tiêu tạm thời ngăn chính phủ Mỹ đóng cửa.

Vào cuối tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sự hỗ trợ của Washington dành cho Ukraine không thể bị gián đoạn "trong bất kỳ trường hợp nào". Tuy nhiên, mọi việc giờ đây đang trở nên rất phức tạp trong bối cảnh chưa rõ ai sẽ lên kế nhiệm ông McCarthy và liệu đến khi nào thì bế tắc về mặt ngân sách, trong đó có các khoản viện trợ cho Ukraine có thể được giải quyết. Trong khi đó, thảo luận tại Diễn đàn An ninh Warsaw ngày 3-10, Đô đốc Rob Bauer, chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO, nhận định quân đội các nước phương Tây "đang vét đáy thùng" và sắp hết đạn để viện trợ cho Ukraine. Giờ đây, mọi ánh mắt sẽ đổ dồn vào ai sẽ là người kế nhiệm ông McCarthy và quan điểm của nhân vật này về việc viện trợ cho Ukraine là gì.