Chủ tịch SOM APEC 2017: Thương mại tự do là cốt lõi trong APEC
Trả lời họp báo sau khi kết thúc Hội nghị tổng kết quan chức cao cấp (CSOM) ngày 7-11, ông Bùi Thanh Sơn-Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, Chủ tịch SOM APEC 2017 cho biết, tự do thương mại là cốt lõi của nguyên tắc hợp tác trong APEC. Tất cả các nền kinh tế đều muốn thương mại tự do.
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn chủ trì họp báo kết thúc CSOM. |
CSOM là hội nghị mở đầu cho Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 đã kết thúc sau 2 ngày làm việc với nhiều kết quả nổi bật. Hội nghị này có ý nghĩa quan trọng, sẽ chốt lại toàn bộ các công tác chuẩn bị cuối cùng về mặt nội dung để trình lên Hội nghị Liên bộ trưởng Ngoại giao & Kinh tế APEC lần thứ 29 và Hội nghị các nhà lãnh đạo APEC lần thứ 25 sẽ diễn ra những ngày tới.
Theo ông Sơn, CSOM đã thảo luận các nỗ lực về thương mại mở và tự do, thuận lợi hóa đầu tư. Các nền kinh tế thành viên đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam về tạo thuận lợi cho thương mại điện tử xuyên biên giới, tiếp tục nâng cao năng lực cho các thành viên trong kết nối chuỗi cung ứng và thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ tại khu vực. Nhiều thành viên cũng bày tỏ các nỗ lực hướng tới việc hình thành khu vực tự do thương mại Châu Á- Thái Bình Dương. Đặc biệt, trong bối cảnh các tỉnh Nam Trung Bộ và TP Hội An đang chìm trong cơn lũ rất lớn thì các đại biểu đánh giá cao ý nghĩa của Tuyên bố Cần Thơ về an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu vào tháng 8 vừa qua.
Trả lời câu hỏi về việc thúc đẩy phát triển TPP trong thời điểm chỉ còn 10 thành viên tham gia, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, trong khuôn khổ APEC có rất nhiều kênh khác nhau để đưa đến liên kết hợp tác, và TPP cũng chỉ là một kênh. Ngoài TPP hiện nay trong Châu Á - Thái Bình Dương có những khu vực mậu dịch tự do rất sâu và rộng như cộng đồng kinh tế ASEAN. Bên cạnh đó, trong khu vực hiện có hơn 150 các hiệp định thương mại tự do song phương. Thậm chí trong APEC cũng đang diễn ra đàm phán hiệp định đối tác toàn diện gồm 10 nước ASEAN và 6 nước khác. Với bối cảnh mới này, Việt Nam sẽ phối hợp tích cực với các nền kinh tế khác để thúc đẩy thu hẹp khoảng cách còn lại tạo ra được những cân bằng lợi ích tốt nhất sau khi Hoa Kỳ đã rút khỏi TPP. Chuyện Hoa Kỳ quay lại như thế nào vẫn bỏ ngỏ bởi vì TPP cũng là một tiến trình mở, không chỉ Hoa Kỳ mà các nền kinh tế khác về lâu dài cũng có thể tham gia TPP.
Truyền thông quốc tế tham gia họp báo. |
Xung quanh vấn đề tự do hóa thương mại trong APEC, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, đây là vấn đề cốt lõi của nguyên tắc hợp tác trong APEC. Ông nói, quá trình hợp tác trong APEC mức thuế quan các mặt hàng đã giảm từ gần 20% xuống còn khoảng 4-5%. Với kết quả đó, trao đổi thương mại trong APEC đã tăng nên rất nhanh, hàng trăm triệu người ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đã vượt qua được khoảng đói nghèo. Riêng Việt Nam, quá trình đổi mới, cải cách trong nước cộng với hội nhập quốc tế, trong đó có tham gia APEC đã chuyển từ một nước thu nhập thấp, kém phát triển thành nước thu nhập trung bình. Số người trong mức đói nghèo đã giảm rất nhanh, được ghi nhận bởi các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Liên hiệp quốc.
Với câu hỏi về trình độ phát triển kinh tế của các thành viên APEC rất khác nhau tạo thách thức trong hội nhập, làm cách nào để có thể thu hẹp khoảng cách để không nền kinh tế nào bị bỏ lại phía sau, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết cách tiếp cận của Việt Nam là tích cực hội nhập quốc tế, tranh thủ kinh nghiệm quốc tế để phát triển.
Về chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ sang Việt Nam, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, nhận lời của Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trong chuyến công du Châu Á sẽ dành ngày 10-11 tham gia Hội nghị Cấp cao APEC, ngày 11 đến 12-11 sẽ thăm chính thức cấp nhà nước Việt Nam. “Đây là chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Donald Trump diễn ra ngay trong năm đầu tiên cầm quyền, thể hiện ý nghĩa quan trọng cũng như quan tâm của Hoa Kỳ không chỉ với khu vực mà đối với bản thân Việt Nam. Tôi cho rằng tín hiệu Tổng thống Hoa Kỳ tới dự APEC đồng thời thăm cấp nhà nước với Việt Nam chuyển thông điệp mạnh mẽ về cam kết của Hoa Kỳ đối với sự hợp tác, liên kết, thịnh vượng ở trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Riêng Việt Nam - Hoa Kỳ đã xây dựng mối quan hệ đối tác toàn diện từ năm 2013. Và mối quan hệ này đang tiếp tục phát triển sâu rộng trên các lĩnh vực. Tôi tin rằng chuyến thăm của Tổng thống Trump lần này tới Việt Nam sẽ tiếp tục để 2 bên có cơ hội trao đổi làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác, phù hợp với xu thế chung ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương” – Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nói.
H.HẬU- X.ĐƯƠNG