Chủ xưởng mỹ nghệ có lòng nhân hậu

Thứ sáu, 05/02/2021 17:08

Tự mày mò và gây dựng nên thương hiệu sản phẩm mỹ nghệ làm từ những cây tre, chàng thanh niên Thái Đăng Tiến đã sở hữu trong tay một xưởng sản xuất đồ mỹ nghệ bằng tre có tiếng. Không chỉ cung cấp những sản phẩm chất lượng được làm hoàn toàn bằng thủ công mà anh Tiến còn mang lại công việc cho nhiều người tàn tật, giúp họ tạo dựng cuộc sống mới vững vàng hơn.

Anh Thái Đăng Tiến – người “thổi hồn” vào tre với sản phẩm độc đáo của xưởng mình.

Người “thổi hồn” vào tre

Đến xã Châu Khê, H.Con Cuông, Nghệ An, hỏi thăm xưởng mỹ nghệ của anh Thái Đăng Tiến, rất nhiều người biết đến và chỉ đường tận tình. Xưởng không quá rộng, là nơi làm của gần chục công nhân để cho ra đời những sản phẩm mỹ nghệ kịp phục vụ trong dịp Tết. “Phần tre và hướng dẫn tạo hình sẽ do tôi thực hiện sau đó sẽ giao cho những công nhân trong xưởng làm. Do xưởng mới thành lập nên mọi công việc phải được hướng dẫn tỉ mỉ. Đặc biệt, cách tạo hình sản phẩm sẽ được theo sát bởi chỉ cần hỏng 1 khâu là coi như hỏng cả dây chuyền. Trong xưởng có 2 công nhân khuyết tật lại chưa hề tiếp xúc với máy móc đó là anh La Văn Vinh (1983, người dân tộc thiểu số Đan Lai) bị tật nguyền và em Lô Văn Bằng (1996) bị thiểu năng trí tuệ” – anh Tiến cho hay.

Ý tưởng tạo ra các sản phẩm mỹ nghệ từ cây tre được Thái Đăng Dũng (1990, em trai anh Tiến) nghĩ ra. Sau khi nhận được đơn hàng cung cấp tre có sẵn tại địa phương để làm nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất đồ mỹ nghệ, Dũng đã nảy ra sáng kiến phải học hỏi cách làm các sản phẩm mỹ nghệ để tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ này. Đây là cách vừa nâng cao được giá trị sản phẩm, vừa tạo công ăn việc làm cho người dân bản địa. Ý tưởng này đã được hai anh em Dũng và Tiến đưa ra bàn bạc, thảo luận. Cả hai đều nhất trí và cố gắng thực hiện bằng được. Tuy nhiên, để bắt tay vào thực hiện không phải là điều dễ dàng. Cái quan trọng đầu tiên là phải học được nghề làm đồ mỹ nghệ. Sau đó là các khâu xử lý tre thế nào cho hiệu quả để cho ra sản phẩm vừa đảm bảo chất lượng, vừa bền lâu.

Sau một thời gian mày mò, tìm kiếm, anh Thái Đăng Tiến quyết định ra Thanh Hóa tìm cơ sở sản xuất đồ mỹ nghệ uy tín để học việc. Sau nhiều tháng học hỏi, anh Tiến nắm vững được một số khâu xử lý tre, trong đó khâu khó nhất là xử lý phía trong ống tre. Khâu này các cơ sở sản xuất thường giấu nghề, bởi đây là bí quyết nghề nghiệp.

Chưa chịu nản chí, anh Tiến lại tiếp tục tìm đến cơ sở sản xuất khác quyết tâm học bằng được mẹo xử lý phía trong ống tre. “Một số nơi dùng giấy nhám đánh kỹ phía trong ống tre nhưng tôi nghĩ việc này sẽ làm thợ mất rất nhiều thời gian. Tôi nghĩ ra cách dùng máy áp lực thổi cát vào trong các ống tre, vừa làm khô trong ống tre, vừa nhanh, hiệu quả lại ít chi phí” – anh Tiến chia sẻ.

Sau khi học hỏi được bí quyết làm ra các sản phẩm mỹ nghệ, anh em anh Tiến về nhà bắt tay vào làm. Từ khâu mua tre, luộc tre, sấy tre đến tạo hình sản phẩm đã được tiến hành kỹ lưỡng. Theo anh Tiến, tre mua về phải luộc rồi mang ngâm muối 2 ngày, sau đó tiêu diệt lượng đường trong cây tre nhằm chống mối mọi rồi đến công đoạn sấy và tạo hình. “Nhiều bộ phận của cây tre sẽ được tận dụng, thân để làm cốc, ấm, bình đựng hoa, đồ trang trí…, cành thì làm tay cầm, vòi nước. Gốc tre sẽ để làm những ấm trà đặc biệt nhưng để khoét lõi đòi hỏi sự khéo léo, cẩn trọng bởi chỉ cần lưỡi dao đi chệch một tí thì coi như bỏ. Hiện xưởng của anh Tiến đã nhận được nhiều đơn hàng từ khắp mọi miền đất nước, bước đầu sản phẩm đã được đánh giá cao và mang đi triển lãm ở tại nhiều hội chợ.

Mang nụ cười đến với người khuyết tật

Dù xưởng mới thành lập và đi vào hoạt động nhưng ngoài tuyển những công nhân chăm chỉ, chịu khó thì anh Tiến lại ưu tiên những công nhân khuyết tật. Cũng bởi vậy, xưởng của anh đã có 4 công nhân đặc biệt trong đó có 3 người người Đan Lai.

Cơ duyên gắn kết của anh với những người này là vào dịp từ thiện trong vùng lõi vườn quốc gia Pù Mát – nơi có đông tộc người Đan Lai sinh sống, anh Tiến nhìn thấy cuộc sống của người dân đang còn khốn khó. “Tôi muốn làm được cái gì đó giúp họ cải thiện cuộc sống. Sau khi tìm hiểu, tôi thấy có 3 người bị dị tật ở chân nhưng đôi bàn tay của họ rất khéo léo đang ngồi đan rổ rá. Tôi liền thuyết phục họ mạnh dạn vào xưởng làm việc. Phải đến 4-5 lần ngồi thuyền máy ngược dòng sông Giăng vào tận bản thuyết phục thì họ mới đồng ý” – anh Tiến nói.

Do quen với lao động thô sơ nên bước đầu những nhân viên “đặc biệt” này rất khó thích nghi với máy móc. Anh Tiến lại mày mò chỉ dạy từ từ. Giờ đây, họ đã dần quen với máy móc, đã tự tay làm được những sản phẩm mỹ nghệ độc đáo. La Văn Vinh chia sẻ: Nhờ anh Tiến “kéo” chúng tôi ra khỏi bản để tiếp thu với những thứ hiện đại ở xưởng. Có máy thì công việc sẽ nhanh hơn, hiệu quả hơn. Bây giờ tôi đang học việc nhưng mỗi tháng vẫn được anh Tiến trả mức tiền công 3-4 triệu đồng. Đây là số tiền rất lớn đối với dân làng chúng tôi. Còn em Lô Văn Bằng do bị thiểu năng trí tuệ nên trước đây cứ lầm lì, ít nói và không hòa nhập được với mọi người nhưng giờ đây, Bằng đã sử dụng máy phun cát bằng áp lực hơi rất thành thạo.

Những gì anh Thái Đăng Tiến làm được cho người dân vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát chưa phải là lớn lao nhưng đã góp phần thay đổi tư duy của người Đan Lai. Đặc biệt, điều đáng trân trọng hơn nữa là anh đã mang đến cho những công nhân “đặc biệt” một luồng văn hóa mới để họ tự đắp xây cuộc đời mình.

Dương Hóa